Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 03:33 AM (GMT+7)
Chế biến trái điều tươi thành nhiều sản phẩm tốt cho người và vật nuôi thay vì vứt bỏ
2023-05-07 19:03:00
Nhờ công nghệ chế biến, trái điều có thể làm ra nhiều sản phẩm dinh dưỡng, tốt cho người dùng; cũng có thể làm thức ăn cho gia súc thay vì đổ bỏ hoặc chỉ dùng một phần làm phân bón.
Trái điều tươi được tận dụng sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường, và nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng điều.
Trái điều làm thực phẩm cho người
Trung tâm Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước) đang phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) thực hiện dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng từ thịt trái điều.
Th.S Đào Tấn Phát, Trường đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, trái điều là loại thực phẩm dễ tiêu hóa, thơm ngọt, chứa nhiều nước, giàu chất khoáng và các vitamin. Trong đó, hàm lượng vitamin C cao gấp 5-6 lần trái chanh, 7-8 lần so với quýt, bưởi và gấp nhiều lần so với chuối.
Tuy nhiên, trái điều lâu nay chưa được tận dụng nhiều vì chất gây chát trong quả tươi. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đang kết hợp với Trung tâm Trung tâm Khoa học và Công nghệ của Bình Phước để loại bỏ chất gây chát này.
Đồng thời, nhóm nghiên cứu xây dựng mô hình và thiết bị phù hợp để chế biến trái điều tươi thành các sản phẩm mứt điều sấy dẻo, bột điều hòa tan, và nước uống trái điều.
Th.S Đặng Văn Hà, phụ trách Phòng nghiên cứu ứng dụng của Trung tâm Trung tâm Khoa học và Công nghệ Bình Phước cho biết, dịch chiết từ trái điều có thể sấy thành bột dinh dưỡng.
Bột dinh dưỡng này để làm ra các sản phẩm như trà hòa tan, các loại nước giải khát. Bột điều có ưu điểm là dễ sử dụng, dễ vận chuyển và tăng thời gian bảo quản từ 6-8 tháng.
Hiện nay, các sản phẩm từ phòng thí nghiệm đã cơ bản hoàn thiện. Sản phẩm giữ được vị chua, chát nhẹ và mùi hương đặc trưng của trái điều. Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ chế biến trên quy mô lớn.
Điều là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Phước. Theo những người trồng điều, nếu 1 ha điều cho thu hoạch trung bình khoảng 2 tấn hạt sẽ có khoảng 6-7 tấn trái tươi.
"Vì thế, việc nghiên cứu quy trình sơ chế, bảo quản cũng như phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm từ trái điều sẽ nâng cao giá trị cho ngành điều", Th.S Hà chia sẻ.
Trái điều làm thức ăn cho gia súc
TS. Đoàn Vĩnh, Phân viện chăn nuôi Nam Bộ cho biết, trái điều sau khi lấy hạt, thường loại bỏ phần thịt trái. Việc tận dụng trái điều sau thu hoạch vừa tăng nguồn thức ăn cho gia súc trong những tháng mùa khô, vừa tăng hàm lượng dinh dưỡng cho vật nuôi, cụ thể là nuôi bò.
Tuy nhiên, quả điều tươi đem cho bò ăn trực tiếp sẽ không tốt. Trái điều để lâu bên ngoài sẽ lên men rượu, dễ thối rữa, khó bảo quản. Khi đã lên men, bò ăn vào dễ bị ngộ độc methanol.
Vì thế, Phân viện chăn nuôi Nam Bộ đã nghiên cứu bảo quản trái điều để bò ăn được lâu dài mà vẫn giữ được hàm lượng dinh dưỡng, nhất là lượng đường.
Phân viện dùng trái điều làm nguyên liệu chính, phối trộn với rơm, bã cây bắp, xác khoai mì đem ủ lên men. Thức ăn lên men sẽ thay thế một phần thức ăn thô xanh trong khẩu phần.
Với phương pháp này, gia súc không chỉ ăn thức ăn đơn mà thức ăn phối trộn với hàm lượng chất sơ, protein, đường và các vitamin cao giúp cân đối dinh dưỡng, gia súc tăng trọng nhanh trong chu kỳ nuôi.
Cây điều bắt đầu thu hoạch trong mùa khô. TS. Đoàn Vĩnh cho biết, việc bảo quản trái điều để làm thức ăn chăn nuôi phù hợp với những khu vực khô hạn, hoặc những thời điểm nắng nóng kéo dài.
Bình Phước: Để trái điều thật sự là “trái điều vàng”
Bình Phước là thủ phủ cây điều của Việt Nam, cùng với cây cao su là hai loại cây trồng chủ lực, là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Song, có một thực tế, trong khi thu hoạch trái điều, người ta chỉ lấy hạt, còn lại quả điều bị vứt bỏ như phế phẩm.