Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 01:24 AM (GMT+7)

Mùa Tết tại các làng nghề truyền thống TP.HCM

2024-02-07 13:16:59

Dịp cuối năm, nhiều làng nghề truyền thống ở TP.HCM như làng nhang Lê Minh Xuân, làng chổi đót quận 6… tất bật trả những đơn hàng cuối cùng của năm 2023. Tuy thị trường mua bán không còn sôi động như trước nhưng những người dân ở đây vẫn bám trụ với nghề.

Len lỏi giữa nơi phố thị phồn hoa, những làng nghề truyền thống vẫn bền bỉ duy trì và phát triển theo thời gian. Những làng nghề này không chỉ tạo ra giá trị về mặt văn hóa - lịch sử mà còn có giá trị kinh tế, nuôi sống bao thế hệ sinh sống tại đây.

Làng nghề làm chổi đót không biết xuất hiện từ khi nào ở TP.HCM, nhưng những người làm nghề lâu năm nhất ở đây cho biết đã bắt đầu nghề được hơn 30 năm. Trước đó, thế hệ cha mẹ cũng từng theo công việc này.

Trên con đường đường Phạm Phú Thứ và đường Phạm Văn Chí (quận 6, TP.HCM), nhiều hộ gia đình với nhiều nhân công đang tất bật các công đoạn để ra chiếc chổi hoàn thiện vào những ngày giáp Tết.

Để làm ra một cây chổi đót hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như xé bông đót, làm tua, cột lọ, bó chổi, bện chổi, chặt tề.

Mùa Tết tại các làng nghề truyền thống TP.HCM- Ảnh 1.
Mùa Tết tại các làng nghề truyền thống TP.HCM- Ảnh 2.

Làng chổi đót hầu như không có sự xuất hiện của máy móc, mỗi người mỗi việc tỉ mỉ chăm chút từng công đoạn để tạo ra một cây chổi bền và đẹp.

Mùa Tết tại các làng nghề truyền thống TP.HCM- Ảnh 3.

Ông Lê Văn Đức (52 tuổi) chia sẻ: "Trước đây nghề này được nhiều người ưa chuộng, nhưng giờ dần bị mai một do thu nhập không cao và không ổn định đầu ra sản phẩm, bây giờ ở đây chỉ còn lại vài hộ giữ nghề truyền thống của gia đình thôi".

Mùa Tết tại các làng nghề truyền thống TP.HCM- Ảnh 4.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông Trần Văn Tuấn (61 tuổi) cho biết chỉ vào dịp Tết mới mới làm nhiều, những ngày khác trong năm chỉ làm ít theo đơn đặt hàng của mối sỉ.

Mùa Tết tại các làng nghề truyền thống TP.HCM- Ảnh 5.

Tùy theo chất lượng và yêu cầu đặt hàng, mỗi cây chổi sẽ được bán với gia 30.000 đồng - 70.000 đồng.

Làng nhang Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM) là một trong những làng nghề sản xuất nhang lâu đời nhất khu vực Nam Bộ với tuổi đời gần 100 năm. Người dân ở đây sản xuất quanh năm, tập trung vụ chính vào các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, rằm tháng 7...

Dọc theo tuyến đường Mai Bá Hương, Thích Thiện Hòa (huyện Bình Chánh, TP.HCM), vẫn còn nhiều hộ bám nghề, gìn giữ truyền thống làm nhang của gia đình. Điểm đặc sắc tại các con đường này là những bó nhang được phơi xòe ra dưới nắng tựa những đóa hoa khoe sắc rực đỏ.

Mùa Tết tại các làng nghề truyền thống TP.HCM- Ảnh 6.

Để làm ra một nén nhang, trước tiên phải làm chân nhang, sau đó nhúng một đoạn chân nhang vào sơn đỏ rồi đem đi phơi nắng... Tiếp đó là khâu nghiền bột, trộn bột nhang, se nhang, phơi khô (hoặc sấy khô) và đóng thành từng thiên nhang (mỗi thiên 1.000 cây). Tùy vào công thức bí truyền của mỗi gia đình mà có những loại bột nhang mang những hương thơm đặc trưng khác nhau.

Mùa Tết tại các làng nghề truyền thống TP.HCM- Ảnh 7.

Theo một số chủ xưởng nhang, năm nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nhưng giá bán ra không tăng.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng với mong muốn đón Tết đoàn viên sum vầy, người dân tại các làng nghề tại TP.HCM vẫn tiếp tục gìn giữ văn hóa làng nghề, góp phần điểm tô thêm nét đặc trưng cho TP.HCM.

Theo NLĐO

Kim Ngân