Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải: Ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp là xu thế tất yếu

Tuấn Hùng Chủ nhật, ngày 28/08/2022 20:25 PM (GMT+7)
Chiều ngày 28/8, hội thảo Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo techfest tại Lai Châu với chủ đề ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu…Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cho rằng, ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp là xu thế tất yếu
Bình luận 0

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu ở Lai Châu

Theo ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, việc phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế tất yếu. Qua đó giúp đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản; kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Từ đó, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt giá trị công nghệ cao, từng bước đưa nền nông nghiệp cả nước nói chung, nông nghiệp Lai Châu nói riêng trở thành nền nông nghiệp hiện đại.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu tại Lai Châu - Ảnh 1.

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 8 điểm cầu trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ảnh Tuấn Hùng

Hiện nay, ngành nông nghiệp Lai Châu đã đưa nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; xây dựng các mô hình sản xuất, tập huấn chuyển giao, ban hành các chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, quy mô ngành nông nghiệp còn nhỏ; chuyển dịch cơ cấu ngành còn chậm; hạ tầng giao thông, điện, viễn thông phát triển chưa đồng bộ; trình độ lao động kỹ thuật, lao động phổ thông còn thiếu; doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp còn ít, quy mô nhỏ và siêu nhỏ; việc phổ biến công nghệ, kỹ thuật mới tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân chưa nhiều; chính sách tín dụng khoa học công nghệ chưa đủ mạnh, khó thực hiện…

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu tại Lai Châu - Ảnh 2.

Các đại biểu dự Hội thảo đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan như: "Chuyển đổi số trong Nông nghiệp - Câu chuyện từ thực tế từ làng nông nghiệp thông minh MEVI ECO SYSTEM"... (Ảnh Tuấn Hùng)

Lai Châu đã ban hành các Nghị quyết về phát triển rừng bền vững và phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Do đó Lai Châu rất chú trọng đến việc chuyển đổi số nông nghiệp để có thể áp dụng vào sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói… cũng như công nghệ xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp, xử lý môi trường trong sản xuất…

Lai Châu cần những chính sách cụ thể hơn cho ngành nông nghiệp

Với những chia sẻ của lãnh đạo tỉnh Lai Châu, các đại biểu dự Hội thảo đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan như: "Chuyển đổi số trong Nông nghiệp - Câu chuyện từ thực tế từ làng nông nghiệp thông minh MEVI ECO SYSTEM"; kinh nghiệm trong xử lý môi trường, xử lý ô nhiễm đất, nước, xử lý rác thải thành các chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường.

Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ đa kênh trong quản lý sản xuất và quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ tiên tiến trong Bảo quản và chế biến Nông Lâm sản; kinh nghiệm nghiên cứu theo chuỗi giá trị gia tăng cho sản xuất dược liệu - Bài học phát triển sản phẩm từ cây Đương quy"; Kinh nghiệm về hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; kinh nghiệm về sử dụng vi sinh trong trồng cây ăn quả…

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu tại Lai Châu - Ảnh 3.

Tiến sĩ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Lai Châu cần tiếp tục có những chính sách cụ thể hơn nữa thuận tiện cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành nông nghiệp. Ảnh Tuấn Hùng

Với những chia sẻ, đóng góp trên, Tiến sĩ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Lai Châu cần tiếp tục có những chính sách cụ thể hơn nữa thuận tiện cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành sản xuất chế biến.

Những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, dược liệu cần được kết nối thông tin, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế mỗi địa phương. Các huyện, các hiệp hội, doanh nghiệp cần khai thác triệt để những doanh nghiệp, đối tác để tìm đầu ra sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển nông nghiệp, dược liệu tại Lai Châu - Ảnh 4.

Các đại biểu ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp Lai Châu và doanh nghiệp tham dự Hội thảo.

Về phía Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ và các đơn vị đi trước có kinh nghiệm sẽ luôn đồng hành với Lai Châu về ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu.

Dịp này, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp của Lai Châu đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với một số Tập đoàn, công ty, nhà đầu tư tham dự Hội thảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem