Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 02:52 PM (GMT+7)
Nhà trọ đua nhau “chặt chém”, sinh viên nghèo khốn khổ
2023-08-19 19:00:00
Bước vào năm học mới, nhu cầu thuê trọ của sinh viên ngày càng cao khiến thị trường cho thuê trọ “nóng” hơn bao giờ hết. Đây cũng là lúc mà nhiều chủ trọ bắt đầu đẩy giá thuê và phí dịch vụ lên cao khiến việc tìm phòng trở thành cuộc đua của các sinh viên.
“Mùa chặt chém” của các chủ nhà trọ
Đến hẹn lại lên, vào thời điểm sinh viên chuẩn bị nhập học, thị trường cho thuê trọ lại xuất hiện tình trạng tăng giá phòng với đủ các loại phí dịch vụ kéo theo.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các khu vực tập trung đông các trường đại học tại Hà Nội như: Đường Xuân Thuỷ - Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy), phố Chùa Láng (Đống Đa), đường Giải Phóng chạy trên các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng,... đều có các phòng trọ thuộc giá đắt đỏ và thường xuyên bị các chủ trọ đẩy giá thuê.
Liên hệ với chị Hoà, chủ một nhà trọ ở sâu bên trong ngõ 66 Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) với hy vọng sẽ tìm được một giá thuê tốt hơn, phóng viên bất ngờ khi được chị dẫn đi xem các phòng trọ chỉ rộng chưa đầy 15m2, ẩm thấp, nhà vệ sinh sập xệ và cũ kĩ, không có đồ đạc với giá 2,8 triệu đồng/tháng.
Chị Hoà chào mời: “Phòng này các bạn dọn dẹp và dán thêm giấy dán tường là ở thoải mái, giờ khu này không tìm thêm được chỗ nào rẻ hơn chỗ này đâu”.
Ngoài ra, chị Hoà còn giới thiệu thêm một dãy trọ khác khang trang và sạch sẽ hơn ở cùng ngõ. Tuy nhiên, giá thuê lên tới 4,2 triệu đồng/phòng/tháng.
Việc tăng giá phòng khiến cả sinh viên đang thuê trọ và các tân sinh viên “nóng mặt”.
Lê Thu Trang, sinh viên năm 3 trường Đại học Ngoại Thương cho biết, từ cuối tháng 7, chủ phòng trọ đã thông báo tăng giá phòng thêm 300.000 đồng/phòng/tháng và tăng giá điện lên 4.200 đồng/số.
Trang cho biết, lý do chủ trọ tăng giá là do mọi chi phí giá cả đều tăng, trong đó có cả điện, nước nên buộc phải tăng đề phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, cách giải thích của chủ trọ khiến Trang và nhiều người thuê trọ khác không đồng tình.
“Giá phòng tăng nhưng chất lượng phòng trọ vẫn không thay đổi, tôi vẫn phải chịu ảnh ẩm thấp và thường xuyên bị mất mạng, cắt nước. Trong khi đó, vốn dĩ giá điện thu ban đầu là 4.000 đồng/số đã quá cao so với giá Nhà nước.
Tôi và mọi người có phản ánh lại nhưng chủ trọ vẫn nhất quyết tăng giá và gây sức ép với chúng tôi. Chủ trọ yêu cầu chúng tôi nếu không đồng ý thì chuyển sang nơi khác vào tháng tới” - Trang chia sẻ.
Cùng chung cảnh ngộ, Hoàng Văn Chung, tân sinh viên trường Đại học Thương mại cho biết, Chung đã lên Hà Nội được một tuần để chủ động tìm trọ sớm nhưng vẫn chưa tìm được phòng ưng ý do giá phòng và phí dịch vụ quá cao so với khả năng chi trả.
Chung cho biết, các phòng trọ trống đều không có giá dưới 2,5 triệu đồng/tháng do đã có người thuê hoặc đặt cọc trước. Các phòng từ 3 triệu đồng trở lên có chất lượng khá tốt, tuy nhiên, các chi phí phát sinh cũng nhiều vô kể.
“Ngoài tiền điện, nước, wifi, nhiều chủ trọ còn yêu cầu thêm các khoản khác như tiền điện cầu thang, tiền gửi xe, tiền thang máy,... Tôi thấy những chi phí nên nằm trong giá phòng chứ không phải tách riêng để ép người thuê phải chi trả” - Chung chia sẻ.
Bên cạnh đó, mùa tựu trường cũng là dịp để các “cò” nhà đất làm việc sôi động. Tình trạng các “cò” đất quanh quẩn tại các trường đại học và khu thuê trọ để chèo kéo sinh viên không còn quá xa lạ. Các “cò” còn rao vặt trên các trang hội nhóm online để tìm khách. Nếu thuê qua trung gian, sẽ mất phí tầm 200.000 đồng đến 500.000 đồng.
Sinh viên chi tiêu tằn tiện do giá nhà tăng
Giá gạo tăng, kéo theo hệ lụy giá cả sinh hoạt cũng tăng theo, nhiều sinh viên ngoại tỉnh đã phải đối mặt ngay với “cơn bão” tăng giá từ các chủ nhà trọ.
Để giảm chi phí sinh hoạt hàng tháng, nhiều bạn trẻ đã tìm mọi cách để chi tiêu tiết kiệm hơn. Với giá phòng, các sinh viên đã tìm thêm bạn ở ghép để chia theo đầu người. Một số khác lựa chọn cùng nhau góp tiền thuê nhà nguyên căn để hưởng điện nước giá dân.
Hồ Thị Thu Thảo, sinh viên năm hai trường Đại học Hà Nội cho biết, cô đã tận dụng nhiều cách để phí sinh hoạt tại Thủ đô chỉ khoảng 1 triệu - 1,2 triệu đồng/tháng.
Theo Thu Thảo, cô đã bớt các cuộc tụ tập bạn bè cuối tuần, hạn chế mua quần áo và mỹ phẩm để tiết kiệm một khoản chi tiêu nho nhỏ.
Dưới sức ép của việc tăng giá cả hàng hoá, cô lựa chọn việc sử dụng đồ ăn từ quê lên. Với mỗi lần bố mẹ gửi đồ, Thảo có thể sống thoải mái trong khoảng hơn 1 tuần mà không cần chi thêm tiền ăn uống.
Nếu gia đình chưa kịp gửi thực phẩm lên, Thảo cùng các bạn trong phòng sẽ chia ngày phụ trách đi chợ đầu mối để mua được đồ ăn vừa rẻ vừa tươi ngon.
Vào những ngày thời tiết nóng bức, cô dành hầu hết thời gian tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị hoặc thư viện để tránh nóng. Cách làm này được không ít các bạn trẻ áp dụng nhằm tiết kiệm tiền điện.
“Thực sự giá thuê nhà cao là áp lực rất lớn đối với tôi và gia đình. Nếu không tìm cách tiết kiệm tối đa, với mức chu cấp khoảng 2 triệu đồng/tháng thì không đủ. Tôi cũng làm thêm công việc bán thời gian bên ngoài để trang trải thêm, tuy nhiên điều này cũng ảnh hưởng tới kết quả học tập” - Thảo chia sẻ.