Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 04:53 AM (GMT+7)
Những ngành hàng nào sẽ tác động khi điện tăng giá?
2023-05-05 10:48:00
Việc tăng giá bán lẻ điện, xét trên nhiều phương diện, sẽ có một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực. Điển hình là nhóm ngành xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy.
Từ ngày 4/5, mỗi kWh điện sẽ tăng lên mức 1.920,37 đồng (chưa gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 3% so với giá hiện hành. EVN lý giải lý do tăng giá điện là vì giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, nhưng giá bán điện thương phẩm là 1.882,73 đồng/kW. Năm 2023, giá thành sản xuất điện tiếp tục cao hơn năm 2022.
Còn năm 2021, giá thành sản xuất điện là 1.859,9 đồng/kWh, giá bán điện thương phẩm bình quân 1.855,57 đồng/kWh.
Nếu so giá thành sản xuất điện năm 2022 với giá bán lẻ bình quân hiện hành áp dụng trước ngày 4/5, là 1.864,44 đồng, EVN đang bán lỗ gần 168 đồng một kWh.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset trong 10 năm, tính từ 2009-2019, giá bán lẻ điện bình quân đã có 10 lần điều chỉnh tăng, mức tăng trung bình giai đoạn này đạt 10%/năm. Điện đang chiếm khoảng 3,5% tổng cấu thành rổ tính CPI, nên điện nếu tăng 3% thì làm trực tiếp CPI tăng 0,105%, còn tăng 5% thì CPI tăng 0,175%.
Giá một số nhóm hàng hóa như xi măng, sắt thép sẽ tăng
Cũng theo phân tích của Chứng khoán Mirae Asset, trên thực tế với ngành điện, các công ty điện đã thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Nên việc tăng giá bán điện bình quân trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu của doanh nghiệp sản xuất.
Cụ thể như Nhiệt điện Phả Lại, Quảng Ninh, … những dự án lớn ký hợp đồng thỏa thuận trong 25 năm, giá mua bán điện được đàm phán qua từng giai đoạn.
Tuy nhiên, với những doanh nghiệp phân phối điện, việc tăng giá điện có thể tác động tích cực. Bởi hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng.
Ngoài ra, việc tăng giá bán lẻ điện xét trên nhiều phương diện, theo nhận định của Chứng khoán Mirae Asset, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực. Điển hình là nhóm ngành xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy.
Theo đó, với thép, theo tính toán, chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép. Và mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất.
Riêng lĩnh vực xi măng, chi phí điện chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán.
"TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) từng chia sẻ, nếu giá điện tăng 8% khiến tăng trưởng GDP giảm 0,36%, làm cho CPI tăng 0,4-0,5% (cả trực tiếp và gián tiếp). Như vậy, nếu điện tăng 3% thì GDP có thể giảm khoảng 0,14% và CPI tăng 0,17%", Công ty Chứng khoán Mirae Asset.
Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, ở mức 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp. Do vậy, việc giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% là có tác động lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thuốc nhóm ngành này.
"Với giả định, nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng.
"Chúng tôi ước tính, chi phí điện tăng 3% làm cho giá vốn hàng bán tăng thêm, thì tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành có thể giảm tối đa tương ứng với lợi nhuận trước thuế ngành thép giảm 15%. Lợi nhuận trước thuế ngành giấy giảm 2%, ngành xi măng giảm 13% và lợi nhuận trước thuế của ngành hóa chất giảm 1%.
Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy sự sụt giảm đáng kể của lợi nhuận khi chi phí điện tăng thêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp", Chứng khoán Mirae Asset phân tích.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng, thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào. Và như vậy thì giá hàng hóa tăng, người tiêu dùng sẽ là người gánh phần tăng lên này.
Nhìn tổng thể EVN tăng giá điện bán lẻ sẽ làm giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất tăng, và lợi nhuận giảm, ảnh hưởng phần nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn, niềm vui vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện.
Về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh, sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỉ lệ cung cầu trên thị trường điện.
Sản lượng điện thương phẩm cả nước năm 2022 đạt 268 tỷ kWh. Trong đó nhiệt điện than chiếm 39%, đạt 105 tỷ kWh. Thủy điện chiếm 35% tổng sản lượng điện cả nước, đạt 95 tỷ kWh. Tua bin khí đóng góp 30 tỷ kWh, chiếm 11%.
Điện gió ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 9 tỷ kWh. Riêng mảng Điện mặt trời năm 2022 giảm 8%, còn 26 tỷ kWh.