Thứ Hai, ngày 20/01/2025 06:15 AM (GMT+7)
Giá USD tăng kỷ lục và giải pháp giảm rủi ro
2024-04-04 08:10:00
Giá USD tại thị trường chính thức trong những phiên gần đây liên tục lập kỷ lục mới.
Đến ngày 3/4, giá bán USD tại một số ngân hàng đã tăng vọt trên mức 25.000 VND/USD. Lũy kế so với đầu năm, tỉ giá tại các ngân hàng thương mại đã tăng gần 3%. Trên thị trường tự do, giá bán đồng bạc xanh cũng đã lên mức trên 25.500 VND/USD.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và PGS-TS Phạm Công Hiệp, Chủ nhiệm bộ môn Đổi mới kinh doanh ĐH RMIT Việt Nam (VN), đều cùng nhận định: Tỉ giá USD/VND sẽ được quản lý chặt chẽ, biến động trong khuôn khổ kiểm soát.
Đủ khả năng ngăn chặn cú sốc từ tỉ giá
. Phóng viên: Giá USD có xu hướng leo dốc từ đầu năm, đặc biệt trong mấy ngày gần đây, giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Ô ng đánh giá thế nào về sự biến động này ?
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Tỉ giá luôn là nhân tố quan trọng trong việc điều hành kinh tế vĩ mô bởi VN là một trong những quốc gia có độ mở kinh tế cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay đang chiếm hơn 250% GDP. Vì vậy, nền kinh tế của chúng ta rất dễ bị tổn thương bởi một cú sốc về tỉ giá. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, đặc biệt là trong năm nay, tôi nhận thấy sẽ không có quá nhiều áp lực đến tỉ giá của VN, ngoại trừ một số thời điểm mang yếu tố mùa vụ như hiện nay.
Có một điều giúp cho chúng ta yên tâm về tỉ giá chính là hiện nay VN vẫn là quốc gia xuất siêu, đồng thời đang thu hút tốt nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính vì thế, lượng ngoại tệ tương đối dồi dào và có đủ khả năng để ngăn chặn các cú sốc đến từ tỉ giá.
Bên cạnh đó, việc tỉ giá USD tăng chưa hẳn là xấu với nền kinh tế lấy xuất khẩu làm trọng tâm tăng trưởng như VN. Việc cho tỉ giá USD/VND tăng giá trong giới hạn cho phép có thể hỗ trợ xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, từ đó mang lại lợi ích nhất định cho VN.
Nhưng tôi lưu ý là trong giới hạn cho phép, bởi nếu tỉ giá tăng quá mạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự bình ổn kinh tế vĩ mô và tâm lý người dân, cả vấn đề về gánh nặng nợ quốc gia.
. Nhưng thực tế có rất nhiều nguy cơ đang rình rập tỉ giá như mặt bằng lãi suất huy động giảm sâu có thể khiến cho nhu cầu tìm kiếm tài sản sinh lời khác thay cho tiết kiệm, đồng USD tăng cao trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng... Theo ông, VN cần hành động ra sao để hóa giải vấn đề này?
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng áp lực tỉ giá sẽ giảm bớt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất lần đầu, có thể là vào nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, việc đầu cơ, tích trữ USD thực sự không mang lại quá nhiều lợi nhuận vì tiền đồng chỉ giảm giá khoảng 3%-5% so với USD hằng năm. Đây là con số không thực sự hấp dẫn khi mà lãi suất huy động dài hạn vẫn nằm ở trên mức đó và các kênh đầu tư khác có thể mang lại tỉ suất sinh lời cao hơn như vàng hay chứng khoán.
Tuy nhiên, NHNN vẫn cần có các biện pháp để đảm bảo an ninh tiền tệ. Một trong những giải pháp được xem là “một mũi tên trúng hai đích” là cần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Bởi tín dụng tăng trưởng, lãi suất huy động cũng sẽ có xu hướng tăng, đồng thời việc đầu cơ tỉ giá sẽ giảm bớt, do các ngân hàng sẽ tập trung vào đẩy mạnh cho vay hơn là đầu cơ tỉ giá trên thị trường liên ngân hàng.
Nhiều cách ứng phó với biến động tỉ giá
. Với tỉ giá như hiện nay, ông đánh giá doanh nghiệp đang được lợi gì và bất lợi ra sao?
+ TS Nguyễn Hữu Huân: Các công ty xuất khẩu sẽ được lợi khi tỉ giá có xu hướng tăng và ngược lại. Đó là nói riêng về tỉ giá USD/VND, còn tùy thuộc vào các thị trường xuất nhập khẩu mà mỗi đơn vị kinh doanh sẽ phải đối phó với bài toán tỉ giá khác nhau.
Chẳng hạn, thị trường Nhật Bản và các thị trường mà đồng nội tệ có xu hướng giảm mạnh so với USD, trong khi VND đang được neo tương đối tốt với USD thì sẽ gặp khó khăn trong việc xuất khẩu sang các thị trường này. Lý do, giá cả hàng hóa VN sẽ có xu hướng tăng bởi tiền đồng tăng giá so với các đồng tiền đó. Nhưng việc nhập khẩu hàng hóa từ các thị trường này lại sẽ sôi động hơn nhờ hàng hóa sẽ rẻ hơn rất nhiều so với trước đây.
. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn và tỉ giá sẽ còn biến động, ông có khuyến nghị nào với doanh nghiệp?
+ PGS-TS Phạm Công Hiệp: Các doanh nghiệp nên có nhiều kịch bản khác nhau để ứng phó với biến động tỉ giá. Ví dụ, họ có thể phòng ngừa rủi ro tỉ giá bằng việc mua các hợp đồng kỳ hạn hay hợp đồng về quyền chọn mua bán tỉ giá trong tương lai.
Trong đó, hợp đồng kỳ hạn cho phép doanh nghiệp “khóa” một tỉ giá cố định cho giao dịch tương lai, giúp họ bảo vệ khỏi sự biến động không có lợi của tỉ giá. Hợp đồng về quyền chọn cung cấp cho doanh nghiệp quyền (nhưng không phải là nghĩa vụ) để mua hoặc bán ngoại tệ với một tỉ giá xác định trong tương lai, giúp họ có thể tận dụng lợi thế từ những biến động tỉ giá thuận lợi mà không bị mất mát nếu tỉ giá diễn biến không như mong đợi.
Mặc dù cả hai loại hợp đồng này đều có thể gây phát sinh chi phí ban đầu để phòng ngừa rủi ro nhưng trong bối cảnh biến động và khó dự báo như hiện nay, việc này là cần thiết.
Song song đó, các nhà kinh doanh cần quản lý chặt chẽ dòng tiền ngoại tệ, bao gồm cả việc dự báo và lập kế hoạch cho nhu cầu ngoại tệ trong tương lai cũng như xác định các nguồn ngoại tệ... Điều này giúp doanh nghiệp có thể lựa chọn thời điểm thuận lợi để mua ngoại tệ, giảm thiểu chi phí và rủi ro.
. Ngoài giải pháp trên, theo ông còn có giải pháp nào để hạn chế rủi ro từ tỉ giá ?
+ PGS-TS Phạm Công Hiệp: Các nhà kinh doanh có thể sử dụng công nghệ và phân tích dữ liệu lớn (Big data) để dự báo và theo dõi sự biến động của tỉ giá. Công nghệ thông tin có thể giúp nhà kinh doanh nắm bắt nhanh chóng các xu hướng thị trường và đưa ra quyết định kịp thời.
Đặc biệt, áp dụng công nghệ và hệ thống thông tin để theo dõi và phân tích biến động tỉ giá thời gian thực sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, tránh rủi ro một cách nhanh chóng. Công nghệ cũng giúp tự động hóa quá trình quản lý rủi ro và dự báo tài chính, giảm thiểu sai sót cũng như tăng cường hiệu quả quản lý.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, việc chuẩn bị và ứng phó linh hoạt với những biến động tỉ giá là chìa khóa để doanh nghiệp không chỉ bảo vệ mình khỏi rủi ro mà còn tận dụng được các cơ hội mới.
. Xin cảm ơn hai ông.
Nhiều yếu tố giúp Việt Nam kiểm soát tỉ giá
Tôi dự báo tỉ giá chỉ xoay quanh ở mức 3%-4% trong năm nay. Có nhiều yếu tố hỗ trợ cho nhận định trên.
Ví dụ năm 2023, NHNN dự trữ ngoại hối 100 tỉ USD. Bước sang năm 2024 dự báo sẽ đạt 110 tỉ USD. Dự trữ ngoại hối của VN đã đạt mức cao kỷ lục, cung cấp một lớp bảo vệ vững chắc cho nền kinh tế. Điều này cho phép ngân hàng trung ương can thiệp vào thị trường khi cần thiết để ổn định tỉ giá.
Đặc biệt VN duy trì một cán cân thương mại tích cực với giá trị xuất khẩu vượt qua nhập khẩu trong những năm gần đây, cùng với dòng kiều hối đáng kể từ cộng đồng người VN ở nước ngoài. Cả hai yếu tố này đều cung cấp nguồn cung ngoại tệ dồi dào, hỗ trợ cho tỉ giá.
Mặt khác, VN tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với nhiều dự án lớn được triển khai. Tiếp nối thành công của năm 2023, tháng đầu tiên của năm 2024, thu hút FDI tiếp tục đạt kết quả khả quan. VN đã thu hút hơn 2,36 tỉ USD vốn FDI, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Dòng vốn FDI không chỉ tăng cường dự trữ ngoại hối mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế tổng thể và tăng cường sức mạnh của đồng tiền quốc gia...
Tất cả yếu tố này là cơ sở để tin tưởng vào việc tỉ giá USD/VND sẽ được quản lý chặt chẽ, biến động trong khuôn khổ kiểm soát, dù có thể có những biến động nhất định tại một số thời điểm trong năm.
PGS-TS PHẠM CÔNG HIỆP
Theo plo.vn
Chuyên gia HSBC dự báo nóng diễn biến tỷ giá tiền đồng
Không cần phải quá lo lắng về diễn biến tỷ giá bởi nguồn cung ngoại tệ từ khách du lịch và xuất khẩu dồi dào. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng với triển vọng kinh tế vĩ mô bởi biến số giá dầu.