Sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm của Trường Đại học Tây Bắc năm 2014, chị Vũ Thị Lệ Thủy (Thị trấn Cao Phong, Hòa Bình) được nhận vào dạy hợp đồng tại một trường ở gần nhà.
Mặc dù là giáo viên, nhưng vốn xuất thân từ gia đình nông dân nên ngoài giờ dạy trên lớp, chị vẫn cũng với bố mẹ chăm sóc những vườn cam của gia đình để nâng thêm thu nhập.
Năm 2012, chị Thủy quyết định nghỉ dạy học để tập trung vào trồng cam. Quyết định này của chị đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình và người thân. Mọi người cho rằng: “Có người muốn thoát li khỏi làm nông còn không được, mình lại lao vào”. Nhưng với bản tính cương nghị, chị vẫn bảo vệ quyết định của mình.
Chị Thủy cho biết, cam Cao Phong vốn đã nổi tiếng khắp miền Bắc bởi có vị ngọt, mùi thơm đặc trưng mà không nơi nào có được. Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (2014), giá cam bắt đầu tăng cao nên người dân tiến hành trông một cách ồ ạt.
"Nhưng khi lượng cung ngày càng vượt xa so với nhu cầu của thị trường. Nhiều hộ trồng cam chạy theo sản lượng mà quên mất đi vấn đề chất lượng làm việc tiêu thụ cam ngày càng trở nên khó khăn" - chị Thủy nói.
Bên cạnh đó, cam Cao Phong liên tục bị đánh cắp thương hiệu, bán ở khắp nơi với giá chỉ bằng nửa, thậm chí bằng 1/3 so với giá cam chính thức bán tại vườn, khiến người tiêu dùng khó tiếp cận và giảm niềm tin với những sản phẩm chính gốc.
Để hướng đến trồng cam bền vững và bảo vệ được thương hiệu cam Cao Phong, chị Thủy đã đăng ký với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình để được trồng và chăm sóc theo quy trình sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ và có tem truy xuất nguồn gốc.
Tháng 8/2018, chị Thủy đã thành lập HTX 3T nông sản Cao Phong (tên thương mại là 3T farm) . Khi mới thành lập, HTX có 7 thành viên với diện tích sản xuất 12,5 ha.
Đến nay, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, HTX 3T đã có 25 thành viên, diện tích đất canh tác đã tăng lên 42,9 ha với đa dạng các giống cam như cam CS1 (cam lòng vàng), cam Xã Đoài, cam canh, cam V2...
Gia đình ông Đỗ Đức Kỳ, thành viên HTX 3T, ở khu Dốc Má, Phố Cun (xã Thu Phong, huyện Cao Phong) cho biết, ông có 4,5 ha cam trồng theo hướng VietGAP. Năm 2020, năng suất bình quân đạt 20 tấn/ha, với giá bán giao động từ 15.000- 20.000 đ/kg, ông thu về khoảng 350 - 400 triệu đồng/ha. Hiện, gia đình ông đã chuyển một phần diện tích sang trồng theo hướng hữu cơ.
"Khi trồng theo hướng hữu cơ, cây cam sẽ đều, đẹp hơn, quả sai, chất lượng quả ngọt hơn. Tuy nhiên, những năm đầu cây có thể bị "sốc" do thay đổi chế độ chăm sóc, nên năng suất sẽ giảm, chi phí đầu tư có thể cao hơn. Nhưng qua thời gian 5 năm, khi chủ động được phân bón, độ dinh dưỡng của đất đã tăng lên thì chi phí sẽ giảm đi rất nhiều" - ông Kỳ nói.
Cũng theo chị Thủy, để cho ra những quả cam chất lượng, vấn đề cốt lõi là nguồn cây giống và đất trồng phải tốt. Vì vậy, chị đã thống nhất với các thành viên trong HTX, những diện tích trồng mới phải sử dụng những cây đầu dòng ở những cơ sở uy tín, có kiểm định. Ngoài ra, không ngừng cải tạo và bổ sung chất dinh dưỡng cho đất bằng nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhau.
Với những diện tích cam sau khi thu hoạch, để tăng dinh dưỡng, nâng cao đề kháng cho cây và khả năng ra hoa đậu quả ở vụ sau cao hơn, các hộ tiến hành bón thúc cho cây bằng cách rải lượng phân chuồng hoặc phân trùn quế trên bề mặt chứ không đào bầu xâm lấn rễ.
Bên cạnh đó, hạn chế phân bón hóa học bằng việc sử dụng trứng, đậu tương, cá… ngâm ủ với men vi sinh hữu cơ để bón cho cây. Để bổ sung lượng kali quanh năm cho cây, các hộ sử dụng phương pháp tấp ủ thân cây chuối trên bề mặt.
Nhờ việc áp dụng phương pháp trồng cam sạch, an toàn, tổng sản lượng cam của HTX 3T năm 2020 là trên 300 tấn, cho doanh thu trên 6 tỷ đồng. HTX đã thực hiện liên kết với chuỗi thực phẩm sạch Hà Nội, chuỗi thực phẩm sạch Thanh Hóa và sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.