Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 05:35 AM (GMT+7)

"Dìa" miền Tây ăn bông

2024-02-15 09:49:13

Người miền Tây thiệt ngộ. Gặp bữa, trên bàn ăn của họ có đủ loại hoa lá. Lá hoa nấu món này món kia, lúc thì chiên khi thì xào, ăn sống nhúng lẩu một cách tự nhiên. Tưởng chừng như cây cỏ đơm hoa là để… nướng chiên xào nấu.

Đó là nhận xét của, không phải một mà là hầu hết, những người bạn của tôi khi mới làm quen với kiểu cách ăn uống ở miền Tây.

Người miền Tây không ai kêu ăn hoa mà phải là ăn bông. Hoa để trang trí phòng khách, chưng bàn thờ. Hoa vô bếp, thành món, kêu là bông. Bông bí, bông so đũa, bông điên điển… và đủ loại bông khác, đã gắn liền với nhiều món ăn, kiểu không có bông không thành món.

Nhớ nhiều năm trước, lần đầu tiên ăn bông lục bình xào tép ở Cồn Sơn (TP Cần Thơ). Bữa ăn là đoạn cuối của câu chuyện lan man về sản vật ruộng đồng, và chính những thôn nữ của cồn đã chống xuồng đưa tôi giăng lưới tép, hái bông lục bình. Câu chuyện kể và món bông lục bình xào đã làm tôi ngộ ra nhiều điều, không chỉ về hương vị mà còn là kiểu cách ăn uống của người miền Tây. Ăn bông (không phải ăn hoa) là cách ăn theo mùa một cách triệt để, thời thượng kêu bằng thuận thiên.

"Dìa" miền Tây ăn bông- Ảnh 1.

Hồng Đoan và món gỏi bông me. Ảnh: Đỗ Khuê

Có gì ăn nấy là câu cửa miệng khi bạn được mời về nhà ăn bữa cơm. "Có gì" ở đây là có gà vịt nuôi cả bầy, có cá tôm sẵn dưới ao, và rau trái thì quanh năm. "Có gì" là gặp trái ăn trái gặp bông ăn bông, kiểu gì cũng thành món, mà lại là món ngon nữa mới ngặt cho cái sự "có gì ăn nấy". Và tôi cho rằng tập quán ăn bông đã khởi đi từ chuyện này.

Đừng tưởng vậy là xuề xòa, dễ dãi. Ông bạn sành ăn ở Cần Thơ nói mùa nước nổi ăn bông điên điển, bông súng, còn giáp Tết so đũa ra bông phải hái nấu canh chua với tôm càng. Mà canh chua tôm thì rau thơm rắc lên tô canh phải là tần dày lá, nó mới tới.

Như trường hợp món phlia của những người bạn Khmer ở Thạnh Trị - Sóc Trăng, mỗi năm được ăn vài lần đúng mùa bần trổ bông. Phlia là món gỏi cá sặc, bóp giấm rồi trộn bông bần chấm prahok xào. Phi bông bần bất thành phlia.

Ăn lẩu mắm phải có cù nèo. Nhúng vừa chín tới, cù nèo mềm oặt, có vị nhân nhẩn hợp với mắm. Nhưng đã sành điệu thì phải gắp cọng cù nèo ra bông để hưởng cái ngon hoàn toàn khác.

"Dìa" miền Tây ăn bông- Ảnh 2.

Cơm sen lúa mùa nổi. Ảnh: Đỗ Khuê

Nụ bông thường có vị bùi. Đạt tới mức thượng thừa phải kể tới bông mỏ quạ, muốn ăn phải hẹn tháng mười. Mỏ quạ mọc bờ rào, đợi nước rút đơm bông rồi kết trái. Trước nay người ta quen hái lá mỏ quạ nấu canh, xào tỏi, chứ cả bông lẫn trái ít ai ăn. Người có công nâng bông mỏ quạ lên hàng mỹ vị là ông Bửu Việt, chủ quán Ven Sông - Cần Thơ.

Trong dịp tụ tập ăn bông này, màu vàng bông điên điển phô diễn sắc hương đủ các cung bậc. Khi thì e ấp ẩn hiện trong cuốn gỏi cuốn, lúc ngồn ngộn vàng rực món gỏi tép, rồi chợt lặng xuống, nhấn nhá, hững hờ cạnh nắm cơm lúa mùa nổi. Mùa nào bông nấy, qua tay đầu bếp thành món, bày ra bàn tiệc, để kể nhau nghe chuyện ăn bông xứ mình.

Chuyện ăn bông có cũ có mới, có quen có lạ. Tôi chú ý món gỏi bông me của cô đầu bếp trẻ Hồng Đoan khi nghe cô kể, rằng cô làm đầu bếp vì quá mê nấu ăn. Hồi nhỏ cô hay phụ đám tiệc ở quê, lớn lên học nghề bếp, rồi học tiếng Anh để giới thiệu món cô nấu cho những vị khách nước ngoài.

Gỏi bông me của Đoan nụ nhỏ, cánh cũng nhỏ, mảnh khảnh. Trộn với dưa leo, củ cải trắng, củ cải đỏ, xắt sợi rồi rưới chút sốt nước mắm, thêm vài miếng phi lê cá lóc chiên, là thành món. Một món ăn không thể đơn giản hơn, vậy mà khi bày ra lại được các đầu bếp thành danh chú ý.

"Em thích nấu món ăn theo mùa, từ rau trái trên bờ, tôm cá dưới sông, quê em. Bởi em lớn lên cũng nhờ con cá cọng rau đó", Hồng Đoan kể vậy.


Đỗ Khuê
Thấy màu điên điển nghiêng mình nhớ quê

Thấy màu điên điển nghiêng mình nhớ quê

Bông điên điển quá đỗi quen thân ở miền Nam. Đi vào tất tần tật thơ ca hò vè, điên điển những ngày chưa xa gây thương nhớ bởi mỗi năm chỉ theo về cùng mùa nước nổi.