dd/mm/yyyy

Nông thôn Tây Bắc: Xứ Mường nuôi nhốt trâu, bò; lãi gần 2 tỷ/năm

Từ bỏ thói quen thả rông gia súc ở vùng Nông thôn Tây Bắc, ông Chính nuôi 70 con trâu, 60 con bò vỗ béo nhốt chuồng, mỗi năm lãi gần 2 tỷ đồng.

Khởi nghiệp nghề mới ở vùng Nông thôn Tây Bắc

Những năm qua, nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ thịt trâu bò trên thị trường, ông Đặng Văn Chính đã cải tạo vườn tược làm chuồng trại, trồng cỏ voi, mía để nuôi trâu bò vỗ béo nhốt chuồng phát triển kinh tế gia đình.  Từ khi chuyển sang nuôi trâu, bò đời sống của gia đình ông ngày càng sung túc và khấm khá. Việc nuôi trâu, bò vỗ béo thu hồi vốn nhanh, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân ở vùng cao nơi đây.

Nông dân xứ Mường cho trâu, bò chung 1 nhà vỗ béo lãi gần 2 tỷ/năm - Ảnh 1.

Khi mới chuyển sang nuôi trâu bò vỗ béo, ông Chính gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên nhờ sự kiên trì, chịu khó học hỏi, ông đã tích luỹ được nhiều kiến thức và có kinh nghiệm chăm sóc đàn trâu bò. Ảnh: Hà Hoàng.

Theo tìm hiểu của PV, trước khi đến với mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo, ông Chính đã trải qua nghề lái xe tải đường dài. Công việc hầu như không cố định, thời gian dành chăm sóc gia đình rất ít, cộng thêm nhiều yếu tố khách quan, cạnh tranh ngày càng cao giữa các phương tiện vận tài đường dài nên thu nhập của ông cũng giảm mạnh. Thấy cuộc sống ngày càng khó khăn, không thể bám trụ lâu dài với nghề, ông đã quyết định bỏ nghề xe tải, tập trung nguồn vốn làm chuồng trại nuôi trâu, bò. Bước đầu, khi mới chuyển sang chăn nuôi ông Chính đã gặp không ít khó khăn, tuy nhiên nhờ sự kiên trì, chịu khó và ham học hỏi, ông đã nắm chắc được vốn kiến thức chăm sóc đàn đại gia súc. Nhờ thế mà đàn trâu bò của gia đình ông luôn béo tốt và được nhiều thương lái đến tìm mua.

Nông dân xứ Mường cho trâu, bò chung 1 nhà vỗ béo lãi gần 2 tỷ/năm - Ảnh 2.

Nhờ cách chăm sóc tốt, đàn trâu của ông Chính luôn béo khoẻ. Ảnh: Hà Hoàng.

Ông Đặng Văn Chính, tiểu khu 5 (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong bộc bạch: "Tôi làm chuồng trại trên 5.000 m2 đất vườn, sau đó xuống chợ Ú (huyện Đô Lương, Nghệ An) mua những con trâu gầy về vỗ béo, để phát triển kinh tế. Lúc nào trong chuồng trại của tôi cũng có khoảng 70 con trâu. Tôi nuôi trâu theo kiểu gối, nên lúc nào cũng có sản phẩm bán cho khách hàng".

Cơi nới chuồng trại cho trâu, bò về chung 1 nhà lãi gần 2 tỷ đồng

Thấy thu hồi vốn nhanh và có lãi cao, ông Đặng Văn Chính tiếp tục nhân rộng mô hình chuồng trại mua thêm bò về nuôi để đa dạng các mặt hàng bán ra thị trường, nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình hơn nữa. "Tôi cơi nới chuồng trại lên hơn 4.000 m2, rồi tiếp tục đi mua bò gầy tại các huyện trên địa bàn tình Hoà Bình và xuống chợ Ú (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) mua, để mong sao có cuộc sống dư giả hơn nữa. Sau 1 thời gian nuôi bò, lúc nào trong chuồng trại của tôi cũng có khoảng 60 con bò sẵn sàng bán cho thương lái", ông Chính nói.

Nông dân xứ Mường cho trâu, bò chung 1 nhà vỗ béo lãi gần 2 tỷ/năm - Ảnh 3.

Ông Chính mua thêm bò gầy về vỗ béo, để nâng cao hiệu quả kinh tế hơn nữa cho gia đình. Ảnh: Hà Hoàng.

Như lời chia sẻ của ông Chính thì thông thường mỗi 1 con trâu gầy nuôi theo kiểu nhốt chuồng vỗ béo phải tốn lượng thức ăn khoảng 20kg cỏ voi, 30kg mía, 10kg bã bia. Còn đối với bò thì lượng thức ăn thấp hơn, mỗi con tốn khoảng 10kg cỏ voi, 20kg mía, 8kg bã bia. Bình quân 1 ngày, ông cho trâu bò ăn 2 bữa, nếu chăm sóc 1 cách bài bản thì khoảng 4 tháng  có thể bán ra thị trường tiêu thụ.

Để có nguồn thức ăn ổn định cho chăn nuôi, ông Đặng Văn Chính đã cải tạo lại đất trồng bưởi, cam để trồng cỏ voi, tăng gia sản xuất thêm vụ 3 trồng cây ngô làm thức ăn cho vật nuôi. Bên cạnh đó, để chủ động nguồn thức ăn trong những tháng mùa đông, ông Chính còn thu mua rơm rạ, cỏ, lá ngô và ủ chua tích trữ làm thức ăn cho đàn trâu bò.

"Tính tổng 1 năm tôi có lãi từ việc nuôi trâu, bò vỗ béo gần 2 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của gia đình tôi là các huyện trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Nhờ nuôi trâu, bò mà tôi đã có 1 cơ ngơi dư giả, không phải còn lo đến cái ăn cái mặc. Con cái đều được học hành đến nơi, đến chốn"- ông Đặng Văn Chính, tiểu khu 5, thị trấn Cao Phong nói.

Nông dân xứ Mường cho trâu, bò chung 1 nhà vỗ béo lãi gần 2 tỷ/năm - Ảnh 4.

Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) người bên trái, đang hướng dẫn ông Chính chăm sóc đàn trâu bò tại chuồng trại. Ảnh: Hà Hoàng.

Trao đổi với PV ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết, hiện nay nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo đang trở thành một nghề của người dân trên địa bàn huyện Cao Phong. Để nghề này duy trì và phát huy hiệu quả kinh tế, Hội đã và đang tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình chăn nuôi. Từ đó, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định.

Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân trong phát triển mô hình nuôi trâu bò vỗ béo, Hội đã mở lớp tập huấn, cử cán bộ về tận xóm, vào tận nhà cầm tay chỉ việc cho bà con. Hội chỉ tay từ cách làm chuồng chống nóng, chống rét cho trâu, bò; kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Nhờ vậy, mà các hội viên nông dân đã có được vốn kiến thức trong chăn nuôi, góp phần phát triền kinh tế - xã hội, xoá nghèo tại địa phương.


Hà Hoàng