Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 12:03 PM (GMT+7)

Đề nghị TP.HCM tăng mức trợ giá xe buýt điện sau 2 năm vận hành bị lỗ nặng

2024-05-09 13:10:48

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM vừa có báo cáo gửi UBND TP về tổng kết 2 năm thí điểm tuyến xe buýt điện VinBus. Đây là tuyến xe buýt có trợ giá hoạt động từ cuối tháng 2/2022.

Theo đó, sau 2 năm hoạt động, xe buýt điện của công ty Vinbus lỗ hơn 33 tỷ đồng do mức trợ giá quá thấp. Đơn vị này đề nghị TP.HCM tăng mức trợ giá từ 44,1% lên 64,8%.

Đến hết tháng 2/2024, tuyến xe buýt điện có trợ giá D4 đã đạt tỷ lệ 99,4% so với kế hoạch với gần 46.000 chuyến xe. Các chuyến xe không hoàn thành do ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm khiến xe không kịp về bến thực hiện chuyến tiếp theo.

Đến hết tháng 2/2024, tuyến xe buýt D4 vận chuyển gần 2 triệu lượt khách, bình quyền 3.200 lượt/ngày.

Hiện tuyến buýt D4 đang hoạt động với 11 phương tiện, có sức chứa 67 chỗ, được trang bị hiện đại, có thời gian hoạt động trễ nhất so với hệ thống xe buýt của TP, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách từ trung tâm TP.HCM với TP.Thủ Đức.

Đề nghị TP.HCM tăng mức trợ giá xe buýt điện sau 2 năm vận hành bị lỗ nặng   - Ảnh 1.

Tuyến xe buýt điện D4 đang hoạt động tại TP.HCM. Ảnh: T.Q

Trong năm 2023, tổng doanh thu của tuyến buýt D4 là 6,3 tỷ đồng, bình quân 164.000 đồng/chuyến.

Sở GTVT đánh giá, tuyến D4 là tuyến xe buýt điện đầu tiên trên địa bàn TP.HCM đem lại những tín hiệu tốt, khối lượng vận chuyển tăng dần, phục vụ tốt hành hành khách.

Tuy nhiên, trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho 5 tuyến xe buýt điện nhưng đến nay chỉ có 1 tuyến, còn 4 tuyến chưa thể triển khai do thiếu cơ sở hạ tầng như quỹ đất xây depot để làm văn phòng, nhà xưởng, bảo dưỡng xe, hệ thống trạm sạc, bãi đậu...

Theo Sở GTVT, mặc dù tuyến D4 có sản lượng khách tăng trưởng ổn định nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn phát sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lượng khách tăng trưởng không đạt như kỳ vọng, ảnh hưởng đến việc đầu tư các tuyến còn lại.

Sở GTVT cũng cho biết, hiện tỷ lệ trợ giá của tuyến D4 là 44,1% với mức hơn 300.000 đồng/chuyến trong khi chi phí vận hành là hơn 700.000 đồng/chuyến, dẫn đến phần doanh thu chưa đạt như kỳ vọng.

Trong năm 2023, tuyến D4 đạt 29,5 hành khách/chuyến, chỉ đạt 41,5% so với sản lượng tính trợ giá. Với tỷ lệ trợ giá như trên, Vinbus cho rằng tỷ lệ trợ giá cho tuyến D4 là quá thấp, chỉ bằng 2/3 so với tỷ lệ trợ giá của các tuyến xe buýt khác (64,8% - theo thống kê của Trung tâm quản lý giao thông công cộng) dẫn đến hoạt động thua lỗ, cụ thể năm 2022 lỗ 16,1 tỷ đồng, năm 2023 lỗ 17,5 tỷ đồng. Do đó, VinBus đề nghị tăng mức tỷ lệ trợ giá để tiếp tục phục vụ hành khách được tốt hơn.

Về vấn đề này, Sở GTVT đã đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương tiếp tục tổ chức 5 tuyến xe buýt điện của VinBus hoạt động thí điểm thêm 1 năm nữa và tăng tỷ lệ trợ giá lên 64,8% theo đơn giá đã được ban hành.

Văn Tứ
Trợ giá cho xe buýt điện phải chờ ý kiến của UBND TP.HCM

Trợ giá cho xe buýt điện phải chờ ý kiến của UBND TP.HCM

Trước thông tin có thể dừng hoạt động tuyến buýt điện D4, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, do trong giai đoạn thí điểm (chưa có định mức, đơn giá của xe buýt điện) nên các nội dung liên quan chi phí, kinh phí trợ giá phải được sự chấp thuận của UBND TP.