Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 02:17 AM (GMT+7)
Đi tìm dinh dưỡng cho cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long
2023-08-09 13:31:00
Nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang dần tiếp cận được sản phẩm phân bón chất lượng; phù hợp với cây trồng, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nền nông nghiệp bền vững.
Sáng 9/8, tại Tiền Giang diễn ra Hội thảo “Giải pháp dinh dưỡng hiệu quả cho cây ăn trái vùng ĐBSCL”. Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về quản lý dinh dưỡng trên cây ăn trái một cách hiệu quả nhất. Góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân, tăng hiệu quả kinh tế, sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trịnh Công Minh - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay diện tích đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt 190.266 ha (chiếm 74,43% diện tích tự nhiên). Trong đó, vùng sản xuất cây ăn trái đặc sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu đạt 82.353ha; có 2.755ha cây ăn trái đạt chứng nhận VietGAP.
Theo ông Minh, để cây ăn trái phát triển tốt trong suốt giai đoạn sinh trưởng, phát triển và đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế thì việc cung cấp dinh dưỡng phù hợp cho cây là yếu tố then chốt.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đang tìm cách giới thiệu cho nông dân tiếp cận được sản phẩm phân bón chất lượng; phù hợp với cây trồng và sử dụng cân đối, hợp lý nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu.
“Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau thực hiện 12 mô hình thử nghiệm phân bón Cà Mau trên cây lúa, cây rau, thanh long, mít và đang tiếp tục thử nghiệm 10 mô hình.
Qua thử nghiệm, thực nghiệm, phân bón Cà Mau bước đầu đã đem lại kết quả khả quan, cây trồng cho năng suất và chất lượng sản phẩm ổn định”, ông Minh cho biết.
Giải pháp dinh dưỡng cho cây ăn trái vùng ĐBSCL được nhiều nông dân quan tâm. Ảnh: Quang Sung
Đánh giá hiệu quả của các mô hình trình diễn tại An Giang, bà Võ Thị Anh Tâm - Giám Đốc Trung Tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, cho biết tại các mô hình này, cây mít, thanh long hấp thụ dưỡng chất nhanh nhờ phân bón 1 màu Cà Mau có độ tan tốt. Qua đó giúp cây phục hồi sau thu hoạch nhanh và tăng số chồi mới trên cành sau bón phân, tăng tỷ lệ ra hoa và đậu quả.
“Những vườn này chống chịu tốt với thời tiết hạn mặn nhờ đó cây phát triển tốt hơn; lá to hơn và dày hơn, rễ cám phát triển nhanh hơn, trái to, màu sắc đẹp, chất lượng trái tốt hơn và tỷ lệ đạt trái loại 1 nhiều hơn so với đối chứng. Nhờ vậy nông dân tăng hiệu quả kinh tế và giảm giá thành đầu vào khi canh tác từ đó có thêm lợi nhuận”, bà Tâm đánh giá.
Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cây ăn trái. Do đó, cần chú trọng đến cân đối các dưỡng chất cho cây trồng trong từng giai đoạn, đồng thời bón phân cần phù hợp với từng loại đất.
GS.TS Vệ khuyến cáo, sau thu hoạch trái nên bón đạm (N) để thúc đẩy cây ra đọt sớm, mạnh và duy trì sự phát triển của lá. Thời điểm ra hoa nên bón phân lân (P) giúp hình thành nhiều hoa, tăng đậu trái; tối đa hóa hoạt động của rễ.
Sau khi đậu trái nên bổ sung Magie, lưu huỳnh (Mg,S) và vi lượng giúp giảm rụng trái non; duy trì chất lượng lá. Thời điểm trái phát triển cần bổ sung Kali (K) tối đa hóa khối lượng trái và mùi vị trái; Canxi (Ca) cải thiện chất lượng và giảm thiểu trái dị dạng.
Thông tin thêm tại hội thảo, ông Lâm Văn Thông – phó Trưởng Ban Dự án Sản phẩm mới và Giải pháp DVNN – Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau cho biết, NPK Cà Mau công nghệ polyphosphate có lượng đạm cao trên 20%, phù hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của nhiều loại cây và nhiều vùng thổ nhưỡng.
NPK Cà Mau polyphosphate được sản xuất trên nền urea hóa lỏng và dây chuyền hiện đại, công suất 300.000 bởi nhà bản quyền Espindesa (Tây Ban Nha). Từ chế biến tạo hạt đến đóng bao là một quy trình chi tiết hoàn chỉnh, đảm bảo độ mịn tan nhanh và không cô đặc, tạo yếu tố N cao và P hữu hiệu cao.
Hạt to tròn bóng láng dễ bảo quản và ít gây bụi khi sử dụng. Độ cứng cao, độ ẩm thấp rất dễ phối trộn và tan hoàn toàn sau khi bón không để lại cặn. Mỗi hạt NPK Cà Mau công nghệ polyphosphate khi vào đất sẽ giúp cây hấp thu dinh dưỡng nhanh chóng, trọn vẹn mà không kết tủa gây chua như nhiều loại NPK khác.
Giữa bốn bề vườn cây ăn trái, ruộng lúa, chàng trai trồng loài hoa bán bông, ngày nào cũng thu tiền triệu
02/07/2023 19:00Loại cây ăn trái tăng giá gấp đôi ở Hậu Giang, cứ 1 công đất trồng sầu riêng lãi ngay 130 triệu
18/04/2023 16:10Hơn 17ha vườn cây ăn trái bị ngập nước sau sự cố sạt lở đê bao ở Vĩnh Long
21/04/2023 20:35