Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 04:58 AM (GMT+7)

Có rủi ro hay không khi đầu tư trái phiếu “ông trùm khu công nghiệp” Bình Dương?

2023-06-29 10:23:00

Phát hành trái phiếu trong tình trạng cơ cấu nợ cao, dòng tiền kinh doanh âm,… là những vấn đề nhà đầu tư nên quan tâm khi đánh giá rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của “ông lớn” Becamex IDC.

Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC - HoSE: BCM) vừa công bố thông tin bất thường về việc hủy kế hoạch phát hành trái phiếu, với tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng.

Sau đó, Becamex lại ban hành nghị quyết về việc phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng trái phiếu, với mức lãi suất phù hợp, nhờ diễn biến lãi suất thị trường thuận lợi.

Có rủi ro hay không khi đầu tư trái phiếu “ông trùm khu công nghiệp” Bình Dương ? - Ảnh 1.

Becamex lên kế hoạch phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng trái phiếu. Ảnh: BCM

Becamex IDC chi hơn 5,2 tỷ đồng trả lãi vay mỗi ngày

Nhìn vào "sức khỏe" kinh doanh của Becamex những năm trở lại đây, có thể thấy doanh nghiệp này đang ngày càng đi lùi. 

Cụ thể, nếu năm 2018, lợi nhuận ròng doanh nghiệp ghi nhận lên tới gần 2.400 tỷ đồng thì bước sang năm 2019, lợi nhuận chỉ còn dưới 800 tỷ đồng.

Hai năm sau đó, kết quả kinh doanh của Becamex phục hồi trở lại, với khoản lãi ròng đạt từ 1.400- 1.700 tỷ đồng.

Đến năm 2022, Becamex ghi nhận tổng doanh thu 7.945 tỷ đồng, đạt 82% so với kế hoạch và lợi nhuận sau thuế 1.714 tỷ đồng, đạt 59% so với kế hoạch năm.

Tuy nhiên, bước sang quý 1/2023, kết quả kinh doanh của Becamex sụt giảm mạnh. Cụ thể, DN ghi nhận doanh thu quý I đạt 791,4 tỷ đồng, giảm 44,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm đến 81% cùng kỳ, chỉ đạt 74,4 tỷ đồng, trong bối cảnh chi phí vốn cao và lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết giảm.  Biên lợi nhuận gộp giảm từ 57,3% về mức 51,4%.

Cơ cấu cổ đông Becamex quá cô đặc

Trong cơ cấu sở hữu, UBND tỉnh Bình Dương hiện nắm tới 95,44% khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của Becamex - tương đương 988 triệu cổ phiếu. Chỉ 47 triệu cổ phiếu trôi nổi được sở hữu bởi những cổ đông còn lại.

Đặc biệt, trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, khoản tiền trả lãi vay trong kỳ của doanh nghiệp này lên tới 469 tỷ đồng, tương ứng với việc mỗi ngày Becamex phải bỏ ra 5,2 tỷ đồng để trả lãi vay.

Nợ vay lớn, dòng tiền âm,… nhà đầu tư cân nhắc mua trái phiếu

Cũng theo báo cáo tài chính của Becamex trong quý I/2023, công ty hiện có tổng tài sản hơn 48.600 tỷ đồng, bao gồm 21.355 tỷ giá trị hàng tồn kho. Tuy nhiên, cần lưu ý khoản hàng tồn kho này phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (19.000 tỷ đồng) và hơn 2.200 tỷ đồng tồn kho hàng hóa. Lượng tồn kho thành phẩm chỉ chưa đầy 12 tỷ đồng.

Song song đó, Becamex cũng có  5.600 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn và 840 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn.

Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu của Becamex ở mức 17.962 tỷ đồng (gồm 5.200 tỷ đồng lãi ròng chưa phân phối); trong khi khoản nợ phải trả ở mức 30.600 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Trong đó, vay ngắn hạn là 5.639 tỷ đồng và vay dài hạn là 10.849 tỷ đồng. Rõ ràng, với khoản tiền mặt chỉ 840 tỷ đồng (đến hết quý I/2023), cho thấy áp lực cơ cấu nợ của Becamex là không hề nhỏ.

Tính đến cuối quý I, công ty này có dư nợ trái phiếu dài hạn ở mức 8.964,6 tỷ đồng. Những trái chủ lớn có thể kể đến như Công ty CP Chứng khoán Navibank, nắm giữ 3.225 tỷ đồng, Công ty CP Chứng khoán SmartInvest nắm giữ 1.070 tỷ đồng, Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential nắm 800 tỷ đồng, BIDV chi nhánh Bình Dương nắm 960 tỷ đồng.

Thêm nữa, trong quý đầu năm 2023, dòng tiền kinh doanh chính ghi nhận âm 1.237,9 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 1.695,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 7,6 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 595,8 tỷ đồng.

Với cơ cấu nợ khủng, dòng tiền âm… nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi đầu tư vào lượng trái phiếu của Becamex.

Quốc Hải