Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 12:24 AM (GMT+7)
Được và mất của các quán cà phê chung cư ở TP.HCM
2023-02-16 11:13:00
Không còn thu hút như thời gian đầu, các quán cà phê chung cư ở TP.HCM giờ đây khó giữ chân khách hàng vì chỗ giữ xe bất tiện, di chuyển khó khăn, bị ràng buộc bởi nhiều quy định.
“Chú ý! Thang máy đang bảo trì”, thấy bảng thông báo được dán ở vách tường, Huỳnh Phương và Trà My (sinh năm 2000) đành phải đi bộ lên tầng 4. Tranh thủ giờ nghỉ trưa, hai cô gái ghé qua tiệm cà phê Nhật Bản khai trương gần đây để uống thử.
Theo mô tả của Phương, quán có không gian khá nhỏ nhưng khách lại rất đông, người đến sau phải đợi 15 phút mới đến lượt order. Sau khi gọi món xong, cả hai phải đợi thêm 30 phút nữa để nhận được nước.
Phương cho biết vì tò mò nên rủ bạn thân đến trải nghiệm. Bình thường, cô không mặn mà lắm với các quán cà phê chung cư. Cô chỉ đến tòa nhà này một lần và hơi bất ngờ trước quy định thu phí 3.000 đồng/lượt đi thang máy.
“Hiệu ứng từ mạng xã hội khiến khách kéo tới đây nườm nượp. Không có bãi giữ xe nên chúng tôi phải chạy qua chỗ cách đó khá xa để gửi. Thời tiết nắng nóng mà tìm chỗ gửi xe cộng với leo thang bộ khiến chúng tôi hơi oải, chắc sẽ không quay lại đây”, Phương nói.
Gửi xe khó, thang máy thu phí, cơ sở hạ tầng xuống cấp, không gian nhỏ là những mặt hạn chế khi kinh doanh hàng quán ăn uống ở các chung cư cũ.
Điều đó là nguyên nhân khiến các chủ quán khó giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, nói với Zing, họ vẫn có vài cách xoay xở riêng để giúp việc buôn bán được tiếp tục.
Nhiều quy định
Kinh doanh 4 năm tại chung cư số 42 Nguyễn Huệ, chị Quý Nhi, chủ quán Madame Quyên, cho biết việc mở tiệm cà phê ở địa điểm trên cao gặp nhiều cái khó.
Trong số đó, không có chỗ gửi xe, thu phí thang máy và cơ sở hạ tầng xuống cấp là những vấn đề mà chị cũng như nhiều người chủ khác không thể kiểm soát và giải quyết.
Ngoài ra, mặt bất cập còn nằm ở chỗ giờ hoạt động phải theo quy định đóng - mở cửa của ban quản lý, nếu muốn treo bảng tên ở tầng trệt thì phải đóng thêm tiền.
Nhưng do số lượng ô trống cho các biển báo khá ít ỏi, không gian quán nhỏ, chỉ tiếp được 30-40 người, chị quyết định không treo biển chỉ dẫn ở sảnh dưới.
Một số quán tồn tại khá lâu ở chung cư 42 Nguyễn Huệ.
Tương tự Madame Quyên, Buihaus Coffee & Workshop cũng phải chấp nhận những khuyết điểm của tòa nhà để tiếp tục kinh doanh.
Quán nhắm đến du khách nước ngoài, khách nội địa chỉ chiếm số nhỏ. Tọa lạc ở đây hơn 7 năm, nơi này là một trong những quán cà phê “đời đầu” tại chung cư 42 Nguyễn Huệ.
Chị Lê Trâm (sinh năm 1980), chủ quán, chia sẻ những bất cập đa số là với khách Việt vì họ đi xe máy nhiều nhưng lại không có chỗ gửi xe. Còn khách Tây lưu trú tại các khách sạn, homestay gần đây, dễ di chuyển nên ít phàn nàn hơn.
Về chi phí thuê mặt bằng, chị cho rằng chỗ này nhỉnh hơn so với các cư xá khác ở quận 1. Giá tăng 10-15% hàng năm nhưng khoản phí này không ảnh hưởng quá nhiều đến việc kinh doanh của quán.
Tập trung vào chất lượng dịch vụ
Trong khả năng của mình, chị Quý Nhi chỉ có thể cố gắng giữ vệ sinh chung, đảm bảo khu vực xung quanh quán trông sạch sẽ.
Bên cạnh đó, chị cũng đầu tư vào chất lượng đồ uống, món ăn, cách phục vụ để cải thiện trải nghiệm của khách hàng.
“Giải pháp của tôi là thay thế bất cập bằng điểm mạnh riêng của quán. Những thứ không sửa đổi được thì góp ý lên ban quản lý hoặc chấp nhận. Rất nhiều tiệm mở ở đây cũng thất bại rồi rời đi, cũng có một ít quán tồn tại lâu đời. Tôi hay tạo sự thoải mái bằng cách trò chuyện với khách, nhờ họ giới thiệu trên mạng chứ không quảng cáo hay làm fanpage. Quán cũng hỗ trợ phí đi thang máy tùy theo số món”, chủ quán chia sẻ.
Theo chị quan sát, mô hình cà phê chung cư quanh quận 1 khá đa dạng nhưng nơi chị đang kinh doanh thì chuyên về F&B hơn.
Nằm đối diện phố đi bộ Nguyễn Huệ, tòa nhà này được đánh giá là có vị trí đắc địa, ngay trung tâm thành phố, thu hút lượng lớn khách du lịch và người nước ngoài đến tham quan. Đây cũng là tệp khách chính của Madame Quyên, dân văn phòng, người trẻ chỉ chiếm khoảng 10%.
Nhiều người trẻ đến cà phê chung cư để gặp bạn bè, chụp ảnh. Ảnh: giahan__17, tuemm_1312.
Chị cho biết thêm khách trẻ thường chỉ đến một lần vì tò mò hoặc có sự kiện đặc biệt. Trong khi đó, người nước ngoài có xu hướng quay lại khi còn ở TP.HCM để sử dụng dịch vụ.
“Thói quen của khách là sẽ đi xem từng quán, thích chỗ nào thì họ mới ghé vào. Đó cũng là cơ hội cho cà phê theo dạng tổ hợp. Giá thuê chung cư cũ cũng rẻ hơn ở dưới đất, giấy tờ, thủ tục dễ dàng. Sau dịch, khách châu Âu đến nhiều hơn châu Á, chắc do một số nước vừa mới mở cửa”, chị nói.
Tuy không thể cạnh tranh với các hàng quán có mặt bằng rộng, tọa lạc đường lớn, chị Nhi khẳng định mô hình cà phê chung cư vẫn thu hút và là lựa chọn mới lạ với du khách khi đến TP.HCM.
Chị Trâm cũng đồng tình với giải pháp này. Thay vì cố điều chỉnh những thứ không trong khả năng của mình, chị giữ chân khách bằng cách thay đổi chủ đề trang trí theo mùa, mở rộng thực đơn và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nhờ đó, quán chị có lượng khách Tây ổn định, tập trung đông vào buổi sáng. Còn người trẻ thì thường đến vào buổi tối. Họ thích ngồi ngoài ban công để ngắm nhìn đường phố từ trên cao hoặc check-in với bạn bè.
% Arabica đông khách ngay từ những ngày đầu thành lập tại Việt Nam. Ảnh: Arabica Ho Chi Minh City Cafe Apartment.
Khách nước ngoài thích thú, khách Việt dần từ chối
Giống với những vị khách khác, Candy Huỳnh (sinh năm 1987) cũng đến chung cư 42 Nguyễn Huệ vì sự kiện khai trương của quán cà phê Nhật Bản.
Do có thời gian làm việc ở xứ sở hoa anh đào, cô biết đến thương hiệu này từ trước. Khi nghe thông tin khai trương chi nhánh ở Việt Nam, cô liền ghé qua trải nghiệm.
“Tôi đi taxi nên không cần tìm chỗ gửi xe nhưng di chuyển lên đây hơi bất tiện. Đây là lần đầu tiên tôi đến một cà phê chung cư. Nếu hẹn gặp bạn bè, tôi sẽ không chọn địa điểm này mà thích các quán bên ngoài hơn”, cô chia sẻ.
Khác với ý kiến trên, Trúc Khanh (sinh năm 1999, quận 7) thường xuyên chọn các quán cà phê ở chung cư cũ vì sự yên tĩnh và cảm giác thân thuộc.
“Mỗi quán ở đây đều có chất riêng. Không phải chuỗi cửa hàng lớn nên quy trình, cách vận hành của họ không được chuyên nghiệp như vậy. Nhưng họ tập trung xây dựng những nét đặc trưng mà chỉ quán mình mới có, chẳng hạn âm nhạc, menu đồ uống hay cách trang trí”, Khanh nhận xét.
Lúc cần không gian im ắng để làm việc hoặc xoa dịu tâm trạng, Khanh sẽ đến một trong những tiệm nước thuộc chung cư Nguyễn Văn Tráng, Tôn Thất Thiệp hoặc Nguyễn Huệ. Theo Khanh, cảm giác ngồi trên cao nhìn xuống đường phố đã lên đèn giúp cô phần nào xua tan sự mệt mỏi.
“Đa số bạn bè tôi đều thích các quán ngoài mặt tiền có decor hiện đại để dễ đi lại, check-in. Vì thế, khi đến cà phê cư xá, tôi chỉ đi một mình”, Khanh nói thêm.
Jacky và không ít khách nước ngoài muốn trải nghiệm mô hình quán cà phê độc đáo của TP.HCM.
Sau khi tham quan các điểm nổi tiếng tại TP.HCM, Jacky (đến từ Đài Loan), travel blogger, dừng chân tại một quán cà phê kết hợp đồ ăn Việt Nam ở chung cư số 42 Nguyễn Huệ (quận 1) để dùng bữa trưa.
Anh gọi món bánh hỏi thịt nướng và cà phê trứng theo lời tư vấn của nhân viên. Cả hai món đều được Jacky khen ngon, hợp khẩu vị, xứng đáng với quá trình leo 7 tầng lầu để lên đây.
Jacky cho biết Đài Loan không phổ biến mô hình hàng quán ở chung cư, chỉ có một số địa điểm ăn uống trên núi. Vì thế, anh khá thích thú khi được trải nghiệm mô hình mới lạ này.
“Khi có cơ hội, tôi sẽ quay lại. Tôi đã đi nhiều quốc gia nhưng chưa thấy nơi nào có kiểu tổ hợp quán xá như vậy”, Jacky bày tỏ.
Sau 7 ngày khám phá Sài Gòn, Jacky sẽ tiếp tục hành trình của mình tại Hội An và Hà Nội.
Theo Zing
Quán cà phê ở TP.HCM trang trí chuẩn concept ảnh quay về các thập niên xưa
07/01/2023 20:07Đà Nẵng: Lạ, quán cà phê đề biển cấm trẻ em dưới 12 tuổi
18/12/2022 10:50Những quán cà phê Noel đốn tim bạn trẻ Sài Gòn
17/12/2022 19:00