Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 03:31 AM (GMT+7)

Cơn sốt gạo thế giới sẽ đi đến đâu?

2023-08-31 15:50:00

Dù Ấn Độ ngày 29/8 đã cho phép xuất khẩu các chuyến hàng gạo trắng không phải loại basmati đang kẹt ở các cảng, vì lệnh cấm xuất trước đó, nhưng cơn sốt gạo trên thị trường thế giới vẫn chưa hạ nhiệt.

Trước đó, theo Tổng cục Ngoại thương (Bộ Thương mại Ấn Độ), ngày 20/7, Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không thuộc giống basmati, là loại gạo được tiêu thụ rộng rãi. Vì vậy, nhiều chuyến hàng gạo này bị kẹt tại các cảng và các công ty xuất khẩu sẽ lỗ nặng, nếu không giao hàng được.

Theo ông Prem Garg, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, động thái mới của Ấn Độ sẽ giúp khoảng 150.000 tấn gạo trắng không phải basmati được xuất khẩu từ nhiều cảng. 

Cơn sốt gạo thế giới sẽ đến đâu? - Ảnh 1.

Cơn sốt gạo thế giới sẽ đến đâu? Ảnh: Hồng Phúc

"Việc Ấn Độ cho phép thực hiện các chuyến hàng xuất khẩu gạo trắng ấy không những có lợi cho các nhà cung cấp trong nước, mà còn giúp người tiêu dùng ở các nước khác đang cần lương thực. Phần lớn số hàng đang kẹt sẽ được xuất sang các nước Đông Phi và Tây Phi".

Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, theo sau là Thái Lan và Việt Nam. Vì vậy, lệnh cấm xuất khẩu gạo trong tháng 7 của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường thế giới, trong tình cảnh hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino đang hoành hành ở nhiều khu vực trên trái đất.

Nguồn cung lương thực toàn cầu có nguy cơn bị gián đoạn trong thời gian tới, vì trong tháng 9, El Nino đang mạnh lên ở châu Á, và lượng mưa trong tháng được dự báo giảm.

Cơn sốt gạo thế giới sẽ đi đến đâu? - Ảnh 2.

Giá gạo bán lẻ tại thị trường Việt Nam cũng liên tục đi lên suốt hơn tháng qua theo cơn sốt giá gạo thế giới. Ảnh: Hồng Phúc

Ngày 30/8, Reuters trích lời các nhà khí tượng học và giới phân tích thị trường, nói rằng dự báo sản lượng lúa mì đang được điều chỉnh hạ xuống, do thời tiết khô hạn ở Úc (nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới) và lượng mưa thấp kỷ lục dự kiến sẽ làm giảm sản lượng nông sản của thế giới, bao gồm gạo ở Ấn Độ.

Trong khi đó, lượng mưa thấp ở Đông Nam Á có thể làm giảm nguồn cung dầu cọ, là dầu thực vật được sử dụng rộng rãi nhất thế giới, trong khi thời tiết khắc nghiệt tại Trung Quốc – thị trường nhập khẩu ngô và đậu nành hàng đầu – cũng đang làm tăng nguy cơ không đủ lương thực trên thế giới.

Chris Hyde, nhà khí tượng học tại trung tâm phân tích dữ liệu khí hậu Maxar Technologies (Mỹ), cho biết: “Chúng ta đang phải chịu thời tiết kiểu El Nino toàn phần ở một số nơi trên thế giới và nó còn mạnh lên vào cuối năm nay. Các kiểu thời tiết ở châu Á đang diễn biến theo El Nino khô hạn”.

Cơn sốt gạo thế giới sẽ đến đâu? - Ảnh 2.

Giá gạo được dự báo sẽ tiếp tục tăng vì Myanmar (nước xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới) quyết định hạn chế xuất khẩu gạo trắng từ ngày 1/9/2023.

Về Đông Nam Á, Hyde cho biết: “Các vùng phía đông của Indonesia và phần lớn Thái Lan có rất ít mưa trong 30 đến 40 ngày qua. Ở những khu vực này, lượng mưa ở mức trung bình từ 50% đến 70%. Phần lớn tháng 9 sẽ có lượng mưa thấp hơn mức bình thường ở Thái Lan và Indonesia”.

Trên thị trường xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ngày 30/8, giá gạo Việt Nam 5% tấm xuất khẩu ở mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn. Giá xuất khẩu của Thái Lan (cùng loại) lần lượt là 630 USD và 563 USD, đều thấp hơn gạo Việt Nam.

Giá xuất khẩu gạo được dự báo sẽ tiếp tục tăng vì Myanmar - nước xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới, quyết định hạn chế xuất khẩu gạo trắng từ ngày 1/9/2023. Lệnh hạn chế sẽ kéo dài từ 45 đến 60 ngày, đến khi Chính phủ Myanmar cảm thấy đảm bảo được an ninh lương thực nội địa - lý do cũng tương tự như quyết định dừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ ngày 20/7. 

Tường Nguyên
Lật tẩy chiêu đẩy giá lúa, gạo của thương lái

Lật tẩy chiêu đẩy giá lúa, gạo của thương lái

Giá lúa gạo trong nước tăng vọt, vượt xa giá xuất khẩu khiến các doanh nghiệp lâm vào thế khó, phải ngưng thu mua lẫn xuất khẩu.