Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 09:02 AM (GMT+7)

Giấc mơ Bắc tiến dang dở của các chuỗi cà phê

2023-06-30 07:10:00

Xu hướng Bắc tiến của các chuỗi cà phê tiếp tục nổi lên thời gian gần đây. Tuy nhiên một số chuỗi đã phải chấp nhận bỏ cuộc và rút về thị trường TP.HCM.


Giấc mơ Bắc tiến dang dở của các chuỗi cà phê - Ảnh 1.

Đầu năm 2023, thị trường chuỗi cà phê và trà tại Hà Nội đón chào tân binh mới đến từ phía Nam mang tên Katinat. Với việc khai trương liên tiếp hai cửa hàng sở hữu mặt bằng trung tâm đắt giá là phố Phan Đình Phùng và Lý Thường Kiệt, thương hiệu này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới trẻ và luôn trong tình trạng kín bàn thời gian đầu.

Katinat được thành lập từ năm 2016 tại TP.HCM dưới sự quản lý của Công ty CP Cafe Katinat. Đến cuối năm 2021, chuỗi này mới có 10 cửa hàng rải rác quanh trung tâm quận 1 và quận 3. Phải đến khi được D1-Concept (doanh nghiệp đứng sau nhiều hệ thống nhà hàng như San Fu Lou, Dì Mai, Sorae, Sens) rót vốn, Katinat mới trở thành cái tên đáng chú ý.

Thời điểm các thương hiệu F&B chịu thiệt hại nặng nề bởi Covid-19, Katinat quyết định đi ngược dòng, mở rộng và thu gom nhiều mặt bằng đắc địa. Tính đến nay, chuỗi này đã có 52 cửa hàng, phần lớn đặt ở TP.HCM.

Giấc mơ Bắc tiến dang dở của các chuỗi cà phê - Ảnh 2.

Katinat thâu tóm các góc phố trung tâm tại Hà Nội. Ảnh: Minh Khánh.

Nhiều chuỗi muốn thử sức tại Hà Nội

TP.HCM từ lâu đã trở thành điểm đến hàng đầu cho các chuỗi đồ uống. Ngay cả với những ông lớn đến từ nước ngoài như Café Amazon (Thái Lan), %Arabica (Nhật Bản) hay điển hình nhất là Starbucks (Mỹ), thị trường phía Nam luôn được đánh giá là nơi phù hợp để đặt những viên gạch đầu tiên.

Mặt khác, do nhiều nguyên nhân khách quan từ thói quen tiêu dùng, khí hậu cho đến văn hoá, Hà Nội không phải thị trường có thể dễ dàng chinh phục và là thử thách cho các chuỗi đồ uống mong muốn mở rộng quy mô lẫn tầm ảnh hưởng mang phạm vi cả nước.

Chỉ đến vài năm trở lại đây, làn sóng Bắc tiến của các chuỗi đồ uống mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Trước Katinat, một chuỗi đồ uống khác là Cheese Coffee cũng đặt chân đến Hà Nội để thử sức. Tuy nhiên, thương hiệu hiện sở hữu 19 cơ sở tại TP.HCM mới chỉ mở được một cửa hàng ở Hà Nội (nằm trên phố Lê Đại Hành) vào cuối năm ngoái.

Cheese Coffee có nhiều nét tương đồng với đồng hương Katinat, khi cùng được thành lập vào năm 2016, cùng hướng đến phân khúc trung cấp và khách hàng trẻ tuổi. Trong đợt dịch, chuỗi này cũng chứng kiến tốc độ mở rộng chi nhánh tương đối nhanh.

Xét về quy mô số lượng cửa hàng, Phúc Long vẫn là thương hiệu Bắc tiến thành công nhất đến nay. Trước khi đặt chân tới Hà Nội vào tháng 1/2019, chuỗi đồ uống thiên về trà đã sở hữu hơn 40 cửa hàng tại TP.HCM, Bình Dương, Nha Trang và Đà Nẵng.

Tháng 5/2021, Phúc Long được Masan đầu tư 346 tỷ đồng để đổi lấy 20% cổ phần, đánh dấu bước ngoặt đưa mức định giá của chuỗi trà, cà phê tăng lên 1.728 tỷ đồng.

Trong năm 2022, tập đoàn do tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm chủ tiếp tục triển khai hai đợt đầu tư vào Phúc Long với tổng giá trị khoảng 6.107 tỷ đồng, nâng mức định giá trong đợt rót vốn gần nhất lên 10.640 tỷ đồng. Phúc Long Heritage từ đó cũng trở thành công ty con sở hữu gián tiếp của Masan.

Nguồn vốn khổng lồ cùng điều kiện thuận lợi giúp Phúc Long vươn lên ấn tượng, có thời điểm số lượng điểm bán tiến sát mốc 1.000. Theo công bố trên website, Phúc Long hiện có 23 cửa hàng flagship tại thị trường Hà Nội, chiếm 16% tổng số cửa hàng flagship trên cả nước. Tính cả các kiosk tích hợp trong hệ thống siêu thị Winmart, Phúc Long đang có tới 137 điểm bán phủ sóng từ khu vực trung tâm ra ngoại thành Hà Nội.

Tương tự Phúc Long, chuỗi cà phê Trung Nguyên cũng có chỗ đứng nhất định tại thị trường thủ đô. Ngoài 10 cửa hàng theo mô hình Legend Café, thương hiệu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng có 62 điểm bán nhượng quyền E-Coffee.

Starbucks sau 9 năm mở cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội đến nay cũng đã mở rộng lên 25 cửa hàng, chiếm gần 30% tổng số điểm bán của chuỗi. Khác các đối thủ cùng ngành, Starbucks tiến ra Hà Nội tương đối sớm, chỉ một năm sau khi mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM.

Ở mảng trà sữa, chuỗi Koi Thé cũng được thị trường Hà Nội đón nhận tích cực. Tuy nhiên khác hai cái tên trên, chiến lược của thương hiệu trà sữa đến từ Đài Loan là tập trung tại các trung tâm thương mại lớn. Hiện Koi Thé sở hữu 8 cửa hàng tại Hà Nội trên tổng số 43 cửa hàng toàn quốc.

Ngậm ngủi từ bỏ

Tuy nhiên, đằng sau sự thành công của những cái tên như Phúc Long, Trung Nguyên hay Starbucks, không ít chuỗi trà và cà phê đã phải ngậm ngùi chia tay thị trường Hà Nội do kết quả không như mong đợi.

Điển hình ngay đầu năm 2023, chuỗi Chuk Tea & Coffee (tiền thân là Chuk Chuk) đã quyết định đóng cửa toàn bộ cửa hàng ở Hà Nội và rút lui sau thời gian ngắn ngủi chưa đầy một năm. Đáng nói là trong giai đoạn đầu mới thành lập, ban lãnh đạo Chuk Tea & Coffee từng nhiều lần bày tỏ sự tự ti vào việc mở rộng thương hiệu.

Chuk Tea & Coffee được giới thiệu lần đầu tiên dưới cái tên Chuk Chuk vào tháng 6/2021, thời điểm dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Đây vốn là dự án được doanh nhân Trần Lệ Nguyên - Tổng giám đốc Tập đoàn Kido - ấp ủ trong 20 năm và có kế hoạch triển khai trước khi dịch bệnh bùng phát.

Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 100 tỷ đồng, trong đó Kido tham gia 61% vốn để nắm quyền chi phối hệ thống cửa hàng bán lẻ và tiếp tục tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô trong tương lai. Theo báo cáo tài chính quý III/2022, Kido đã đầu tư tổng cộng 308 tỷ đồng vào Công ty CP Đầu tư Thương mại TTV, đơn vị vận hành Chuk Chuk.

Giấc mơ Bắc tiến dang dở của các chuỗi cà phê - Ảnh 4.

Chuk Tea & Coffee rút khỏi Hà Nội sau chưa đầy một năm. Ảnh: Chuk Tea & Coffee.

Ông Trần Lệ Nguyên cho biết nếu tháng 9 dịch bệnh được kiểm soát tốt, hệ thống sẽ mở điểm bán ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Tuy vậy kế hoạch nhanh chóng đổ bể khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Phải cho đến tháng 10/2021, Chuk Chuk mới có cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM dù đặt mục tiêu trước đó mở 58 cửa hàng đến cuối năm.

Ngày 23/7/2022, Chuk Chuk chính thức có mặt tại Hà Nội, đồng thời tuyên bố đang có 35 điểm bán khác tại TP.HCM. Đại diện thương hiệu cho biết quy mô có xu hướng thu hẹp dần so với con số 50 cửa hàng tính đến cuối tháng 3/2022 do đang thực hiện tái cấu trúc.

Mục tiêu trước mắt là củng cố, chinh phục thị trường Hà Nội và mở rộng đến các thị trường khác ở phía Bắc như Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đến hết năm 2023, thương hiệu dự kiến có mặt tại tất cả tỉnh thành tại Việt Nam.

Thế nhưng đến cuối tháng 12/2022, Kido bất ngờ thông qua việc thoái vốn khỏi mảng bán lẻ theo chuỗi cửa hàng của công ty TTV. Thời điểm đó, chuỗi có 36 cửa hàng tại TP.HCM, 5 cửa hàng tại Hà Nội.

Cách đây nhiều năm, một thương hiệu cà phê đình đám khác là Passio cũng phải rút lui khỏi thị trường Hà Nội. Cho dù đã mở rộng lên 100 cửa hàng tính đến nay nhưng chuỗi này không đặt bất kỳ chi nhánh nào tại Hà Nội.

Tương tự, với những ông lớn khác đang “làm mưa làm gió” tại TP.HCM như Guta (sở hữu 97 điểm bán) hay Café Amazon (sở hữu 20 cửa hàng gồm 16 cửa hàng tại TP.HCM), kế hoạch tiến ra thị trường Hà Nội vẫn bị còn bỏ ngỏ.

Theo Zing

Minh Khánh
TP.HCM có 'phố cưới hỏi - trầu cau'

TP.HCM có "phố cưới hỏi - trầu cau"

Phố "cưới hỏi – trầu cau" quận 6 bổ sung lợi thế kinh tế của cụm trung tâm thương mại dịch vụ Bình Tây; bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.