Tìm cách vượt hàng rào kỹ thuật
Trước lo ngại về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là bệnh tật, từ năm 2019 đến nay, bà Nguyễn Thị Hợp - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Công Cối, xã Đại Xuân (Quế Võ, Bắc Ninh) đã áp dụng công nghệ vi sinh vật bản địa (IMO) để ngâm ủ với các loại cây như: Mật gấu, xuyến chi, giềng, tỏi, ớt, sả… làm thuốc BVTV sinh học để phun cho lúa.
Hàng năm, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thuốc BVTV sinh học sang hơn 9 quốc gia, trong năm 2019 khối lượng xuất khẩu là 930 tấn (chiếm 5,8% lượng thuốc BVTV xuất khẩu) vào các thị trường như: Đài Loan, Campuchia, Nhật Bản, Singapore, Lào, Myanmar, Trung Quốc…
Cùng với đó, bà Hợp ngâm IMO với cá, rác bếp để làm phân bón hữu cơ cho lúa, nhờ đó chất lượng gạo do HTX làm ra vượt trội, giá bán cao hơn giá thị trường từ 2.000-3.000 đồng/kg. Đặc biệt, gạo thơm Đại Xuân do HTX làm ra đã được UBND tỉnh Bắc Ninh đánh giá, chấm điểm đạt 4 sao OCOP.
Thấy cách làm của bà Hợp có hiệu quả, hơn chục chị em phụ nữ trong thôn, xóm đã làm theo để tạo ra sản phẩm an toàn cho bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, theo bà Hợp, việc bón, tưới phân và phun thuốc BVTV làm từ công nghệ IMO gốc này tốn khá nhiều công sức.
Từ năm 2011, ông Đoàn Văn Tài (ấp Kinh, xã Trung Ngãi, Vũng Liêm, Vĩnh Long) đã tự mày mò, khảo nghiệm trồng lúa hữu cơ trên mảnh đất của gia đình. Thời điểm đó, chưa có nhiều thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học nên ông cũng tự điều chế thuốc từ tỏi, gừng, ớt, sả… ngâm ủ với nhau rồi phun.
Theo ông Tài, muốn phát triển được nông nghiệp hữu cơ và tác dụng phòng trừ của thuốc BVTV sinh học thì phải tập trung diện tích lớn, sản xuất cùng quy trình. Vì thế, năm 2017, ông đã vận động, thành lập HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Đạt với 15 thành viên tham gia, diện tích sản xuất 11,5ha. Đến nay, HTX đã thu hút được 109 thành viên trồng lúa hữu cơ với diện tích 100ha, trong đó có 60ha đã được cấp chứng nhận quốc tế.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV cho biết, ngành nông nghiệp đang đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng số lượng thuốc BVTV sinh học đăng ký lên 30%. "Chúng ta xuất khẩu và các sản phẩm nông sản phải đáp ứng đầy đủ hai rào cản, một là kiểm dịch thực vật, hai là an toàn thực phẩm - đó là dư lượng thuốc BVTV.
Thực tế, tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật Bản rất cao và gắt gao. Chúng ta phải có cách thức hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV một cách bài bản thì các sản phẩm mới đáp ứng và xuất khẩu đi được" - ông Trung nói.
Thuốc BVTV sinh học dùng cho rau chiếm 50%
Trong 3 năm gần đây, các sản phẩm thuốc BVTV sinh học đề nghị cấp giấy phép khảo nghiệm đăng ký tăng đều. Năm 2017 có 35 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khảo nghiệm, năm 2018 có 22 hồ sơ đăng ký, năm 2019 tăng lên 50 hồ sơ. Đáng chú ý, thuốc BVTV sinh học đăng ký sử dụng cho cây rau chiếm khoảng 50%.
Một số công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học phổ biến trên thế giới đã được đăng ký và ứng dụng tại Việt Nam như: Thuốc BVTV sinh học nano, Chitosan, sản xuất chế phẩm virus nhân đa diện NPV, sản xuất chế phẩm vi sinh, sản xuất chế phẩm nấm đối kháng, thuốc sinh học sản xuất chiết xuất từ thảo mộc.
So với các nước trong khu vực, số lượng hoạt chất thuốc BVTV sinh học trong Danh mục của nước ta khá nhiều và đa dạng, trong đó có rất nhiều hoạt chất sinh học mới, lần đầu tiên được ứng dụng trong BVTV như: Anacardic acid, Laminarin, Verticillium chlamydosporium, Quilajja saponarria, Capsacin, Talin…
Tuy nhiên, thuốc BVTV sinh học, đặc biệt là các chế phẩm vi sinh sử dụng trên đồng ruộng vẫn còn hạn chế, ước tính mới chỉ chiếm 8-10% tổng lượng thuốc. Thói quen sử dụng thuốc hóa học vẫn là điểm yếu nhất đối với công tác BVTV ở nước ta nhiều năm qua.
Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Tấn Đạt - Trưởng phòng Quản lý thuốc BVTV (Cục BVTV) cho biết, thuốc BVTV sinh học đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật trong sử dụng rất chặt chẽ, đó là đúng chủng loại, liều lượng, thời điểm và phạm vi; nếu không sử dụng đúng sẽ không có hiệu quả.
Cũng theo ông Đạt, hiệu lực thuốc BVTV sinh học không cao bằng thuốc hóa học nhưng lại có hiệu lực kéo dài, vài năm vẫn đánh giá được hiệu lực.
"Điều này đòi hỏi việc sử dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian dài, với quy mô, phạm vi phải gần như áp dụng đồng loạt, nếu áp dụng trong nhỏ, hẹp hoặc không phù hợp thì không phát huy được thế mạnh của thuốc sinh học" – ông Đạt nhấn mạnh.