Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 03:00 AM (GMT+7)

Giá vàng lao dốc, người vui mừng chốt lời, kẻ ngậm ngùi chịu lỗ

2024-05-13 08:40:16

Chỉ sau 2 ngày, giá vàng miếng SJC giảm mạnh hơn 3 triệu đồng/lượng. Cộng thêm khoảng cách mua vào - bán ra hơn 2 triệu đồng/lượng khiến nhiều nhà đầu tư lao vào đỉnh “sóng” ngậm ngùi chịu lỗ. Bên cạnh đó, cũng có nhiều nhà đầu tư chốt lời thành công.

Đua nhau đi bán

Chiều 12/5, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết sát mốc 89 triệu đồng/lượng. Theo đó, Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng SJC 87,7 - 89,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 3,2 triệu đồng/lượng so với đỉnh được lập ngày 10/5. Cty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng SJC 87 - 89,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Trước đó, ngày 10/5, giá vàng miếng SJC lên đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng đã kéo khoảng cách chênh với thế giới lên 20 triệu đồng/lượng. Lực mua lớn trong lúc giá tăng vọt khiến nhiều thương hiệu tại Hà Nội, TPHCM hết vàng miếng SJC và nhẫn trơn hoặc giới hạn số lượng mỗi lần mua.

Giá vàng lao dốc, người vui mừng chốt lời, kẻ ngậm ngùi chịu lỗ- Ảnh 1.

Nhiều người dân ở Hà Nội vẫn xếp hàng mua bán vàng dịp cuối tuần vừa qua. Ảnh: Ngọc Mai

Ngay lập tức, Chính phủ đã họp và yêu cầu siết quản lý thị trường vàng trong thời gian tới. Thông báo kết luận nêu rõ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng. Theo đó, chỉ sau 1 ngày, giá vàng SJC giảm về mốc 91 rồi xuống 90 triệu đồng/lượng trong ngày 11/5 và tiếp tục giảm vào ngày 12/5.

Theo các chuyên gia, thời điểm này, mỗi nhà đầu tư sẽ có tâm lý khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp chạy theo số đông. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, chỉ có một số ít nhà đầu tư có khả năng vào - ra đúng xu thế nên hưởng lợi, còn đa số chạy theo xu thế tăng giá đều thiệt hại.

Giá vàng giảm nhanh khiến nhiều người vội vã chốt lời ngay trong 2 ngày cuối tuần. Ghi nhận tại phố vàng Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lượng khách đến bán vàng tấp nập. Tại đây, chị Thu Thảo (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, mua 20 cây với giá 85 triệu đồng/lượng. Trừ đi phần chênh lệch mua vào - bán ra, chị Thảo lãi hơn 3 triệu đồng/lượng vàng. Như vậy, chỉ sau 10 ngày, chị Thảo lãi hơn 60 triệu đồng. “Không có gì lãi hơn lướt sóng vàng. Đáng ra tôi định chờ giá lên tầm 95 triệu đồng/lượng mới chốt lãi nhưng thấy giá có dấu hiệu giảm từ sáng nay nên chiều tôi ra sớm để bán chốt lời", chị Thảo nói.

Cách đây 1 năm khi vừa bán căn hộ chung cư, chị Thu Hằng (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) dồn toàn bộ tiền mua 40 lượng vàng SJC, nay khi thấy giá tăng cao nên chốt lời không suy nghĩ. "Tôi lãi gần 900 triệu đồng với số vốn ban đầu bỏ ra gần 3 tỷ đồng. Đây là mức lãi nhất trong các kênh đầu tư của tôi bao gồm cả chứng khoán, bất động sản trong vòng 1 năm", chị Hằng nói.

Bài học mua đỉnh, bán đáy

Mua 15 lượng vàng miếng SJC lúc giá đạt đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng với số vốn hơn 1,3 tỷ đồng, anh Trọng Quân (Thanh Xuân, Hà Nội) ngậm ngùi vì mới cầm giấy hẹn vàng đã lỗ gần 100 triệu đồng sau 2 ngày. Tuy nhiên, anh Quân vẫn tin, giá vàng giảm chỉ là tạm thời và về lâu dài vẫn có khả năng tăng như các đợt sóng trước. “Tôi đầu tư nếu lãi sớm sẽ lướt sóng, còn không lãi sẽ để đó vì vàng vẫn là vàng không mất đi đâu được”, anh Quân nói.

Nhiều chuyên gia nhận định việc mua vàng thời điểm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang thúc giục Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh việc giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Những người đầu tư dài hạn và an toàn không nên chạy theo giá vàng bởi sẽ đối đầu với nhiều rủi ro.

Nhìn lại các cơn "sóng" vàng từ năm 2023 đến nay, mỗi khi thị trường vàng biến động, tăng giá mạnh, hình ảnh những hàng dài người xếp hàng chờ mua vàng, các tiệm vàng lại xuất hiện. Nhiều người mua vào với tâm lý giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư đã gặp “trái đắng” ngay sau khi vàng đột ngột rớt giá. Rủi ro mua vàng vào lúc giá đạt đỉnh đã được nhiều chuyên gia cảnh báo từ trước đó. Các chuyên gia cho rằng, mức chênh lệch mua vào - bán ra lớn khiến người mua đang tự ôm rủi ro, thiệt ngay khi giao dịch.Trong khi các cửa hàng vàng luôn là bên hưởng lợi.

Chưa kể, với hiệu ứng tâm lý đám đông, người dân mua vàng ngay trong lúc giá đang cao tạo điều kiện cho các cửa hàng vàng được đà, đẩy giá vàng lên cao thêm. Đến khi vàng rớt giá đột ngột, người mua lại tiếp tục thua lỗ.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, giá vàng SJC đang tăng do chịu nhiều yếu tố tác động cùng lúc: Giá vàng thế giới tăng; Nhiều năm nay không có cung vàng miếng ra thị trường nội địa, trong khi nhu cầu mỗi năm đều tăng, đặc biệt nhu cầu tăng mạnh trong năm 2022, 2023 (những năm thị trường bất động sản suy thoái, lãi suất tiết kiệm giảm, dòng tiền “chảy” nhiều vào kênh đầu tư vàng).

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, thời điểm này nếu mua vàng, nhà đầu tư sẽ đối đầu với rủi ro kép. Theo đó, giá vàng thế giới đã vượt qua 2.000 USD, khả năng lên và xuống như nhau. Bên cạnh đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao.

Theo TPO

Ngọc Mai

Tags: