Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 06:39 AM (GMT+7)
Đô thị gắn với tên những dòng sông
2024-02-13 16:20:29
Các thị tứ ở Nam bộ hình thành từ thế kỷ XVIII và dần dần phát triển thành các đô thị sầm uất về thương mại, dịch vụ gắn liền với những dòng sông: Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ, Cửu Long…
Những dòng sông đó có một vai trò rất quan trọng, vừa là thủy lộ cho các di dân từ miền ngoài tìm nơi định cư mới, vừa là hệ thống giao thương huyết mạch trao đổi hàng hoá.
Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (1820) cho biết, vào đầu thế kỷ 19 các trấn ở Nam Bộ đã là những trung tâm kinh tế sầm uất, cùng các thành là trung tâm hành chính. Nhà cửa, phố xá, bến chợ luôn được nhắc đến như một thành phần quan trọng của một trấn: “Trấn Phiên An trước thành có phố chợ, nhà cửa rất trù mật... tụ tập hàng trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ đi lại san sát. Phố Sài Gòn (Chợ Lớn) đường phố lớn, thẳng suốt ba đường giáp đến bến sông... đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái...Trấn Biên Hòa có phố lớn Nông Nại - cù lao Đại Phố, mái ngói tường vôi, lầu quán cao ngất, dòng sông rực rỡ, ánh nhật huy hoàng, liền nhau tới 5 dặm, chia làm ba đường phố, đường phố lớn lát đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, toàn thể đường bằng phẳng như đá mài. Kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội…Trấn Định Tường có chợ và phố lớn Mỹ Tho, mái ngói cột chạm phủ, đình cao, nha thự rộng, thuyền bè sông biển ra vào, buồm thuyền trông như mắc cửi, thật là nơi đô hội lớn phồn hoa huyên náo...”.
Tuy nhiên, trước đó rất lâu, các chúa Nguyễn với tầm nhìn xa rộng, từ năm 1679 đã cho phép người các đội tàu của người Hoa (Minh Hương) cập bến, khai phá các vùng đất ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền và sông Hậu.
Tiến sĩ sử học Lê Mạnh Hùng (Viện Đại học Luân Đôn) viết: “Đội quân của Dương Ngạn Địch theo cửa Tiểu tiến lên khai thác vùng Mỹ Tho, trong khi quân của Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ tiến lên khai thác vùng Bàn Lân (Chợ Lớn). Với việc định cư của những nhóm người Hoa này, vùng đất gia Định đã trở nên thịnh vượng hơn với hàng trăm thuyền buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Mã Lai và Tây phương đến buôn bán…”.
Khi thực dân Pháp thôn tính xong Nam kỳ, bắt đầu thời kỳ khai thác thuộc địa cho tập trung đào kinh, lập chợ, phát triển giao thương. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, tàu thủy đưa đò thoạt tiên đi về phía Thủ Dầu Một, Tây Ninh… lần hồi triển khai nhanh chóng với mạng lưới khá dày, dọc hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu, lên Phnôm Pênh, Biển Hồ và Hạ Lào. Ngoài việc đưa đón hành khách, dịch vụ quan trọng nhứt vẫn là chuyên chở nhanh chóng hàng tạp hoá, lính mã tà… Đây cũng là lúc người Pháp cho đào hàng loạt kinh rạch, đầu tiên là kinh Chợ Gạo (thay thế kinh Bảo Định) nhằm đưa lúa gạo từ miền Tây lên Chợ Lớn nhanh hơn. Đến năm 1885, hầu hết các thị tứ ở vùng xa xôi cũng đã cất xong nhà lồng chợ, cầu sắt, bến tàu, toà bố (thị chính), bưu điện… Rồi đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho hoàn thành, tuy ngắn nhưng là con đường sớm nhứt so với các nước vùng Đông Nam Á.
Thế kỷ 19, Sài Gòn - Gia Định đã trở thành một thương cảng lớn có vai trò kinh tế quan trọng ở khu vực. Năm 1899, Nam kỳ được Toàn quyền Đông Dương chia làm 20 tỉnh, trong đó có ba thành phố lớn là Sài Gòn, Chợ Lớn và Vũng Tàu. Toàn quyền Paul Domer nhận xét: “Mọi hoạt động của Nam kỳ đều đổ dồn về hai thành phố trung tâm gần như nối liền với nhau. Mặc dù tách biệt nhau về mặt hành chính, Sài Gòn và Chợ Lớn ngày càng gắn bó về mặt vật chất và trở thành một thành phố duy nhất”.
Như vậy, từ những bến - chợ đã hình thành các thị tứ rồi phát triển thành cảng và đô thị như Sài Gòn, cù lao Phố, Mỹ Tho, Ba Vát (Bến Tre), Hà Tiên, sau này có Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc… Giữa các tỉnh hầu như đều có ranh giới tự nhiên là những dòng sông. Có thể nói tính chất của đô thị Nam bộ là đô thị sông nước, người ta biết đến đô thị không chỉ là những thành trì, các công trình hành chính hay tôn giáo mà còn được biết đến vì những cảng thị nổi tiếng với sự phong phú của hàng hóa, giao lưu, trao đổi buôn bán trù mật, sự đông đúc, đa dạng của cư dân.
Ngày nay, tứ giác TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được định hình sẽ là vùng động lực phía Nam, một trong 4 vùng động lực quốc gia. Đây là vùng không chỉ có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế mà cũng là một trong những vùng được kỳ vọng sẽ có những sự bứt phá trong phát triển đô thị. Tứ giác kinh tế này là khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp, khu công nghệ cao. Với sự tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp, điều kiện thuận lợi để thu hút dân cư và hình thành các khu đô thị mới khi hàng loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối quan trọng đang được triển khai xây dựng như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường Vành đai 3 - TP.HCM, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… hoàn thành.
Đề xuất áp dụng Nghị quyết 98 cho vùng Đông Nam Bộ
Đông Nam Bộ có áp lực, có nguồn lực, song lại thiếu động lực. Theo các chuyên gia, cần sớm xây dựng quỹ tài chính cho vùng Đông Nam Bộ để vực dậy nền kinh tế cả vùng.