dd/mm/yyyy

Những quả na 4.0 ở Đông Triều

Mùa na năm 2019, những quả na dai của hàng trăm hộ dân xã An Sinh, thị xã Đông Triều lần đầu tiên được dán mã QR, bọc xốp rồi xếp vào thùng các tông theo đúng quy cách trước khi đưa ra thị trường.

 Ông Nguyễn Minh Sơn (xã An Sinh, thị xã Đông Triều) phấn khởi khoe: Đây là những quả na 4.0.

Soi na ra… xuất xứ

Năm 2017, được sự khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ từ thị xã Đông Triều, ông Sơn đã đầu tư gần 80 triệu đồng vào hệ thống tưới tiêu cho 1,2ha na của gia đình để chuyển dịch sang quy trình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Những quả na 4.0 ở Đông Triều - Ảnh 1.

Na dai Đông Triều được dán mã QR code. Ảnh: Nguyên Ngọc

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường từng nhận định: "Các tiến bộ KHKT của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra triển vọng phát triển kinh tế cho Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đây là cơ hội rất tốt để nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam vươn lên trong quá trình công nghiệp hóa. Song hành với các cơ hội là đầy rẫy những thách thức".

Qua hơn 3 năm thực hiện, cây na phát triển rất tốt, chất lượng quả ngon, sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất và giá trị cao hơn hẳn. Na thu hoạch được dán mã QR và đóng gói theo quy cách, do đó, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm khi sử dụng phần mềm quét mã QR. Ông Sơn và các nông dân trồng na cũng không phải mang hàng hóa đi bán như trước, mà có thương lái thu mua tận vườn.

Theo thống kê của xã An Sinh, trung bình 1ha trồng na áp dụng quy trình VietGAP hiện cho sản lượng hơn 10 tấn quả/năm, doanh thu trên 300 triệu đồng, tăng hơn 2 tấn (gần 70 triệu đồng) so với trồng na theo phương thức truyền thống. Hiện cây na đang được thị xã Đông Triều xác định là cây trồng chủ lực để nâng cao thu nhập cho người dân. Do vậy, chính quyền địa phương đã tập trung vận động, hướng dẫn bà con sản xuất na theo quy trình VietGAP, nâng cao chất lượng, mẫu mã, để gia tăng giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu "Na dai Đông Triều".

Cũng như Đông Triều, các vùng trồng trọt, chăn nuôi theo quy trình VietGAP đang được nhiều địa phương trong tỉnh chú trọng, coi đây là hướng đi đúng đắn để phát triển nông sản có thế mạnh, từng bước hình thành nên những khu vực sản xuất chuyên sâu. Tiêu biểu có thể kể đến như vải chín sớm Phương Nam (Uông Bí), chè ở Hải Hà, rau sạch Quảng Yên, tôm thẻ chân trắng Móng Cái, Tiên Yên…

Thông qua Chương trình OCOP với những cơ chế hỗ trợ về xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và quy trình giám sát, phân loại, nâng hạng sản phẩm theo từng năm, tỉnh cũng hướng người dân bắt nhịp với cách thức làm nông nghiệp mới. Đó là chú trọng đến chất lượng, quy trình công nghệ, giá trị thương hiệu… Đặc biệt, các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được giới thiệu rộng trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Ninh. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh giới thiệu mặt hàng của mình đến nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, các ngành, đơn vị cũng đang thực hiện việc chuyển giao những công nghệ, kỹ thuật mới, tiên tiến cho nông hộ để người dân thấy được tiện ích của khoa học kỹ thuật, giảm thiểu rủi ro, tiết kiệm thời gian, nhân lực và quan trọng là nâng cao giá trị nông sản.

Khuyến khích nông dân tiếp cận công nghệ

Những quả na 4.0 ở Đông Triều - Ảnh 3.

Sàn giao dịch thương mại Quảng Ninh. Ảnh: Nguyên Ngọc

Việc khích lệ nông dân tiếp cận khoa học công nghệ cũng được tăng cường thông qua các hoạt động, phong trào của Hội Nông dân như: Cuộc thi "Nông dân với công nghệ thông tin", hội nghị, hội thảo tập huấn khoa học, kỹ thuật, các câu lạc bộ nông dân, phong trào sản xuất kinh doanh giỏi… Cùng với đó là hỗ trợ tín dụng được quan tâm, nhằm tạo nguồn lực cho nông dân khi xây dựng các mô hình phát triển kinh tế có đầu tư công nghệ. Đây chính là những bước đệm cần thiết cho nông dân Quảng Ninh vững tin hội nhập, tiến đến mục tiêu trở thành "nông dân thông minh".

Anh Trương Thế Đô (xã Đại Bình, huyện Đầm Hà) cho biết: "Sự quan tâm từ các cấp chính quyền với những cơ chế hỗ trợ, động viên, khuyến khích, đã giúp nông dân tự tin, mạnh dạn hơn trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình".

Dù vậy, những khó khăn thách thức trên hành trình xây dựng nông nghiệp 4.0 cũng nhiều gian nan khi câu chuyện về tư duy sản xuất của hàng triệu hộ nông dân Việt Nam nhiều năm qua vẫn còn đó. Bài toán về một nền nông nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp, với sản phẩm có giá trị thương mại cao, vươn xa đến những thị trường khó tính cũng vẫn nhiều trăn trở. Thách thức lớn này cũng đặt nền nông nghiệp Quảng Ninh nói chung và nông dân Quảng Ninh nói riêng vào một "cuộc chơi" lớn, đó là thay đổi để phát triển.


Nguyên Ngọc