Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 03:09 PM (GMT+7)
Doanh nghiệp kể chuyện "vượt bão"
2024-02-12 08:26:00
Năm 2023, không ít doanh nghiệp trên cả nước phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó khăn, biến thách thức thành cơ hội phát triển.
Trong bối cảnh đơn hàng dệt may từ cuối năm 2022 - đầu năm 2023 càng khan hiếm, ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty CP quốc tế Dony (May mặc Dony) lên kế hoạch xin visa sang Mỹ vào đầu tháng 10/2023 để tìm kiếm đơn hàng. Tuy nhiên, đến hết quý II/2023, qua khảo sát nhanh từ thị trường Hoa Kỳ không còn khả thi, ông Quang Anh chuyển hướng sang thị trường khu vực Đông Nam Á.
Lách qua khe cửa hẹp
"Chiến lược của Dony là duy trì đối tác cũ tại thị trường Mỹ, còn lại sẽ tập trung vào thị trường Đông Nam Á và nội địa", ông Quang Anh nói về việc "quay xe" khi thị trường Mỹ không còn khả thi trong bối cảnh sức tiêu dùng ở đây yếu đi. Hơn 10 ngày vác balô lên và đi khắp các nước Malaysia, Campuchia, Singapore, Indonexia và Thái Lan, ông Quang Anh đã kiếm được hàng loạt đơn hàng đủ cho sản xuất trong quý IV/2023 và kéo dài sang hết quý II/2024. "Năm 2023 nếu chỉ nói là năm khó khăn với doanh nghiệp thì rất là nhẹ, phải nói năm qua là năm sống còn của nhiều doanh nghiệp", ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Sông Hương Foods, thốt lên khi được hỏi về kết quả kinh doanh năm nay.
Theo ông Quốc Tuấn, Sông Hương Foods từ trước đến nay rất tự hào về xuất khẩu nhưng hiện nay bên thị trường Mỹ đã dừng đặt hàng, trong khi thị trường trong nước lượng đơn hàng cũng khá 'lèo tèo' khiến doanh nghiệp phải nhịn đau cắt giảm khoảng 30% nhân sự, chi phí cũng phải cắt giảm tối đa. Để lách qua "khe cửa hẹp", Sông Hương Foods đã đẩy mạnh hơn việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, cụ thể mạnh nhất là nền tảng Tiktok. Bản thân ông Tuấn đích thân bán hàng trên kênh Tiktok của mình với doanh số có thời điểm lên tới hơn 1 tỷ đồng/tháng.
Sông Hương Foods đã bán hàng online hơn 1 năm nên có lượng khách hàng ổn định. Ông nêu giải pháp của mình là tận dụng những chương trình giảm giá của các sàn thương mại điện tử để có giá bán tốt cho người tiêu dùng, nhờ vậy mới giữ được doanh thu. Đồng thời, ông cho biết Sông Hương Foods cũng thích ứng với việc bán hàng online bằng cách sử dụng hũ nhựa, bên cạnh hũ thủy tinh,… để tiện cho vận chuyển, tránh bị vỡ.
Với cha đẻ ATM gạo Hoàng Anh Tuấn, một năm khó khăn vừa qua không khiến anh chùn bước trước dự án mang tên Việt Nam Town với mục tiêu chính là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam xây dựng cộng đồng, cùng nhau phát triển ở khu vực Đông Nam Á.
Anh Hoàng Tuấn Anh cho biết, với diện tích đất rộng hơn 6.000m2 tại trung tâm TP Johor Bahru - nơi được gọi là thiên đường mới nổi của Malaysia, đây là khu đất hiếm hoi có view biển, hướng sang Singapore và cách cửa khẩu qua Woodland (Singapore) chỉ 1km - nơi Tuấn Anh chọn mặt gửi vàng thực hiện dự án mang tên Vietnam Town nhằm tạo địa điểm để cộng đồng doanh nghiệp, người dân Việt Nam đến Malaysia và thậm chí là Singapore có được một nơi ổn định để kinh doanh.
Theo anh Tuấn Anh, Vietnam Town không chỉ đơn thuần là một dự án thương mại mà đây sẽ là nơi gặp gỡ của lực lượng lao động người Việt ở nước ngoài, nhất là trong các ngành xây dựng và dịch vụ. Dù thu nhập tốt nhưng cuộc sống của họ lại rất bấp bênh, không được hỗ trợ nhiều về các vấn đề pháp lý. Do đó, khi càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam qua Malaysia thực hiện các dự án và xây dựng những khu trung tâm thương mại thì cộng đồng người Việt sẽ có cuộc sống và công việc tốt hơn. Ít ra, họ sẽ không cảm thấy lạc lõng trên đất khách.
Cũng theo anh Tuấn Anh, sau một thời gian đi về giữa Việt Nam và Malaysia, đến nay dự án đã có những đường nét đầu tiên. Hiện trụ sở chính của dự án đang được xây dựng với diện tích khoảng 2.000m2. Đây sẽ dùng làm nơi lưu trú và đặt văn phòng của các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển thị trường ở Malaysia. Trong tương lai, ông Tuấn Anh sẽ tiếp tục xây 3 tòa nhà để phục vụ nhu cầu thuê văn phòng. Trước mắt, khu nhà hàng và khách sạn đang dần hoàn thành và có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh.
Thích nghi để vượt qua khó khăn
Xác định năm 2023 là một năm rất khó khăn, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh (Nghị quyết 01/CP-NQ 2023). Theo đó, Chính phủ xác định tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết 01 cũng xác định phải tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích tổ chức tín dụng giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 01. Trong đó, vấn đề các doanh nghiệp quan tâm là sự đột phá và quyết liệt vào cuộc của các cấp có thẩm quyền trong việc triển khai Nghị quyết đến thực tế đúng với tinh thần, ý nghĩa mà Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, trên thực tế những diễn biến lại không được như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Một cuộc khảo sát mới thực hiện và công bố cuối tháng 10/2023 của HUBA cho thấy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là đơn hàng sụt giảm, thị trường tiêu thụ khó khăn đã làm tăng tồn kho ngoài dự kiến, ảnh hưởng kế hoạch kinh doanh. Sự kết hợp giữa lực cầu suy yếu, lạm phát cao, gánh nặng nợ tạo nên khó khăn thực sự cho một số doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp ở một số ngành như vật liệu xây dựng, may mặc, giày da, gỗ… vẫn trong tình trạng khan hiếm đơn hàng. Doanh nghiệp thuê đất hàng năm khu công nghiệp không được cấp giấy đất để vay vốn kinh doanh. Trong khi đó, doanh nghiệp nông nghiệp khó vay vốn, tài sản thế chấp bị đánh giá quá thấp nên thiếu hụt vốn kinh doanh", ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho biết.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng, bất động sản hầu hết khó khăn do không thu hồi được nợ và khó có khả năng trả nợ trái phiếu. Sự đóng băng của thị trường bất động sản làm cho các doanh nghiệp xây dựng không có đơn hàng, kinh doanh đình đốn. Do không có vốn kinh doanh nên việc tiếp cận dự án đầu tư công là khó khả thi. Kết quả là hàng loạt đơn vị xây dựng, bất động sản nhỏ lâm vào tình trạng phá sản.
Khảo sát của HUBA cũng ghi nhận có tới 73% doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất; 59% doanh nghiệp đề xuất được giảm các loại thuế, phí, bảo hiểm xã hội, phí công đoàn… "Kỳ vọng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét tháo gỡ bằng cách định giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường; tăng tỷ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp. Đồng thời cho phép các doanh nghiệp được thế chấp tài sản đất thuê hàng năm và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp", đại diện HUBA kỳ vọng.
Rõ ràng, khó khăn trước mắt là không nhỏ nhưng các doanh nghiệp cho rằng họ không thể đứng im mà phải linh hoạt tận dụng từng cơ hội nhỏ để thích nghi.
"Để giúp DN vượt qua sóng gió, thử thách trong năm 2023 và cả năm 2024 thì khâu chính sách hỗ trợ nên kịp thời, sát sườn, thực tế và hiệu quả hơn. Nói chung, khả năng phục hồi, cạnh tranh và sức chống chịu của DN trước các cú sốc từ bên ngoài đang đòi hỏi sự "đồng cam cộng khổ" hơn nữa từ khâu chính sách…", ông Phạm Quang Anh, CEO May mặc Dony, chia sẻ.
2.000 doanh nghiệp bất động sản đồng loạt ngừng hoạt động chỉ trong 1 tháng
Ngay đầu năm có 2.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tạm ngừng hoạt động, bằng 138% so với cùng kỳ. Đây là số liệu được Tổng cục Thống kê đưa ra tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024.