Thứ Năm, ngày 16/01/2025 11:12 PM (GMT+7)

Bềnh bồng thương cảng miệt vườn

2024-02-15 09:09:08

Gần 200 năm đầu khi người Việt tới khai khẩn cho đến giữa thế kỷ 19, việc đi lại trên vùng châu thổ Cửu Long chủ yếu dựa vào đường thủy, từ đó con người cũng chọn các triền sông làm nơi định cư.

Do đặc điểm thành tạo, đất ven sông Tiền, sông Hậu cùng các chi lưu khá cao ráo, thích hợp để lập vườn. Miệt vườn Nam bộ ra đời từ đây, trở thành vùng trồng cây ăn trái lớn nhứt quốc gia.

Khi nông phẩm sản xuất ra vượt khỏi nhu cầu tự cung cấp, thành hàng hóa cần trao đổi, nghề mua bán theo sông nước cũng sinh ra, người làm nghề nầy được gọi là "dân thương hồ". Khi công việc mua bán trở nên qui mô, xuất hiện những nhà buôn có vốn lớn, có kho trữ hàng, gọi là "dân chành vựa". Đến giai đoạn nầy, những địa chỉ mua bán đã có sự kết hợp trên bờ và dưới bến.

Bềnh bồng thương cảng miệt vườn- Ảnh 1.

Chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) là nơi giao thương buôn bán, hàng hóa tụ về rồi được thương lái đưa đi khắp các tỉnh miền Tây. Ảnh: Văn Ngọc Nhuần

Dựa vào nguồn nông sản chính của từng vùng, đồng thời xem xét yếu tố thuận tiện về giao thông thủy, đây là cách truy nguyên nguồn gốc ra đời của chợ nổi được đa số ý kiến cho là hợp lý. Hàng hóa nhiều nhứt bán tại các chợ nổi xưa nay vẫn là trái cây và rau củ. Đây chính là những hàng hóa sinh ra từ miệt vườn. Đặc điểm của loại hàng hóa này là thu hoạch theo vụ, số lượng rất lớn, bảo quản lâu là không thể hay rất tốn kém, vì thời đó chưa có công nghệ làm lạnh hay chế biến đóng hộp. Do vậy, các hàng hóa nầy cần bán nhanh để tránh hư hỏng.

Chợ nổi ra đời là để đáp ứng nhu cầu nầy. Cho tới bây giờ, cứ đi đến các chợ nổi và nhìn lên những thứ hàng mà các ghe thương hồ treo trên những "cây bẹo" để tiếp thị, ta sẽ thấy ngay đây là những chợ chuyên bán các loại nông sản miệt vườn.

Xem xét quá trình hình thành các chợ nổi miền Tây thì thấy, toàn bộ những chợ nổi ra đời sớm đều sinh ra từ miệt vườn như chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Trà Ôn, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, chợ nổi Long Xuyên… Ban đầu vào mùa thu hoạch, người miệt vườn đem sản phẩm xuống bến sông để bán cho khách thương hồ, dần dần thu hút người bán lẻ khắp nơi đến mua để mang đi bán dạo theo sông nước. Tất nhiên những miệt vườn này phải là điểm chốt giao thông để có thể từ đây đi đến được nhiều nơi, đến được với những chợ trung tâm của cả miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Những chợ nổi xuất hiện sau hơn về phía bán đảo Cà Mau như chợ nổi Phụng Hiệp, chợ nổi Ngã Năm, hay chợ nổi Cà Mau… dù không tại miệt vườn, nhưng nó cũng là những chợ miệt vườn nối dài xuống vùng đất mới còn bị ảnh hưởng nước mặn. Sự nối dài nầy đem đến cơ hội cung cấp ngược lại các thứ hàng hóa của miệt đồng, miệt biển, miệt rừng cho các ngôi chợ nổi, biến chúng thành những trung tâm thương mại của cả vùng. Cho nên, sẽ không sợ sai khi nói rằng các chợ nổi chính là những thương cảng đầu tiên của miệt vườn Nam bộ.

Bềnh bồng thương cảng miệt vườn- Ảnh 2.

Xuân về trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Văn Ngọc Nhuần

Trong hơn chục ngôi chợ nổi miền Tây thì chợ nổi Cái Bè có tuổi đời cao nhứt. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết, chợ nổi Cái Bè đã hình thành một cách tự phát vào khoảng cuối thế kỷ 18. Đến đầu thời Tự Đức, nơi này đã là một địa chỉ giao thương sầm uất. Thời đó, hàng hóa buôn bán là các loại trái cây được bán theo mùa, thường được đặt trên những bè tre, bè chuối để các ghe thương hồ cặp vào chọn lựa. Địa danh Cái Bè cũng sinh ra từ đây. Cái là sông, sông lớn, sông cái. Chủ các bè ban đầu cũng chính là chủ các vườn trái cây trên bờ, vì đây cũng là miệt vườn hình thành sớm và trù mật nhứt của vùng sông nước Cửu Long.

Dù không phổ biến, nhưng chợ nổi không chỉ có ở nước ta mà còn thấy vài nơi ở châu Á như chợ nổi Damnoen Saduak của Thái Lan, chợ nổi hồ Srinagar của Ấn Độ, chợ nổi hồ Inle của Myanmar, chợ nổi Lok Baintan của Indonesia... 

Có thể nói, số lượng chợ nổi ở Việt Nam là nhiều nhứt. Những chợ nổi ở các nước nói trên, dù ngày nay vẫn còn, nhưng hoạt động của nó đã mang tính chất bảo tồn văn hóa, là sản phẩm của ngành kinh tế du lịch, cách họp chợ nhìn lướt qua cũng thấy rõ nét "biểu diễn", việc mua bán hàng hóa rất ít cần thiết cho dân sinh, chủ yếu chỉ để thu hút du khách.

Chợ nổi miền Tây thì khác, nó đang tồn tại một cách thiết thực với nhu cầu dân sinh. Việc họp chợ, mua bán hàng hóa là một mắc xích không thể thiếu trong cuộc mưu sinh hằng ngày của người dân bản địa. Mặc dù hơn chục năm trở lại đây, nhiều chợ nổi miền Tây có được ngành du lịch đưa du khách tới. Nhưng đây chỉ là sự "ghé vào", nhờ cậy vào cái có sẵn mà thôi. Ví như không hề có du khách, thì hơn chục chợ nổi sầm uất ở đây vẫn cứ họp ngày ngày, vẫn mua bán 24/24 giờ, ghe thương hồ vẫn tấp nập đến và đi, ít nhứt cũng có cả triệu người dân nhờ vào các chợ nổi này mà mưu sinh, thậm chí làm giàu. Không ít ý kiến cho rằng, vì "chất thật" này mà các chợ nổi của đồng bằng sông Cửu Long trở nên hấp dẫn du khách.

Khi chợ nổi trở thành những trung tâm mua bán thì các loại dịch vụ để phục vụ cho nhu cầu của con người tại chợ cũng nở rộ, nhứt là dịch vụ ăn uống. Vì chợ mua bán trên sông nên các "cửa hàng ăn uống" cũng phải đặt trên ghe xuồng để di chuyển đến những nơi khách hàng có yêu cầu. Được thưởng thức những món ăn đặc sản Nam bộ từ các cửa hàng nổi trên cảnh quan sông nước lênh đênh, đã trở thành một trải nghiệm kỳ thú, khó quên, một ấn tượng văn hóa đậm nét với mọi du khách.


Nguyễn Kim Oanh
Nguồn cảm xúc bất tận cho phim ảnh Việt

Nguồn cảm xúc bất tận cho phim ảnh Việt

Những bến đò bên sông, cánh đồng lúa ngút ngàn, đàn cò bay thẳng tắp và vườn cây trĩu quả… Bức tranh thiên nhiên và cuộc sống dân dã của những con người miệt vườn sông nước Nam bộ chưa bao giờ hết cảm xúc trong giới làm phim ảnh Việt.