Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 02:39 AM (GMT+7)

Lo thiếu nhân lực phục hồi du lịch

2022-05-18 16:12:00

Nếu như trước dịch Covid-19, ngành du lịch trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều thì hiện vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng.

Du lịch phục hồi

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ. Một loạt tỉnh thành như Khánh Hòa, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Bình… doanh thu du lịch tăng vọt.

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ Trưởng Vụ Lữ hành (Tổng Cục Du lịch) cho biết trong hai đợt nghỉ lễ mùng 10/3 Âm lịch và 30/4 đã thấy sự khôi động trở lại của ngành du lịch, khi thu hút cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Cụ thể, cả nước đã đón khoảng 5 triệu lượt khách du lịch nội địa, 2 triệu khách nghỉ dưỡng tại các cơ sở lưu trú. Doanh thu mang lại khoảng 22.000 tỷ đồng.

Lo thiếu nhân lực phục hồi du lịch - Ảnh 1.

Du khách đi thuyền ngắm phố cổ Hội An. Ảnh: Phúc Minh

Về khách du lịch quốc tế, chỉ 1 tháng mở cửa từ 15/3 - 15/4, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 41.000 lượt. Theo ông Phương, khách du lịch quốc tế đang rất quan tâm Việt Nam, từ 1/3/2022, lượng khách quốc tế tìm kiếm thông tin về cơ sở lưu trú tăng 27% so với cùng kỳ, đến đầu tháng 4 tăng hơn 100% so với 2021 và tiếp tục duy trì cao, theo thống kê của công cụ tìm kiếm Google.

"Đây là tín hiệu khả quan cho năm 2022 khi tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt. Ngành du lịch từng bước phục hồi và dự báo tăng trưởng trong thời gian tới. Đó là tín hiệu đáng mừng cho toàn ngành du lịch", Vụ trưởng Vụ Lữ hành nói.

Ngày hội Du lịch TP.HCM diễn ra trong 4 ngày từ 14-17/5 vừa kết thúc, ghi nhận doanh thu khoảng 60 tỷ đồng. Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết Ngày hội này nhằm mục tiêu kích cầu du lịch nội địa trong dịp hè, quảng bá giới thiệu các điểm đến du lịch, tạo không khí phấn khởi cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch TP.HCM nói riêng, trong giai đoạn tăng tốc mở cửa đón khách quốc tế.

Với kết quả đạt được, ngành du lịch TP.HCM kỳ vọng khách du lịch trong đợt cao điểm hè 2022 sẽ đạt được mục tiêu kế hoạch đặt ra.

Lo thiếu nhân lực phục hồi du lịch

Dù vậy, một trong những thách thức lớn nhất mà ngành du lịch đang phải đối mặt chính là bài toán về nguồn nhân lực. Hai năm qua, nhân lực trong ngành du lịch bị mất việc và thích ứng bằng cách chuyển sang những công việc khác.

"Sau 2 năm đại dịch diễn ra, nguồn nhân lực của ngành du lịch có sự phân tán và giảm năng lực. Chúng tôi đang triển khai tuyển dụng và đào tạo nhân sự học việc dành cho các đối tượng là sinh viên tốt nghiệp ngày du lịch, lữ hành tại các trường đại học, cao đẳng tại TP.HCM", ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông TST Tourist cho biết.

Lo thiếu nhân lực phục hồi du lịch - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp du lịch lữ hành đang đối mặt tình trạng thiếu hụt nhân lực. Ảnh: Phúc Minh

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cũng xác nhận, nguồn nhân lực đang là một trong những khó khăn lớn nhất đối với ngành du lịch hiện nay.

Theo bà Hiếu, nếu như trước dịch Covid-19, ngành du lịch Thành phố trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp, thì sau tác động ảnh hưởng của dịch, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng và số lượng.

"Nguyên nhân do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, do thời gian gián đoạn, đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; 80% lực lượng lao động du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề", bà Hiếu nói.

TP.HCM hiện là trung tâm đào tạo nhân lực ngành du lịch quy mô lớn nhất nước, với 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp. Trung bình hàng năm, có khoảng hơn 12.000 người được đào tạo về nghề du lịch trong các bậc học nhưng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành.

Nhận thức được vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết ngành du lịch TP.HCM đã đề ra 2 giải pháp chính để khắc phục khó khăn.

Thứ nhất là chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, đa dạng hình thức vừa tập trung ngắn hạn, dài hạn, vừa tập huấn, bồi dưỡng. Thứ hai, chủ động liên kết, hợp tác với khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Nam Trung bộ, xác định công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong các nội dung trọng tâm trong các chương trình hợp tác liên kết với các địa phương.

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ Trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) nhận định các địa phương và doanh nghiệp cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc trở lại phục vụ trong ngành du lịch. Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại cho 100% nhân lực nghiệp vụ du lịch tại các địa phương đối với đối tượng quay trở lại làm việc, đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch.

Để ngành du lịch phát triển bền vững, theo ông Phương, phải đào tạo được nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số, nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành du lịch. Song song đó, cần xem xét điều chỉnh, phát triển danh mục các ngành nghề phù hợp nhu cầu thực tiễn của ngành.

Phúc Minh