Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 01:02 PM (GMT+7)
Giúp việc nhà lương ngàn đô
2023-11-07 17:57:00
Từ bỏ công việc tại trường mầm non, chị Nguyễn Thị Thùy Linh, 37 tuổi chuyển sang làm giúp việc nhà với mức thu nhập khá cao, có tháng gần 30 triệu đồng.
“Làm công việc này không chỉ giúp tôi có được thu nhập tốt mà còn có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, con cái”, chị Linh cho biết về lý do gắn bó với nghề.
Trước đây, chị Linh là bảo mẫu tại một trường mầm non quận 2. Hầu hết quỹ thời gian trong ngày của chị đều dành cho công việc. Ba đứa con chị, trong đó đứa nhỏ nhất chỉ mới 12 tháng tuổi, đã quen với cảnh mẹ mình 6h30 rời khỏi nhà, 18h30 lại lủi thủi trở về. Thế nhưng, thu nhập của chị cũng chỉ cán mốc 9.000.000 đồng/tháng bao gồm cả tiền làm ngoài giờ.
Nhận thấy mức lương bèo bọt không đủ chi trả cho những hóa đơn tiền học, tiền sữa ngày một tăng của con mình, tháng 12/2022, chị Linh quyết định chuyển sang làm giúp việc cao cấp. Sau khi nộp hồ sơ, trải qua 3 vòng xét tuyển và phỏng vấn trực tiếp, chị Linh được tham gia lớp học nghiệp vụ. Tại đây, chị được học các quy tắc ứng xử, lời ăn tiếng nói cũng như tác phong làm việc.
Ngoài ra, dù đã có kinh nghiệm từ trước, chị vẫn phải học thêm một số nguyên tắc khác khi chăm trẻ như không được tự ý đưa rước trẻ, không để trẻ bị ngã, cách nắm bắt tâm lý trẻ em... Sau các vòng đào tạo, chị Linh chính thức bén duyên với nghề với mức lương khởi điểm hơn 10.000.000 đồng.
“Thu nhập hiện tại cao gấp 3-4 lần so với trước đây”, chị Linh nhẩm tính. Mỗi ngày chị Linh nhận khoảng 3 ca làm việc, hầu hết là giúp việc tại các gia đình nước ngoài. Mỗi ca dọn dẹp cho các gia đình người Anh, Úc mang về cho chị 300.000-400.000 đồng. Ngoài ra, 2 ca trông trẻ cho các gia đình người Hàn Quốc cũng giúp chị “bỏ túi” khoảng 750.000 đồng/ngày.
Trung bình mỗi tháng thu nhập của chị rơi vào khoảng 15.000.000 đồng với khoảng 70 giờ làm việc. Những ngày lễ, Tết, con số ấy có thể tăng lên 30.000.000 đồng/tháng. Quan trọng hơn cả là chị hoàn toàn chủ động về thời gian, chị chỉ nhận đơn khi rảnh nên có nhiều thời gian cho gia đình.
Chị Linh cho biết nghề giúp việc cao cấp không hề đơn giản như mọi người nghĩ. Công việc này yêu cầu kỹ năng giao tiếp tốt, ứng xử khéo léo và đặc biệt là khả năng giao tiếp ngoại ngữ nhất định. Không ít lần, chị phải quyết định “tan ca” sớm hơn dự kiến vì khách hàng có thái độ thiếu tôn trọng.
“Hai tháng trước, tôi bị một vị khách người Ai Cập chấm 1 sao vì bất đồng ngôn ngữ. Mẹ của vị khách ấy yêu cầu tôi dọn dẹp theo cách của bà, trong khi con gái bà lại yêu cầu tôi dọn dẹp kiểu khác. Tôi không hiểu họ muốn gì, cứ vùng vằng mãi nên đã lố thời gian cho phép. Tôi đã bị họ đánh giá 1 sao”, chị Linh tâm sự.
Từ sau hôm ấy, chị Linh thường xuyên đến gõ cửa các lớp học kỹ năng mềm như cách giao tiếp với khách hàng... để nâng cấp bản thân. Tiêu chuẩn chọn khách của chị cũng được thay đổi, chỉ xoay quanh một điều kiện duy nhất: Là người nước ngoài.
“Tôi thường chọn giúp việc cho khách người nước ngoài nhiều hơn để nâng cao ngôn ngữ. Hôm trước tôi có giữ hai bé cho một gia đình người Hàn Quốc, hai bé nói tiếng anh rất giỏi và còn dạy cho tôi. Thay vì mình tốn tiền đến trung tâm thì mình học trực tiếp từ khách hàng luôn”, chị Linh chia sẻ.
Nhờ sự tận tụy, khéo léo chị Linh cũng có được tệp khách hàng của riêng mình. Có những khách yêu quý, mỗi khi cần người chăm con đều tìm đến chị với lý do “Chỉ yên tâm giao con cho chị Linh”.
Tương tự chị Linh, chị Huỳnh Thị Thúy Hiệp (quận 9) cũng “hái bộn tiền” từ công việc giúp việc cao cấp. Trước đây, chị từng trải qua nhiều nghề như kế toán, kinh doanh online, bánh bánh mì… nhưng đều thất bại. Sau khi biết đến nghề giúp việc cao cấp qua lời giới thiệu của bạn, chị Hiệp quyết định đi làm thử cho khuây khỏa đầu óc. Đó cũng là cơ duyên giúp chị gắn bó với nghề gần một năm nay.
“Đợt Tết năm trước tôi làm 15 ngày mà thu nhập được 15 triệu. Đó làm động lực cho tôi làm giúp việc liên tục đến nay”, chị Hiệp chia sẻ về thu nhập “khủng” những ngày đầu vào nghề.
Tương tự như chị Linh, hiện nay chị Hiệp cũng nhận giữ trẻ cho các gia đình người nước ngoài. Mỗi ngày chị nhận giữ khoảng 2 ca là những đứa trẻ con người Việt và Đức. Mỗi buổi chỉ kéo dài khoảng 2-3 tiếng. Khi có thời gian rảnh chị lại nhận thêm những đơn hàng khác để tăng thêm thu nhập.
“Tôi có giữ trẻ cho một gia đình người Đức vào 16h-19h mỗi ngày. Tôi chỉ cần qua chơi đùa với bé, đọc sách và cho bé ăn cơm. Công việc vô cùng nhẹ nhàng vì mẹ của các bé muốn các bé tự lập nên những việc như thu dọn đồ chơi, đồ dùng của các bé... đều do các bé tự làm. Lương cũng rất cao”, chị Hiệp nói.
Đến nay, mức lương trung bình của chị Hiệp đã đạt đến 25.000.000 đồng. Thấp nhất là 650.000 đồng/ngày. Có những ngày làm việc năng suất, hiệu quả hơn, khách lại “bồi dưỡng” thêm 2.000.000 đồng.
Rời bỏ công việc văn phòng, những ngày đầu chuyển sang làm giúp việc, chị Hiệp vô cùng mặc cảm. Thế nhưng, càng gắn bó với công việc, chị càng nhận ra mối quan hệ giữa bản thân và khách hàng là người cung cấp và người sử dụng dịch vụ thay vì quan hệ chủ-tớ như trước đây. Người giúp việc có thể chủ động trong việc lựa chọn khách hàng và hoàn toàn có thể từ chối nếu khách hàng có thái độ thiếu tôn trọng mình.
Bên cạnh nguồn thu nhập ổn định, chị Hiệp cũng nhận được không ít tình yêu thương của mọi người khi làm công việc này. Có những khách book chị qua chỉ để trò chuyện đơn giản là vì thích năng lượng mà chị mang đến. Những hôm chị bận không thể đi làm đúng giờ, những đứa con của khách đã sốt ruột: “Sao giờ này cô Hiệp chưa qua?”.
Không ít lần chị được tham gia vào những buổi đi du lịch cùng với gia chủ với tư cách là một thành viên trong gia đình. Chị thường xuyên nhận được những lời khen: “Đã mướn nhiều bảo mẫu nhưng không ai vừa ý như chị Hiệp” từ gia chủ. Những chi tiết này khiến chị từ chối mọi lời mời về làm việc tại các công ty, trường mẫu giáo để tiếp tục gắn bó với nghề.
“Đột ngột chuyển sang làm tay chân cũng có khó khăn, áp lực về tâm lý nhiều. Thế nhưng, tôi nghĩ rằng công việc nào cũng là công việc miễn mình kiếm đồng tiền chân chính là được”, chị Hiệp tâm sự.
Thời gian gần đây, nghề giúp việc chất lượng cao bắt đầu bùng nổ ở các đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội. Ban đầu họ chủ yếu phục vụ các gia đình người nước ngoài ở Việt Nam nhưng gần đây có nhiều khách hàng là các gia đình người Việt. Thu nhập bình quân của người mới vào nghề khoảng 400 USD (19 triệu đồng), người có kinh nghiệm có thể lên 1.000-1.300 USD (25-30 triệu đồng) một tháng.
Đại diện bTaskee (công ty chuyên về ứng dụng công nghệ vào ngành giúp việc nhà) cho biết do nhu cầu giúp việc nhà tăng nên tốc độ tăng trưởng của đơn vị cũng tăng 18% so với trước dịch, đặc biệt là có thêm nhóm khách hàng Gen Z. "Chất lượng người giúp việc nhà buộc phải nâng cao, họ được đào tạo nhiều nhóm kỹ năng mới để đáp ứng khách hàng", người đại diện nói.
Nhóm đối tượng giúp việc nhà thường dao động ở độ tuổi 38-50. Theo ước tính, có khoảng 75% là từng làm giúp việc truyền thống, 15% là lao động có tay nghề (công nhân may, xưởng dệt) và 10% là lao động tri thức (giáo viên mầm non, điều dưỡng, sinh viên). Hệ thống quản lý sẽ cho phép khách hàng đánh giá sao trên ứng dụng, người giúp việc có mức sao từ 4.7 trở xuống sẽ phải đào tạo lại.
Đi học giúp việc nhà miễn phí ở TP.HCM
03/11/2023 11:26Biến da bò thành những tác phẩm nghệ thuật tiền triệu
07/11/2023 15:42Nhiều mô hình nông nghiệp tại TP.HCM thu hút khách tham quan, trải nghiệm
07/11/2023 15:16Sau thời gian dài im hơi lặng tiếng, H&M sắp mở một cửa hàng mới tại TP.HCM
07/11/2023 14:37
Bộ trưởng Tài chính nói lý do vì sao "giữ" bảo hiểm bắt buộc với xe máy
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định sở dĩ duy trì bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy là tỷ lệ tai nạn liên quan đến xe máy chiếm 64%. Từ năm 2021 đến tháng 9/2023, cơ quan bảo hiểm cho biết đã tri trả bảo hiểm hơn 2.300 tỷ đồng, điều đó bảo vệ người sử dụng xe máy và đa số người nghèo.