Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 06:47 AM (GMT+7)

Làm "thợ săn" M&A, Masan mở rộng kinh doanh đa ngành

2023-12-02 12:45:32

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, đầu tiên kinh doanh mỳ ăn liền. Qua hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A), Masan đã vào nhóm tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ có quy mô lớn lớn nhất Việt Nam.

Từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2009, Masan Group đã liên tiếp thực hiện nhiều thương vụ M&A. Tiêu biểu bao gồm mua cổ phần Công ty VinaCafe Biên Hòa, nước khoáng Quảng Ninh, Mobicast, Trusting Social (một doanh nghiệp fintech, trí tuệ nhân tạo là công ty con của công ty Trust IQ tại Singapore), mua trọn nền tảng kinh doanh vonfram của công ty H.C Starck Group ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 diễn ra cuối tháng 11, thương vụ Masan Group mua chuỗi VinCommerce và VinEco từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được xếp đầu danh sách 10 thương vụ doanh nghiệp Việt Nam mua doanh nghiệp Việt Nam nổi bật giai đoạn 2009-2023.

Làm "thợ săn" M&A, Masan mở rộng kinh doanh đa ngành - Ảnh 1.

Mua sắm tại chuỗi bán lẻ WinMart của Masan. Ảnh tư liệu.

Năm 2011, Masan (mã HoSE: MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang mua 50,3% cổ phần của Vinacafe để trở thành cổ đông chi phối. Năm sau đó, tỷ lệ nắm giữ của Masan tăng lên 53,2%, và tổng chi phí do MSN bỏ ra là 58 triệu USD.

Cũng chỉ 1 năm sau, vào năm 2013, Masan mua 24,9% cổ phần của nước khoáng Vĩnh Hảo (doanh nghiệp vốn nhà nước tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận được cổ phần hóa năm 1995). Sau đó, Masan mua thêm cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu lên 63,5%.

Liên tục phát triển, MSN đầu tư vào Cholimex Food (TP.HCM), Nước Khoáng Quảng Ninh và Công ty thực phẩm Dinh Dưỡng Sài Gòn trong 2 năm 2014 và 2015.

Năm 2019, Masan Group mua hệ thống bán lẻ VinCommerce từ VinGroup (sau đó đổi tên thành WinCommerce) và sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+ cũng từ VinGroup. Chuỗi này đang hoạt động với thương hiệu là WinMart và WinMart+.

Đến năm 2020, Masan High-Tech Materials thuộc Masan Group chi ra 41 triệu euro để mua trọn nền tảng kinh doanh vonfram của công ty khai khoáng H.C Starck Group của Đức.

Làm "thợ săn" M&A, Masan mở rộng kinh doanh đa ngành - Ảnh 2.

Nhà máy khai thác tại mỏ đa kim Núi Pháo (thuộc Masan Group) ở tỉnh Thái Nguyên. Ảnh tư liệu.

Và năm 2021, Masan mua 20% cổ phần của chuỗi trà và cà phê Phúc Long với giá 340 tỷ đồng (tương đương 15 triệu USD). Những thông tin được công bố trong các giai đoạn sau đó cho thấy MSN hiện nay đang sở hữu đến 85% của Phúc Long.

Tại châu Âu tháng 7/2022, Masan thông qua  H.C. Starck đã đầu tư 45 triệu bảng Anh (52 triệu euro) vào Nyobolt Limited, một công ty Anh quốc chuyên cung cấp giải pháp pin Li-ion sạc nhanh.

Làm "thợ săn" M&A, Masan mở rộng kinh doanh đa ngành - Ảnh 3.

Ông Danny Lê (bên phải), CEO Masan Group, và đại diện công ty Nyobolt bắt tay mừng hợp tác kinh doanh giữa 2 bên vào tháng 7/2022. Ảnh: Masan.

MSN cũng đã mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ số và tăng cường tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và máy học (machine learning) vào nền tảng tiêu dùng bán lẻ. Tháng 9/2021, Masan mua 70% cổ phần của Mobicast với tổng giá trị tiền mặt là 295,5 tỉ đồng. Tháng 4/2022, MSN chi 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Trusting Social tại Singapore.

Ông Danny Lê, CEO Masan Group, cho biết: "Tại Masan, chúng tôi tin rằng công nghệ sẽ là yếu tố chuyển đổi bức tranh tiêu dùng và xem đây là một trong những trụ cột chiến lược cần ưu tiên. Điểm khác biệt duy nhất là chúng tôi không xem công nghệ như một mô hình kinh doanh độc lập, mà là một công cụ mạnh mẽ để cá nhân hóa dịch vụ sản phẩm nhằm mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm vượt trội".

Tường Nguyễn
Hoạt động M&A ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Hoạt động M&A ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Dù có sụt giảm theo tình hình chung của thế giới, thị trường M&A (mua bán doanh nghiệp) tại Việt Nam vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết.