Thứ Bảy, ngày 18/01/2025 10:42 AM (GMT+7)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Sớm "đoạn tuyệt" xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc
2023-12-10 07:44:00
"Đề nghị các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát, quy hoạch lại vùng nuôi trồng, tổ chức lại sản xuất, chế biến theo các đề án xuất khẩu chính ngạch. Cần hạn chế và đi tới "đoạn tuyệt" với hình thức sản xuất, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch", ông Diên nói.
Cả nước có 70 cửa khẩu nhưng số cửa khẩu khai thác hiệu quả còn ít
Ngày 9/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại các tỉnh biên giới phía Bắc với Trung Quốc, để đánh giá tình hình nguyên nhân, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng biên và đánh giá tình hình triển khai hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc có chung đường biên giới.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhiều bộ ngành, địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc, các doanh nghiệp Hiệp hội.
Bộ Công Thương cho biết, theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 57,7 tỷ USD, tăng 3,18%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 117,8 tỷ USD, tăng 6,63%; nhập siêu ở mức 60,1 tỷ USD, tăng 10,18%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD, giảm 5,88% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 49,5 tỷ USD (chiếm 17% giá trị xuất khẩu của Việt Nam), tăng 5,13%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 89,3 tỷ USD (chiếm 33,4% giá trị nhập khẩu của Việt Nam), giảm 11%. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 39,7 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản... và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng..., cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Đề cập đến một số khó khăn tại hội nghị, đại diện UBND tỉnh Lào Cai hiện có khó khăn trong việc việc kiểm định, kiểm nghiệm và truy xuất nguồn gốc bao bì, nhãn mác, giấy chứng nhận đối với nông sản và thực phẩm khi nhập khẩu vào Trung Quốc.
"Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai chỉ có cửa khẩu quốc tế đường bộ là được xuất khẩu thì trái cây sang với Trung Quốc, trong khi đó cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu đã được đầu tư kết cấu hạ tầng tốt nhưng chỉ vận chuyển được hơn 1.000 tấn hàng hóa trên một ngày và chưa được vận chuyển hoa quả", đại diện tỉnh Lào Cai nêu.
Theo đó, đại diện Lào Cai đề nghị Chính phủ hai nước đẩy nhanh việc ký Hiệp định và Nghị định thư về xây dựng cầu đường bộ. Đề nghị Bộ giao thông vẫn tải đẩy nhanh kết nối tuyến đường sắt từ ga đường sắt Lào Cai đến cột đường sắt 1435 và Chính phủ sớm triển khai tuyến đường sắt đến cột tiêu chuẩn 1435 từ Hải Phòng, Lào Cai kết nối với tuyến đường sắt côn minh của Trung Quốc.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, đặc biệt là giữa các địa phương của hai nước có chung đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu.
"Chúng ta có hơn 70 cửa khẩu nhưng số cửa khẩu khai thác hiệu quả còn ít. Lượng hàng thông quan sang bên kia biên giới chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và khả năng cung ứng hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là của các tỉnh khu vực phía Bắc", ông Diên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Công Thương, hiện xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam chủ yếu vẫn là theo đường tiểu ngạch, số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định dẫn đến hiệu quả không cao, không bền vững.
Sớm "đoạn tuyệt" với xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc
Bên cạnh đó, hạ tầng biên giới còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là hạ tầng thương mại biên giới còn rất thiếu và yếu; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại như thể chế của hai bên còn những điểm khác nhau; hạn chế về việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động ở các cửa khẩu. Các cửa khẩu chính hay cửa khẩu phụ vẫn hoạt động theo lối truyền thống.
Bộ trưởng Công Thương đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của lãnh đạo các cơ quan hai nước về hợp tác toàn diện, hiệu quả, nhất là trong vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư. Cần xác định Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, một thị trường tiêu thụ lớn cũng là thị trường cung ứng phần lớn các nguyên liệu cho các ngành sản xuất để xuất khẩu. Vì vậy, cần chủ động tháo gỡ những khó khăn trong phạm vi thẩm quyền và phải kịp thời kiến nghị những giải pháp khắc phục kịp thời.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương đánh giá, tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với Trung Quốc nói chung, hợp tác kinh tế thương mại khu vực biên giới nói riêng để mỗi ngành, mỗi địa phương tìm ra nguyên nhân, giải pháp thiết thực, tích cực và khả thi để thực hiện bằng được mục tiêu thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc.
Tư lệnh ngành Công Thương đề nghị các địa phương tập trung hoàn thiện quy hoạch hạ tầng kinh tế thương mại thuộc biên giới, kể cả hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại số, đồng bộ hoá hệ thống giao thông trong các quy hoạch vùng.
Để khắc phục tình trạng ùn ứ cửa khẩu, xuất khẩu giá trị thấp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát, quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất, chế biến theo các đề án xuất khẩu chính ngạch.
"Cần hạn chế và đi tới 'đoạn tuyệt' với hình thức sản xuất, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch", ông Diên đề nghị.
Để làm việc này, ông Diên đề nghị đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, đồng thời chú trọng phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và tăng cường tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm của các địa phương phía Trung Quốc ở vùng biên.
Ông Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tăng cường đàm phán nhằm sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch động thực vật cho nông sản có thế mạnh của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng việc sớm ký kết Nghị định nói trên sẽ thúc đẩy nhanh việc cấp mới mã số nhập khẩu những hàng nông sản của Việt Nam có thế mạnh. Ông Diên cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu Chính phủ cho chủ trương để sớm sửa đổi Nghị định 14 năm 2018 về phát triển thương mại biên giới cho phù hợp với yêu cầu hiện nay.
Tags:
Nhóm người khuyết tật biến giấy vụn thành thiệp Noel độc đáo, xuất khẩu cả "trời Tây"
Nhóm người khuyết tật đã sử dụng đôi tay khéo léo của mình để biến giấy vụn trở thành những tác phẩm thiệp, tranh giấy xoắn độc đáo. Sắp đến Noel, họ đã tạo ra các tấm thiệp Giáng sinh đẹp mắt, sinh động, phục vụ trong nước lẫn xuất khẩu nước ngoài.