Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 12:21 PM (GMT+7)

Dân xếp hàng dài mua xăng, Bộ Công Thương và doanh nghiệp xăng dầu bị "truy" về tính trung thực kinh doanh

2022-11-13 08:54:00

Bộ Công Thương và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục bị Bộ Tài chính "truy" về các chi phí kinh doanh xăng dầu. Đây là lần thứ 3 liên tiếp trong quý III, Bộ Tài chính có yêu cầu nêu trên.

Yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu báo cáo trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật

Cụ thể, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khẩn trương báo cáo các chi phí gồm chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng.

Bộ Công Thương và doanh nghiệp đầu mối tiếp tục bị "truy" về chi phí kinh doanh xăng dầu - Ảnh 1.

Người dân phải chen chân, rồng rắn xếp hàng mua xăng, loại mặt hàng thiết yếu (Ảnh CTV)

Văn bản của Bộ Tài chính lưu ý doanh nghiệp về chi phí báo cáo là các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định... không bao gồm thuế giá trị gia tăng. Thời kỳ thu thập số liệu báo cáo từ 21-10 đến 14-11.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối xăng dầu gửi báo cáo chi phí nêu trên, có so sánh, đánh giá cụ thể về tính bất thường của đơn vị, kiến nghị, đề xuất về Bộ Tài chính trước 10h ngày 15-11.

"Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo trung thực, chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác, hợp lý, hợp lệ của các thông tin, số liệu báo cáo của mình", Bộ Tài chính nêu.

Ngày 8-11, dựa vào báo cáo số liệu về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam do 28 doanh nghiệp cung cấp, Bộ Tài chính đã tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cho một số mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 290 đồng/lít lên 640 đồng/lít, xăng RON95 tăng thêm 560 đồng/lít lên mức 1.280 đồng/lít.

Theo Bộ Tài chính, chi phí định mức này đã cao hơn chi phí nhập khẩu thực tế của các lô xăng dầu gần đây. Cụ thể, ngày 20/10, Petrolimex nhập một lô RON92 với chi phí 359 đồng/lít (định mức 640 đồng/lít); RON95 819 đồng/lít (định mức 1.280 đồng/lít).

Cụ thể, trong ngày 6/11, một lô xăng được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nhập về tới cảng có chi phí 458 đồng/lít xăng RON92 và 803 đồng/lít RON95, đều thấp hơn chi phí định mức Bộ Tài chính mới sửa đổi.

Trong Công văn 11575/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương - đơn vị chủ trì điều hành giá xăng dầu trong nước nghiên cứu áp dụng về việc chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết chỉ có 2/28 đơn vị có số liệu chứng minh chi phí kinh doanh xăng dầu tăng, còn lại các doanh nghiệp khác không có biến động, không có số liệu cụ thể…

Cụ thể, 2 đơn vị báo cáo số liệu tăng chi phí kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu.

Có hai đơn vị báo cáo chi phí tăng nhưng do sản lượng tăng nên chi phí bình quân vẫn giảm là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVoil), giảm 6 đồng/lít và Công ty Anh Phát, giảm 136 đồng/lít.

Còn lại, 21 đơn vị (75% số đơn vị doanh nghiệp xăng dầu) có gửi báo cáo cho Bộ Tài chính nhưng không có số liệu cụ thể về chi phí kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022.

Hiện tại Hà Nội, tình trạng cây xăng đóng cửa, báo hết xăng diễn ra ngày một nhiều hơn. Nhiều người dân Thủ đô phải chờ nửa tiếng, di chuyển qua nhiều cây xăng để đổ xăng đã trở nên phổ biến. Tình trạng bán giới hạn từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/ xe máy và dưới 500.000 đồng đối với ô tô đã diễn ra, khiến nhiều người dân cảm giác như bị đói mà không được ăn no, có tiền mà không mua được xăng như "thời bao cấp"

Ngày 12/11, trong Công điện số 1085/CĐ-TTg ngày 11/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu gửi Bộ trưởng các Bộ Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về công tác điều hành thị trường xăng dầu, đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương phải khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ ngày 12/11.

Trước đó, ngày 2/11, Bộ Tài chính đã công khai danh sách 10 đầu mối kinh doanh xăng dầu không gửi báo cáo chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.

Cụ thể là các công ty như Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương,

Công ty TNHH sản xuất thương mại Hưng Phát,

Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH MTV,

Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức,

Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P,

Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm,

Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam,

Công ty TNHH Trung Linh Phát,

Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh,

Công ty TNHH Xăng dầu Vĩnh Long Petro.

An Linh