Thứ Năm, ngày 16/01/2025 10:40 AM (GMT+7)

Lão nông người Mông ở Bắc Yên đưa miến dong thành sản phẩm OCOP 3 sao

2024-12-28 07:30:00

Ông Sùng A Mang, Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp và thương mại Làng Chếu (Bắc Yên, Sơn La) đã mạnh dạn đầu tư dây truyền, mang nghề sản xuất miến dong về với bản Mông và đưa miến dong trở thành sản phẩm OCOP 3 sao.

Từ một người chỉ tốt nghiệp "lớp xóa mù chữ", lão nông Sùng A Mang lại có tư duy sản xuất tiến bộ. Ông không chỉ đưa nghề sản xuất miến dong về với bản Mông mà còn xây dựng thành công miến dong trở thành sản phẩm CCOP, giúp người dân tăng thu nhập, giảm nghèo.

Cây dong riềng đã gắn bó với bà con các xã vùng cao như Tà Xùa, Làng Chếu, Háng Chú, Xím Vàng… từ nhiều năm nay. Khắp bản trên, bản dưới, gia đình nào cũng trồng, nhà trồng nhiều thì vài ha, nhà trồng ít cũng có vài nghìn mét vuông. Hầu hết sản phẩm thu được bán cho thương lái. Mùa đông cũng là mùa thu củ dong riềng, nhưng người nông dân không lấy làm vui vì sản phẩm bán được, người trồng không có lãi.

Do các bản Mông ở nơi vùng sâu, vùng xa, đường xá đi lại khó khăn, thương lái hay ép giá. Có những năm sản phẩm dong riềng xuống dưới 1000đ/1kg. Việc này cứ lặp đi lặp lại nhiều năm liền cho đến khi ông Sùng A Mang – một nông dân ở bản Cáo A, xã Làng Chếu đã mạnh dạn đưa hệ thống sản xuất bột dong riềng và làm miến về địa phương.

Lão nông người Mông ở Bắc Yên đưa miến dong thành sản phẩm OCOP 3 sao - Ảnh 1.
Ông Sùng A Mang đã nhiều đêm trăn trở tìm hướng đi cho củ dong riềng ở vùng cao Bắc Yên. Ảnh: Xuân Tuấn

Đưa nghề về với bản Mông

Gia đình ông Mang cũng trải qua bao khó khăn như những hộ dân trong bản Cáo A. Quả táo mèo, bắp ngô trên nương, đến củ dong riềng đều chịu chung số phận luôn bị bán với giá bèo. Vốn là người nhanh nhạy, nên ông Mang đã cất công tìm hiểu đường đi của các sản phẩm nông nghiệp mà gia đình và bà con bán cho thương lái. Củ dong bán tại bản chỉ được 1000đ/1kg, khi chở về tới nơi sản xuất ở Hà Nội, giá của nó đã lên 4 đến 5 lần. "Bà con một nắng hai sương, đổ mồ hôi sôi nước mắt ở trên nương mà đến vụ thu hoạch, mặt ai cũng buồn vì người trồng không có công. Tìm hiểu con đường đi của nông sản, tôi đã nghĩ ra cách, tại sao mình không chủ động chở nông sản về xuôi bán", ông Mang chia sẻ.

Nhận thấy nhiều lợi ích của việc chủ động chở nông sản về xuôi bán, ông Mang đã mạnh dạn bán trâu, bán bò, gom tiền để mua xe ô tô tải. Từ việc phải bán củ dong riềng cho tư thương bằng mọi giá, giờ ông đã chủ động chở củ dong riềng về xuôi bán với giá cao gấp nhiều lần. Bà con bản Mông cũng bán được củ dong với giá cao hơn. Tuy nhiên, một chiếc xe ô tô không thể giải quyết hết khối lượng dong riềng khổng lồ mà bà con nơi đây sản xuất ra. Theo ước tính của ông Mang, các xã Háng Đồng, Làng Chếu, Xím Vàng… mỗi năm sản xuất ra khoảng gần 20 nghìn tấn dong riềng. Muốn tiêu thụ hết số lượng khổng lồ này cần cả trăm xe tải vận chuyển. Trong khi đó, hầu hết các bản bà con chưa đủ điều kiện để mua xe.

Sinh ra và lớn lên ở vùng cao, nên ông Mang thấu hiểu được nỗi vất vả, khó khăn của bà con. Ông luôn nung nấu phải làm một việc gì đó giúp bà con nơi đây vơi đi nỗi vất vả, nhọc nhằn. Sau nhiều chuyến vận chuyển nông sản về xuôi, ông nhận thấy họ nhập dong riềng rồi sản xuất miến. Sản phẩm này bán rất chạy mà được giá. Trở về bản ông lại nung nấu việc đưa dây truyền sản xuất bột dong về bản.

Ý tưởng của ông đưa ra khiến nhiều người bất ngờ. Ngay cả những thành viên trong gia đình ông cũng ái ngại. Bởi lẽ bao đời nay ở cái đất vùng cao chỉ có sương mù với gió này đã ai biết chế biến sản phẩm là gì. Việc đưa máy móc vào vào chế biến sản phẩm nông nghiệp chưa có ai làm. Hơn nữa, dây truyền sản xuất cần có điện ba pha. Trong khi đó cơ sở hạ tầng của bản gần như chưa đáp ứng được việc sản xuất. Ông Mang lại có quyết tâm cao hơn núi, ông chỉ với một tâm niệm, nếu mình đưa được máy sản xuất bột dong về bản sẽ tiêu thụ được nhiều dong riềng hơn cho bà con. Thay vì phải chở nguyên liệu về xuôi, ông chỉ cần sản xuất được bột dong sẽ nâng cao được giá trị của củ dong.

Lão nông người Mông ở Bắc Yên đưa miến dong thành sản phẩm OCOP 3 sao - Ảnh 2.
Ông Sùng A Mang là người đưa công nghệ, máy móc về bản mình để chế biến miến dong. Ảnh: Xuân Tuấn

Năm 2014, ông Mang một lần nữa dồn toàn lực của gia đình để mua máy sản xuất bột dong về bản. Ngày đầu nhìn đám máy móc cồng kềnh hạ xuống, bà con người Mông ai cũng bất ngờ. Không biết ông Mang sẽ vận hành hệ thống máy móc này như thế nào. Sau khi lắp đặt xong, một vấn đề phát sinh là đám máy móc này cần có điện 3 pha mới hoạt động được. Ông Mang một lần nữa phải chạy vạy với ngành điện lực tìm giải pháp. Máy sản xuất đặt cách xa trạm điện của bản 3km. Giờ muốn kéo điện lên nơi sản xuất, ông phải đầu tư thêm 300 triệu đồng nữa để mua dây. Khó khăn nối nhau khiến ông Mang một lần nữa phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi mới có đủ tiền mua dây điện.

Vượt qua bao khó khăn, cuối cùng tiếng máy sản xuất dong riềng lần đầu xuất hiện ở bản Mông cũng đi vào hoạt động. Vừa làm, ông Mang vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, dây truyền sản xuất bột dong đã hoạt động quy củ. Cứ mỗi khi mùa thu hoạch dong riềng đến, xưởng của ông Mang hoạt động hết công suất. 10 công nhân làm đêm ngày đã góp phần tiêu thụ cả nghìn tấn dong riềng cho bà con. "Bà con đã bán được dong riềng với giá 3000đ/1kg, người trồng dong đã có lãi. Thấy hệ thống máy móc của tôi hoạt động hiệu quả, nhiều hộ dân khác cũng mạnh dạn đầu tư mua máy về làm bột dong. Nhờ đó mà toàn bộ sản phẩm dong riềng của bà con người Mông ở các xã vùng cao đã được các xưởng thu mua", ông Mang vui mừng thông báo.

Chế biến bột dong thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Sau cả chục năm chế biến sản phẩm bột dong, ông Mang cũng dần trả được hết nợ. Xưởng sản xuất bắt đầu mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ. Bà con người Mông bán được sản phẩm nông nghiệp với giá cao, không bị tư thương ép giá, ông Mang có thu nhập ổn định. Theo ông Mang, sản xuất củ dong riềng không bỏ phí đi một chút gì. Nước rửa và thau củ dong riềng từ xưởng thải ra, bà con lắp hệ thống đường ống dẫn nước về nương tưới cho cây dong riềng. Bã dong thải ra, bà con mang về nương ủ thành phân bón. Quy trình sản xuất khép kín này vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm một khoản tiền không nhỏ cho bà con vì không phải mua phân bón. Nương đất bón phân hữu cơ nên cây dong riềng phát triển tốt và cho năng suất, chất lượng cao hơn các vùng khác.

Lão nông người Mông ở Bắc Yên đưa miến dong thành sản phẩm OCOP 3 sao - Ảnh 3.
Sản phẩm miến dong của hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp và thương mại Làng Chếu (Bắc Yên, Sơn La) được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, lượng tiêu thụ nhờ đó cũng tăng mạnh. Ảnh: Xuân Tuấn

Không dừng lại ở việc chế biến thô, sau thời gian dài tìm hiểu, ông Mang một lần nữa khiến bà con người Mông nơi đây bất ngờ là ông tiếp tục đầu tư máy móc để sản xuất miến dong. Muốn máy móc hoạt động phải đảm bảo đủ nguồn điện. Một lần nữa, ông Mang phải tự bỏ tiền túi ra lắp trạm biến áp tại xưởng sản xuất miến dong. Riêng trạm biến áp đã "ngốn" mất hơn 500 triệu đồng, cộng với dây chuyền sản xuất miến dong mấy trăm triệu đồng. Mỗi lần mở rộng sản xuất là một lần ông Mang phải chạy vạy, lo toan cho đủ nguồn vốn. "Khó khăn đến mấy tôi cũng chịu được, tôi chỉ ước muốn làm sao tiêu thụ hết sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Nếu mình biết chế biến sâu, vừa tạo công ăn việc làm cho bà con, lại nâng tầm được sản phẩm nông nghiệp của địa phương", ông Mang chia sẻ.

Hệ thống sản xuất miến dong đầu tiên ở xã vùng cao của huyện Bắc Yên đi vào hoạt động. Trải qua bao khó khăn, tìm hiểu công đoạn làm miến, ông Mang đã cho ra đời sản phẩm miến dong. Đến giờ ông Mang vẫn còn nhớ như in mẻ miến dong đầu tiên ra lò. "Tôi dùng miến nấu với cải mèo rồi nếm thử. Một cảm giác mát ngọt nơi đầu lưỡi khiến tôi mê mẩn. Rồi tôi múc từng bát cho mọi người thưởng thức. Ai cũng xuýt xoa vì sản phẩm quá ngon. Tôi mừng đến rơi nước mắt, thế là mình đã thành công chế biến sâu từ củ dong. Tôi cảm thấy tự hào là người Mông cũng có thể làm ra đặc sản của quê mình", ông Mang chia sẻ.

Trước đó, ngoài đầu tư trạm điện, ông Mang cũng phải thuê máy mới san gạt được nghìn mét vuông mặt bằng rồi dựng xưởng, đưa máy, kéo nước… Công đoạn nào cũng cần tới nguồn vốn rất lớn.

Theo ông Mang, quy trình chế biến miến dong được tiến hành tuần tự theo các bước: Đưa bột dong riềng tươi vào ngâm, thau rửa kỹ cho lắng để loại bỏ sạn, cát, các tạp chất trong bột đến khi tinh bột sạch. Tiếp đến là công đoạn khuấy bột, công nhân sẽ lấy khoảng 1% khối lượng bột tươi dùng để chế biến miến trong ngày đưa vào nồi nấu cho tới khi hóa hồ thành dạng keo, sau đó đổ bột hóa hồ vào máy trộn với 99% lượng bột sống còn lại cho quyện đều vào nhau. Công đoạn này có tác dụng làm cho bột sống không bị lắng lại. Sau đó cho bột vào máy tráng thành bánh - mang bánh phơi nắng tới khô se - đưa vào máy cắt thành sợi - gom sợi miến rải lên phên tre mang đi phơi nắng cho khô. Cuối cùng, tùy theo yêu cầu của các đơn hàng để đóng gói thành phẩm.

Lão nông người Mông ở Bắc Yên đưa miến dong thành sản phẩm OCOP 3 sao - Ảnh 4.
Sản phẩm miến dong của hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp và thương mại Làng Chếu (Bắc Yên, Sơn La) giờ đây đã có mặt ở thị trường nhiều tỉnh thành trong nước. Ảnh: Xuân Tuấn

Gắn bó với nghề sản xuất bột dong, giờ là làm miến dong, nên ông Mang cũng rút ra được những kinh nghiệm quý báu. Sợi miến sản xuất ra có độ giòn, dai tự nhiên, không bị sạn cát, không bị nhão, bết dính, đặc biệt không sử dụng chất bảo quản, chất tẩy trắng và luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hơn nữa, do củ dong được trồng hữu cơ trên núi cao, nên mặt hàng miến dong luôn cho chất lượng thơm, ngon hơn so với vùng khác.

Sản xuất ra sản phẩm đã khó, giờ tìm nơi tiêu thụ sản phẩm miến càng quan trọng hơn. Do là sản phẩm mới, nên ông Mang cũng phải tự tìm đầu ra. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nên chẳng mấy chốc sản phẩm miến dong Làng Chếu đã được người tiêu dùng đón nhận. Vui hơn nữa là ông Mang sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó. Đặc biệt là vào dịp cuối năm, khách hàng ở khắp nơi gọi điện đặt hàng liên tục. Xưởng sản xuất không kịp. Trong kho lúc nào cũng không có hàng tồn.

Một tin vui nữa, năm 2023 sản phẩm miến dong tươi, miến dong khô của HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Chưa dừng lại ở đó, ông Mang còn đang ấp ủ dự định lớn là mua dây chuyền sản xuất miến lớn hơn. Công suất hiện tại của xưởng mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu tại địa phương vẫn còn rất lớn. Ông Mang cho biết: "Nếu mình đầu tư máy móc có thể sản xuất cả trăm tấn miến một năm. Khi đó, toàn bộ nguồn dong riềng do các xã vùng cao của huyện Bắc Yên sản xuất ra sẽ được tiêu thụ tại địa phương. Người Mông sẽ không phải rơi vào cảnh được mùa mất giá nữa".

Những tính toán của ông Mang đã góp phần thay đổi diện mạo của cả vùng cao. Hiện ông đã và đang tích cực chuẩn bị nguồn vốn để mua hệ thống máy móc sản xuất miến hiện đại vào sản xuất. Đánh giá về cách làm của ông Mang, ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Yên không giấu được niềm tự hào: "Ông Mang đã mang nghề về với bản Mông. Ông đã thành công trong việc biến sản phẩm dong riềng thành sản phẩm OCOP có tiếng. Những việc làm của ông rất thiết thực, góp phần thay đổi đời sống của cả nghìn hộ gia đình là đồng bào dân tộc".

Tuấn Hùng, Xuân Tuấn
Sản phẩm làm đẹp chiết xuất từ 7 loại quả

Sản phẩm làm đẹp chiết xuất từ 7 loại quả

Gần đây, hội chị em đang truyền tai nhau về hiệu quả của thành phần chiết xuất 7 loại quả trong nhiều dòng sản phẩm làm đẹp da. Vậy chiết xuất 7 loại quả là gì? Đặc biệt thế nào mà lại được ưa chuộng đến vậy? Hãy cùng tìm hiểu nhé!