Thứ Năm, ngày 16/01/2025 11:25 PM (GMT+7)
Dự báo "nóng" về lãi suất tiết kiệm
2023-02-16 07:47:00
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VnDirect kỳ vọng lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023.
Các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VnDirect kỳ vọng lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023.
Lãi suất tiết kiệm gần như đi ngang trong tháng 1/2023. Tính đến cuối tháng 1/2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng tư nhân và ngân hàng quốc doanh lần lượt là 7,4% và 8,2%.
Lãi suất có thể tạo đỉnh trong quý I và giảm về mức 7,5%/năm vào cuối năm 2023
Tại báo cáo mới nhất về thị trường tiền tệ, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VnDirect kỳ vọng, lãi suất tiết kiệm sẽ đạt đỉnh trong quý I/2023 và sau đó giảm dần kể từ quý II/2023, dựa trên 3 lập luận.
Thứ nhất, thị trường dự báo đỉnh của chu kỳ tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở mức 5,25%, tương đương còn hai lần tăng 0,25 điểm % lãi suất vào cuộc họp tháng 3 và tháng 5 tới.
Theo đó, áp lực lên tỷ giá VND có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023 khi Fed ngừng tăng lãi suất điều hành.
Hai là, các chuyên gia duy trì quan điểm Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023 và tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối,..
Ba là, nhu cầu tín dụng chậm lại do nhiều doanh nghiệp có thể hoãn mở rộng sản xuất kinh doanh vì lo ngại tiêu dùng suy yếu. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản ảm đạm sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng.
"Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023", báo cáo nhấn mạnh.
Về lãi suất cho vay, các chuyên gia tại VnDirect cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nỗ lực hạ lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước, cho biết các ngân hàng có lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn các ngân hàng khác.
Do đó, các chuyên gia cho rằng sẽ có ngân hàng chủ động giảm một phần biên lãi ròng (NIM) để có thể nhận được hạn mức phân bổ tín dụng cao hơn trong tương lai.
Hiện NIM bình quân của các ngân hàng thương mại Việt Nam vào khoảng 3,2%-3,4%, khá cao so với các ngân hàng thương mại các nước trong khu vực như Thái Lan (NIM bình quân từ 2,7%-3%); Malaysia (2- 2,3%); Trung Quốc (~2%); Singapore (~1,6%).
Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô của Chứng khoán VietinBank (CTS) cũng đưa ra dự báo cho rằng, lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm dần về cuối năm 2023, đặc biệt chiều hướng này sẽ gia tăng khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ giảm lãi suất điều hành vào quý IV như các chuyên gia đã dự phóng.
Theo đánh giá của CTS, lãi suất điều hành ở Việt Nam có thể đã đạt đỉnh vào tháng 1. Cụ thể, ngày 8/2, mức lãi suất huy động tối đa ở các ngân hàng lớn chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5%/năm vào cuối tháng 1.
Theo đó, nguyên nhân chủ yếu đến từ dư thừa thanh khoản hệ thống ngân hàng khi mà các nhà băng đã huy động được một lượng lớn vốn từ thị trường 1 ở mức lãi suất cao vào năm 2022, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung vốn được kiểm soát chặt chẽ
Bên cạnh đó, các chuyên gia kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được duy trì ở mức hiện tại trong năm 2023.
Lãi suất tiết kiệm 7 - 8%/năm là hợp lý
Cho rằng Việt Nam có dư địa giảm lãi suất, PGS.TS Phạm Thế Anh chỉ ra những căn cứ hỗ trợ cho xu hướng giảm lãi suất trong năm nay.
Căn cứ thứ nhất là lạm phát.
Theo đánh giá của ông, lạm phát của Việt Nam đang ở vùng lạm phát tương đối thấp (trung bình trong năm qua khoảng 3,15%). Tuy nhiên, bước sang quý 1/2023, lạm phát lên tới đỉnh điểm (tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước). Điều này làm dấy lên quan ngại, lạm phát có tiếp tục gia tăng hay không trong năm 2023 và kéo theo động thái của chính sách tiền tệ là thận trọng trong việc kiểm soát lạm phát.
"Theo nhận định của tôi, lạm phát của tháng 1/2023 là lạm phát đỉnh nếu tính theo năm, và từ tháng 2 trở đi sẽ giảm dần và xuống khoảng 3 – 3,5% trong vòng 2, 3 tháng tới. Do đó, lạm phát không phải là vấn đề quan ngại, gây sức ép để Việt Nam tăng lãi suất", ông Phạm Thế Anh cho hay.
Hai là, phải xem lãi suất điều hành của các NHTW lớn trên thế giới, đặc biệt là NHTW Mỹ. Hiện mức lãi suất điều hành chính sách của Mỹ lên tới khoảng 4,75% - tương đối cao.
Theo ông Phạm Thế Anh, lạm phát của Mỹ sẽ giảm, và vào giữa năm nay (khoảng tháng 5) lạm phát của Mỹ rơi xuống khoảng 3,5%. Do đó, khả năng tăng tiếp lãi suất tiếp của Mỹ rất thấp. Kịch bản xấu, lãi suất của Mỹ tăng thêm lãi suất 1 lần nữa vào tháng 3 khoảng 0,25 điểm % và kỳ họp tháng 5 Mỹ sẽ dừng việc tăng lãi suất - theo dự báo của ông Anh.
PGS.TS Phạm Thế Anh đánh giá, sức ép để Việt Nam tăng lãi suất bao gồm lạm phát và lãi suất từ bên ngoài rất ít. Do vậy, lãi suất của Việt Nam hiện nay đang ở mức đỉnh và trên đà đi xuống. Tuy nhiên, lãi suất giảm nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào quan điểm của nhà điều hành.
"Theo quan điểm của tôi, mức lãi suất tiết kiệm chỉ nên ở mức 7 – 8%/năm là phù hợp so với mức 9 – 10%/năm như hiện nay", PGS.TS Phạm Thế Anh khuyến nghị.