Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 10:07 AM (GMT+7)
Ngân hàng sẽ bơm khoảng 2 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế trong năm 2024
2024-01-05 07:47:00
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%, tương đương khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, hiện lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng đã giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022. Đến thời điểm này, mức lãi suất cho vay đã xuống rất thấp, kể cả lĩnh vực không phải đối tượng ưu tiên. Nhiều ý kiến đánh giá, lãi suất đã giảm tương đương mức 20 năm về trước.
Năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 15%, ước tính khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế. Con số này có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, và các nhà băng được tạo điều kiện thuận lợi để cung ứng nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy tổng cầu.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định nền kinh tế nói chung và hoạt động ngành ngân hàng đã trải qua một năm 2023 đầy khó khăn. Các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng trong nước đều gặp thách thức, do cầu thế giới thấp; doanh nghiệp chật vật thiếu đơn hàng, thị trường sụt giảm.
Tăng trưởng tín dụng đến hết năm chỉ đạt 13,5%, thấp hơn mục tiêu đặt ra đầu năm ở mức 14-15%. Dù vậy, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đây vẫn là con số rất tích cự, từ sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và nỗ lực của cả ngành ngân hàng, nhất là giai đoạn cuối năm.
Với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 13,5%, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế trong năm 2023 đạt gần 13,6 triệu tỷ đồng, theo đó ước tính 1,3 triệu tỷ đồng đã được bơm ra nền kinh tế.
Hiện các ngân hàng vẫn tiếp tục đưa lãi suất về mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Thậm chí có ngân hàng còn thực hiện cho vay với lãi suất 0% (áp dụng trong 1 tháng), để hỗ trợ khách hàng.
Khác với mọi năm, đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho các ngân hàng, thể hiện sự chủ động, sáng tạo trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra những cơ sở để tính toán giao chỉ tiêu cho các nhà băng. Thứ nhất là dư nợ tín dụng tối đa đến 31/12/2024 bằng dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023, cộng điểm xếp hạng năm 2022 nhân 3,5%, nhân dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023, trừ đi dư nợ tín dụng vượt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2023 (nếu có); trừ các khoản bán dư nợ tín dụng thực hiện bán trong năm 2024, và chưa thu tiền đến thời điểm tính dư nợ tín dụng (nếu có).
Thứ 2 là các ngân hàng (trừ ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh) kiểm soát tăng trưởng tín dụng không vượt quá mức dư nợ tín dụng quy định trong suốt năm 2024.
Riêng ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh kiểm soát tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) đến cuối năm 2024 không vượt quá mức dư nợ tín dụng quy định.
- Tham khảo thêm
Tags:
Ông Phạm Nhật Vượng đứng thứ 255 trong danh sách 500 tỷ phú thế giới của Bloomberg
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup và hãng xe VinFast, là tỷ phú người Việt Nam có trong danh sách 500 tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay của Bloomberg. Thứ hạng hôm nay (4/1) của ông là 255, với tổng tài sản ước tính 9,14 tỷ USD.