Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 05:49 PM (GMT+7)

Lai Châu: Nùng Nàng nỗ lực giảm nghèo bền vững

2024-11-28 20:37:50

Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của người dân, công tác giảm nghèo bền vững của xã Nùng Nàng (Tam Đường, Lai Châu) đã có nhiều chuyển biến rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm từ 5 – 6%.

Nùng Nàng giảm nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần đặt lên hàng đầu, xã Nùng Nàng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Các tổ chức hội, đoàn thể của xã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện các phong trào thi đua gắn với công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập.

Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở một xã vùng cao của Lai Châu - Ảnh 1.

Công tác giảm nghèo bền vững của xã Nùng Nàng có nhiều chuyển biến rõ rệt. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Vàng A Súa – Chủ tịch UBND xã Nùng Nàng, cho biết: Nùng Nàng là xã vùng cao của huyện Tam Đường. Người dân trong xã chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Địa hình xã Nùng Nàng chủ yếu là đồi núi cao, diện tích đất canh tác ít, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán sản xuất lạc hậu… là những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao.

Clip: Nùng Nàng nỗ lực giảm nghèo bền vững

Trên cở sở rà soát, đánh giá thực trạng, tìm ra nguyên nhân đói nghèo trên địa bàn, xã Nùng Nàng đã xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp đồng bộ, nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Một mặt, xã Nùng Nàng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cũng như ý chí thoát nghèo, mong muốn làm giàu cho người dân. Một mặt, xã Nùng Nàng tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất từ các chương trình, dự án của Nhà nước.

Thay vì chỉ sản xuất lúa, ngô, sắn như trước đây, xã Nùng Nàng đã vận động người dân các bản chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Nùng Nàng đã chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện Tam Đường tổ chức các lớp đào nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật cho người dân trên địa bàn.

Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở một xã vùng cao của Lai Châu - Ảnh 2.

Người dân xã Nùng Nàng mạnh dạn trồng rau màu các loại trên chân ruộng 1 vụ. (Ảnh: Thanh Ngân)

Tỷ lệ hộ nghèo ở Nùng Nàng giảm rõ rệt

Được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân xã Nùng Nàng ngày càng mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuạt vào sản xuất. Các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao cũng được người dân đưa vào sản xuất, thay thế cây trồng cũ kém hiệu quả. Nhờ đó, mấy năm gần đây, trên đồng đất xã Nùng Nàng, ngoài sự hiện diện của cây lúa, cây ngô, còn có hình ảnh của những nương chè xanh mướt, những vườn cây ăn quả sai trĩu trịt. Thu nhập, đời sống của người dân trong xã cũng theo đó mà ngày càng cải thiện, nâng cao.

Năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực của xã Nùng Nàng được hơn 500ha. Ngoài lúa, ngô, người dân xã Nùng Nàng còn tập trung chăm sóc hơn 43ha chè, hơn 100ha lạc, hơn 12ha chanh leo và gần 90ha cây ăn quả các loại…

Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở một xã vùng cao của Lai Châu - Ảnh 3.

Người dân xã Nùng Nàng tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. (Ảnh: Thanh Ngân)

Nếu như trước đây, sau khi thu hoạch lúa mùa, người dân trong xã chủ yếu là bỏ hoang đất. Hai năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đưa rau màu vào trồng trên chân ruộng 1 vụ. Đây là sự thay đổi lớn trong nhận thức cũng như tập quán sản xuất của người dân trên địa bàn. Năm 2024, toàn xã Nùng Nàng trồng được gần 40ha rau màu các loại, trong đó chủ yếu là cây bắp cải.

Không chỉ dừng lại ở việc trổng lúa, ngô và các loại cây ăn quả, người dân xã Nùng Nàng còn đưa các loại cây dược liệu vào trồng như: Đương quy, thảo quả, sa nhân… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Đang cặm cụi nhổ cỏ bên những luống đương quy gần nhà, thấy chúng tôi đến, ông Thào A Măng, ở ban Sáy San 1 (Nùng Nàng, Tam Đường) dừng tay chào hỏi. Mới đây, ông Măng được tham gia lớp đào nghề trồng dược liệu, do xã Nùng Nàng phối hợp với Phòng Lao động, Thương Binh và Xã hội huyện Tam Đường tổ chức.

Nỗ lực giảm nghèo bền vững ở một xã vùng cao của Lai Châu - Ảnh 4.

Bộ mặt nông thôn của xã Nùng Nàng có nhiều khởi sắc. (Ảnh: Thanh Ngân)

Ông Măng vui vẻ cho biết: Gia đình tôi trồng đương quy từ mấy năm nay. Vừa rồi tham gia lớp đào tạo nghề đương quy, tôi được truyền đạt khá nhiều kiến thức bổ ích. Sau khóa học, tôi đã nắm được kĩ thuật làm đất cũng như trồng, chăm sóc đương quy sao cho hiệu quả. Trồng đương quy cũng không mấy vất vả, mà lại cho thu nhập cao hơn trồng lúa. Năm ngoái, gia đình tôi thu hơn 10 triệu đồng từ bán củ đương quy tươi ra thị trường. Năm nay, gia đình tôi lại tiếp tục trồng đương quy, với diện tích gần 1000m2.

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như tăng gia sản xuất, thu nhập, đời sống của người dân xã Nùng Nàng không ngừng cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo của xã bình quân mỗi năm giảm từ 5 – 6%. Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo của xã Nùng Nàng còn gần 20%.

Thanh Ngân
Phía sau quá trình 1 chaebol Hàn Quốc biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất

Phía sau quá trình 1 chaebol Hàn Quốc biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất

Chủ tịch tập đoàn Hyosung chính là người dẫn dắt cả quá trình gần 20 năm biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu thứ hai bên cạnh Hàn Quốc là nơi xuất phát. Dù tầm cỡ chưa bằng Samsung hay LG hiện tại nhưng kế hoạch sẽ tuyển thêm 10.000 nhân lực Việt Nam.