dd/mm/yyyy

Học nghề nuôi tôm cua, nông dân Cà Mau tăng thu nhập gấp đôi so với cách nuôi truyền thống

Những lớp đào tạo nghề đã giúp nhiều người dân Cà Mau có điều kiện làm giàu trên chính mảnh đất của mình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong những năm qua ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề giúp cho lao động nông thôn tìm kiếm việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp, tỉnh Cà Mau cũng đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề theo đặc thù kinh tế của địa phương. Những lớp đào tạo nuôi tôm, cua giúp lao động nông thôn ăn nên làm ra.

Học nghề nuôi tôm cua, nông dân Cà Mau tăng thu nhập gấp đôi so với cách nuôi truyền thống - Ảnh 1.

Gia đình anh Lê Văn Toàn áp dụng kỹ thuật được đào tạo để nuôi cua, tôm có hiệu quả cao hơn.

Gia đình anh Nguyễn Trí Tôn (ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau) có gần 3 ha đất nuôi trồng thủy sản. Trước đây anh Tôn chỉ thả đại cua giống vào vuông tôm, được con nào bắt con đó. Anh không quan tâm vấn đề giống để tránh thất thoát, cũng không quá để ý đến việc thả như thế nào để cua và tôm có thể cùng sống trong một môi trường nên năng suất đạt không cao. Cách đây 2 năm, anh Nguyễn Chí Tôn được tham gia lớp đào tạo nghề nuôi cua 2 giai đoạn do Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Thới Bình tổ chức, khi áp dụng vào thực tiễn kết quả rất khả quan.

“Trước đây mình thả 3.000 con cua giống không theo biện pháp kỹ thuật nào cho cua tự phát triển, có thì bắt không có thì thôi. Bây giờ qua lớp đào tạo, mình đã biết kỹ thuật nuôi 2 giai đoạn, nuôi của từ nhỏ đến lớn rồi mới thả ra nên quản lý được đầu con. Bên cạnh đó, lớp đào tạo còn giúp người nuôi cua biết tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên cho cua, từ đó hiệu quả kinh tế được nâng cao hơn”, anh Tôn cho biết.

Hiện thu nhập từ nuôi cua của gia đình anh Tôn ước đạt khoảng 70 triệu đồng/ha, tăng gấp 2 lần so với trước đây. Cũng tại xã Trí Phải, những năm gần đây mô hình nuôi tôm càng xanh phát triển mạnh. Cơ quan chức năng địa phương đã mở những lớp đào tạo nghề để hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho nông dân. Anh Lê Văn Toàn, cũng nhờ tham gia lớp đào tạo nghề nuôi tôm càng mà hiệu quả canh tác ngày càng cao.

“Thông qua các lớp học nghề kiến thức của những người nuôi cua đã được nâng lên rõ rệt. Từ cách chọn giống, tạo màu nước và quy trình nuôi tạo ra con tôm thương phẩm có giá trị. Trước đây thu nhập bình quân từ cua nuôi chỉ đạt khoảng 35 triệu/ha, nhưng hiện nay với phương pháp thả nuôi mới trong cùng diện tích có thêm cua, tôm càng nên thu nhập trung bình đã tăng lên từ 60-70 triệu/ha, nếu vụ nào trúng thu nhập có thể còn cao hơn”, anh Toàn cho hay.

Học nghề nuôi tôm cua, nông dân Cà Mau tăng thu nhập gấp đôi so với cách nuôi truyền thống - Ảnh 3.

Huyện Thới Bình đang phát triển nuôi tôm càng nên cơ quan chức năng mở lớp đào tạo nghề hỗ trợ bà con.

Theo Sở Lao động - Thương bình và Xã hội tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2022 đến nay toàn tỉnh đã mở các lớp đào tạo nghề cho gần 14.000 lao động. Đặc biệt, tỉnh chú trọng đào tạo các lớp nghề theo đặc thù của từng vùng, từng địa phương. Qua đó, phát huy tốt tiềm năng thế mạnh trong phát triển kinh tế của từng nơi.

“Những ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn sau khi kết thúc đã giúp cho các nông dân có thêm kiến thức canh tác hiệu quả hơn trên chính mảnh đất của mình. Sau khi tham gia học những lớp như nuôi tôm, cua quảng canh cải tiến; mô hình đan đát, vá lưới, trồng nấm,..., đa số người dân tham gia lớp học đã tìm được việc làm với tỷ lệ trên 90%”, ông Từ Hoàng Ân, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau hài lòng.

Tỉnh Cà Mau có lợi thế phát triển nuôi trồng thuỷ sản, những lớp học nghề thiết thực theo đặc thù của địa phương đã ngày càng thu hút nhiều người dân tham gia. Qua đó, không chỉ giúp người dân có điều kiện làm giàu trên mảnh đất của mình mà còn giúp họ hạn chế đi làm ăn xa, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.

Trần Hiếu