Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 01:30 AM (GMT+7)

Đề xuất thêm cơ chế về quỹ đất, nguồn vốn... thu hút đầu tư, phát triển nhà ở xã hội

2024-03-22 16:40:00

Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa thực sự thu hút nhà đầu tư bởi những khó khăn về cơ chế, pháp lý quỹ đất, nguồn vốn...

Nhu cầu nhà ở của người lao động, công nhân... trong thời gian qua liên tục tăng. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở, nhà ở xã hội không đáp ứng nhu cầu khiến giá bán bất động sản leo thang. Để hạ nhiệt giá bán, nhiều chủ đầu tư đã tham gia vào phát triển một số dự án làm tăng nguồn cung, đặc biệt là nhà ở giá rẻ, giá bình dân và nhà ở xã hội. 

TS.Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết thị trường bất động sản hiện nay đang có nguồn cung tương đối thấp. Theo ông Đính, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân hiện nay còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. 

Có thể kể đến nhiều trở ngại như: Quỹ đất sạch còn khan hiếm; ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập; quy trình phê duyệt thủ tục còn nhiều hạn chế, trong đó thời gian chờ lên tới 2-3 năm...

Đề xuất thêm cơ chế về quỹ đất, nguồn vốn... thu hút đầu tư, phát triển nhà ở xã hội- Ảnh 1.

Nguồn cung nhà ở xã hội không đáp ứng nhu cầu người dân. Ảnh: Gia Linh.

Ngoài ra, một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp hiện đang thiếu vốn để phát triển dự án nhà ở xã hội. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên lãi suất vay vẫn con cao, chủ đầu tư đang bị khống chế lợi nhuận với mức 7-8%/năm ảnh hưởng tới khả năng trả lãi của người dân.

TS Nguyễn Văn Đính cho rằng để phát triển nhà ở xã hội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung vào 7 nhóm vấn đề chính từ mặt chính sách, nguồn vốn...

Cụ thể: Đầu tiên cần đẩy nhanh hơn tiến độ thực thi, ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, chậm nhất ngày 1/7/2024 giúp giải quyết, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, giảm khó khăn về quy trình thực hiện thủ tục dự án.

Thứ hai, có cơ chế hỗ trợ nguồn vốn riêng cho người mua nhà ở xã hội hoặc xây dựng quỹ hỗ trợ nhà ở với vai trò hỗ trợ chủ đạo là Nhà nước, không phải ngân hàng thương mại; nâng mức cho vay lên mức 500 – 700 triệu đối với tỉnh lẻ và 1 tỷ đối với thành phố trực thuộc trung ương.

Với các dự án đã được phê duyệt chủ đầu tư có thể được tự động tiếp cận nguồn vốn vay. Nên bỏ qua các quy trình về thẩm định, cho phép doanh nghiệp dùng phương pháp hậu kiểm, tự chịu trách nhiệm.

Thứ ba, đối với lãi suất cho vay, đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay xuống dưới 5% để phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn, đồng thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. 

Thứ tư, cần đẩy mạnh tạo quỹ đất sạch vì ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.

Thứ năm, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt dành cho dự án thương mại nếu chuyển đổi sang nhà ở xã hội, giống các chính sách những năm 2013, 2024 về đất, vốn và quy trình thủ tục.

Thứ sáu, các quy định về thẩm định, thẩm tra đối với giá bán, lợi nhuận và đối tượng mua nên chú trọng hậu kiểm và trách nhiệm hình sự. Chính phủ chỉ tạo ra quy định, các đối tượng tham gia phải thực thi đúng.

Thứ bảy, thay đổi quan điểm phát triển nhà ở xã hội với vai trò chủ đạo là Nhà nước (chủ trương, đất, vốn…) nhằm mục đích an sinh xã hội và điều tiết nhu cầu. Trường hợp cần hỗ trợ từ doanh nghiệp thì phải tạo điều kiện tối đa cho họ.

Gia Linh