Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 05:34 AM (GMT+7)

Để Mekong, dòng sông Mẹ, trường tồn

2024-02-14 17:38:00

Mekong hùng vĩ, hệ thống sông ngòi lớn nhất Đông Nam Á, đã góp phần tạo nên miền Tây sông nước trù phú và hữu tình của Việt Nam. Bao đời qua, "dòng sông Mẹ" là mạch nguồn gắn kết nhiều chục triệu người dân sinh sống trong lưu vực Mekong, là nguồn nước, nguồn tài nguyên, và nguồn sống họ.

Người mẹ thiên nhiên này không phụ các con, là cư dân của lưu vực, nhưng chính con người đã từng làm Mekong hấp hối. Do đó, việc tăng cường hợp tác quốc tế để bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực trở thành nhiệm vụ cấp bách.

Dòng sông Mẹ

Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy qua lãnh thổ 6 nước Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Trong tiếng Lào và Thái Lan, Mekong nghĩa là "sông mẹ" vì được ví như người mẹ thiên nhiên vĩ đại cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, nông lâm nghiệp, thủy sản, phát triển các hệ sinh thái phong phú ở cả 6 nước. Theo Ủy hội Quốc tế sông Mekong (Mekong River Commission - MRC), Mekong là hệ thống sông cung cấp nguồn thủy sản nước ngọt lớn nhất thế giới. Phù sa, thủy sản và nông sản (lúa gạo, trái cây, rau…) trực tiếp từ Mekong hoặc được tưới nước từ hệ thống này giúp nuôi sống ít nhất 70 triệu người trong 4 nước hạ lưu. MRC ước tính tổng giá trị thủy sản do sông Mekong mang lại cho Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan hằng năm khoảng 11 tỷ USD.

Để Mekong, dòng sông Mẹ, trường tồn- Ảnh 1.

Phong cảnh miền Tây. Ảnh tư liệu.

Theo ước tính, cả hệ thống sông Mekong có trên 1.300 loài cá sinh sống và chế độ thủy văn theo mùa cung cấp môi trường và thức ăn cho tôm cá, gồm những loài cá khổng lồ, có con nặng vai trăm kg, như cá hô, cá tra dầu, các loài quý hiếm (như cá heo sông Mekong và cá đuối Mekong khổng lồ), cùng các loài động vật thuỷ sinh phong phú.

Những năm gần đây, rất nhiều tổ chức quốc tế đã phát hiện nhiều dấu hiệu hấp hối của Mekong vì người ta khai thác thủy điện quá mức ở Trung Quốc (không gọi tên Mekong mà gọi Lancang tức Lan Thương) và Lào, đất nước từng có biệt danh là "bình ắc-quy của Đông Nam Á". Xây dựng quá nhiều đập thủy điện trên sông Mekong cũng làm cạn kiệt nguồn thủy sản và giảm đáng kể tổng lượng phù sa của dòng sông Mẹ, mà hậu quả thường thấy ở Đồng bằng Sông Cửu Long (Việt Nam) những năm gần đây là hạn hán, nước biển xâm nhập rất sâu vào đất liền và sạt lở nhiều diện tích lớn dọc bờ sông.

Rất nhiều chương trình và sáng kiến được thực hiện bởi MRC, các nước phát triển, các tổ chức quốc tế và các cộng đồng địa phương. Hy vọng rằng đến năm 2030, thông qua những nỗ lực bền bỉ của các bên liên quan này, những giá trị vô cùng to lớn của "dòng sông Mẹ" sẽ được phục hồi và duy trì để có thể hy vọng Mekong sẽ không phải là một hệ thống sông hấp hối như rất nhiều dự báo quốc tế đã đưa ra.

Biểu tượng cho số phận sông Mekong

Con cá đuối khổng lồ được đặt tên Boramy (tiếng Khmer: trăng tròn) dài 4m và nặng 300kg được thả về sông Mekong ở tỉnh Stung Treng (Campuchia) vào tháng 6/2022 đã được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness công nhận là con cá nước ngọt lớn nhất thế giới vào giữa tháng 11/2023.

Để Mekong, dòng sông Mẹ, trường tồn- Ảnh 2.

Cá đuối nặng 300kg được đặt tên Boramy được thả trở lại sông Mekong vào tháng 6/2022 tại tỉnh Stung Treng (Campuchia). Ảnh: Wonders of the Mekong.

Buổi lễ để Guinness công bố được tổ chức tại tại Phnom Penh, thủ đô Campuchia, với sự tham gia của nhiều bên liên quan từ cộng đồng đến chính quyền địa phương và các tổ chức quốc tế, gồm Wonders of the Mekong (Kỳ quan của sông Mekong) – dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ để bảo tồn sự đa dạng sinh học của sông Mekong ở Campuchia. Qua đó, sông Mekong được xem là đang hồi sinh.

Tiến sĩ người Mỹ Zeb Hogan, nhà sinh vật học chuyên ngành cá tại đại học Nevada (Mỹ) và người đứng đầu Wonders of the Mekong, khẳng định cá đuối Mekong khổng lồ là loài đang đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng. Việc đưa nó trở lại tự nhiên cùng với việc gắn các thiết bị theo dõi giúp cung cấp nhiều thông tin hữu ích trong việc bảo tồn loài cá này. Nó cũng thể hiện sự phối hợp tuyệt vời trong việc bảo tồn thiên nhiên nhờ sự phối hợp từ nhiều phía như các cơ quan chính phủ, cộng đồng và các tổ chức quốc tế.

Để Mekong, dòng sông Mẹ, trường tồn- Ảnh 3.

Tiến sĩ Zeb Hogan (ở giữa) với cá đuối Boramy tại Campuchia. Ảnh: Đại học Nevada.

TS. Hogan chia sẻ: "Sự ghi nhận của Guinness và việc tìm ra loài cá phá kỷ lục giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đáng kinh ngạc của sông Mekong. Nó cũng giúp tạo thêm động lực cho những nỗ lực bảo tồn trong tương lai".

Kỷ lục cũ đã tồn tại trước đó gần 20 năm thuộc về một con cá tra dầu được đánh bắt ở miền bắc Thái Lan. Năm 2005, cá thể cá này được ghi nhận là con cá nước ngọt lớn nhất thế giới: nặng 293 kg, dài 2,7m.

Để Mekong, dòng sông Mẹ, trường tồn- Ảnh 4.

Con cá tra dầu nặng 293 kg, dài 2,7m bị đánh bắt ở miền bắc Thái Lan năm 2005. Ảnh: World Wild Fund

Ông Hogan tiết lộ vào tháng 6/2022: "Chúng tôi đang thực hiện nghiên cứu sâu trong lòng sông Mekong. Đó là một thế giới khác và hoàn toàn bí ẩn. Là một không gian tối đen như mực nhưng lại hết sức thú vị với những loài cá hiếm và lạ còn sót lại trên dòng Mekong như cá da trơn khổng lồ và cá đuối khổng lồ".

Chính tiến sĩ "cá" này (cách giới khoa học thế giới thân mật gọi ông) và các cộng sự tiếp tục hành trình nghiên cứu ở một số vùng đất ngập nước. Đây là nơi sinh sống của rất nhiều trong số hơn 1.000 loài cá của sông Mekong, gồm cá chép hai mặt kỳ dị, cá tra dầu khổng lồ và cá da trơn có sọc.

"Thách thức lớn nhất là các chuyến lặn sâu xuống đáy. Các khu vực sâu nhất thậm chí còn nằm dưới cả mực nước biển với khung cảnh tối đen và im lặng, đôi khi nước có thể che khuất tầm nhìn bởi các vật thể lơ lửng", ông Hogan nói.

Việc Chính phủ Campuchia tổ chức lại Lễ hội đua ghe quốc gia Rằm tháng 10 (nhằm ngày 26-28/11/2023) ở Phnom Penh lần đâu tiên sau 3 năm (2020 đến 2022) bị ngưng cũng cho thấy một phần sự trở lại bình thường của hệ thống sông Mekong. Rằm tháng 10 hằng năm là thời gian đánh dấu nước từ Biển Hồ (tỉnh Siem Reap) chảy xuôi về hướng biển sau 6 tháng nước từ dòng chính Mekong đổ ngược lên Biển Hồ trong mùa mưa.

Cá heo không chỉ ở biển

Sông Mekong còn là môi trường sống của một loài đặc biệt nữa là cá heo nước ngọt Irrawaddy, là động vật hữu nhũ không thở bằng mang như cá nhưng bị hiểu nhầm là cá. Hai tỉnh Campuchia có nhiều cá heo nhất là Stungtreng (nơi phát hiện cá đuối 300kg) và Kratié sát bên.

Để Mekong, dòng sông Mẹ, trường tồn- Ảnh 5.

Cầu Hữu Nghị Kratié-Sông Bé ở tỉnh Kratié, tên cầu ghi bằng tiếng Việt và tiếng Khmer. Ảnh: Tường Thụy

Tên Kratié được nhiều người Việt đọc là Cần Ché. Tỉnh lỵ của Kratié là thị xã Kratié nhỏ nhắn nép mình bên dòng Mekong, và cách thủ đô Phnom Penh hơn 300km phía đông bắc. Thị xã còn khá nhiều các khu nhà kiến trúc Pháp do người Pháp xây dựng trước đây. Khu vực sinh sống tấp nập nhất với rất nhiều hàng quán và khách sạn là khu chợ trung tâm hoặc con đường dọc "dòng sông Mẹ". Đúng là "nhất cận thị, nhị cận giang".

Để Mekong, dòng sông Mẹ, trường tồn- Ảnh 6.

Cảnh chụp sông Mekong, đoạn chảy qua tỉnh Kratié. Ảnh: Chhut Chheana.

Thả bộ chầm chậm trên con đường này khi chiều tà là thời gian lý tưởng để tận hưởng quang cảnh hoàng hôn. Hãy hình dung khung cảnh: gió từ sông thổi lên mát rượi, đường phố khá yên ắng chứ không ồn ào như các đô thị lớn ở Việt Nam, hoàng hôn có màu như một trái cam khổng lồ và đậm màu rơi xuống thật chậm. Khi mặt trời đã lặn phía xa xa, bầu trời hiện ra những một vệt sáng màu tim tím tiệp màu với các ngôi biệt thự xây thời thuộc địa Pháp, và cũng cùng tông màu với nhà sàn bằng gỗ truyền thống của người dân địa phương.

Đi theo chính con đường này hướng chính bắc sẽ thấy khá nhiều cù lao trải dài giữa sông. Sau chừng 15km từ trung tâm về hướng thượng nguồn là làng Kampie, nơi giữa sông Mekong rộng lớn kia có nhiều chỗ rất sâu, chính là nơi sinh sống của loài cá heo nước ngọt này.

Để Mekong, dòng sông Mẹ, trường tồn- Ảnh 7.

Khách du lịch thuê thuyền ngắm cá heo ở Kampie, tỉnh Kratié (Campuchia). Ảnh: Tường Thụy

Đa phần khách du lịch tìm đến Kratié là để tận mắt thấy những chú cá heo nước ngọt vì thấy cá heo đại dương là điều bình thường. Nhưng đa số lại không may mắn để thấy được chúng, vì những con "cá" thở bằng phổi này rất nhút nhát, chỉ trồi lên để lấy oxy khi cần thiết, xong rồi lặn mất tăm, mà thiên nhiên lại tạo cho màu da của chúng gần như tiệp với màu nước sông. Do vậy, ngồi trên thuyền đã tắt máy lênh đênh giữa sông hằng giờ để mong thấy được chúng là chỉ là câu chuyện may rủi dù ai cũng biết phải giữ im lặng để chúng khỏi nghe thấy âm thanh lạ.

Truyền thuyết ở Kampie kể rằng có cô gái ngoan hiền, nết na nhưng gia đình rất nghèo, một hôm cô vào miếu thờ trong rừng cầu xin có được một tấm chồng. Rắn thần nghe thấy liền nói hãy đưa rắn về làm chồng. Lễ cưới đã diễn ra. Đêm động phòng hoa chúc rắn hóa thành chàng trai khôi ngô tuấn tú. Từ đó trở đi chàng giúp gia đình vợ làm ăn khấm khá.

Có gia đình hàng xóm thấy vậy cũng vào rừng đưa một con rắn to về làm lễ cưới cho con gái. Đêm động phòng nghe con gái la: "Mẹ ơi! Nó đã nuốt đến chân con". Người mẹ bảo: "Không sao đâu, vậy là nó thương con đó"... Cho đến khi không nghe tiếng con la nữa cả nhà mở cửa phòng thấy rắn đã nuốt trọn cô gái vào bụng. Gia đình xấu hổ quá bèn khuân rắn ra bờ sông Mekong mổ bụng cứu con. Cô gái bị chất nhờn của rắn trơn tuột xuống dòng sông đang cuồn cuộn chảy và hóa thành cá heo và sống ở đó (nên đây là loài hữu nhũ).

Tường Thụy
3 địa danh Việt Nam lọt vào top 6 nơi thú vị nhất ven bờ Mekong

3 địa danh Việt Nam lọt vào top 6 nơi thú vị nhất ven bờ Mekong

Tờ The Sydney Morning Herard giới thiệu đến độc giả 6 điểm đến thú vị nhất ven bờ sông Mekong. Trong số này có 3 địa điểm ở Việt Nam gồm: chợ nổi Cái Bè, Sa Đéc và Tân Châu.