Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 03:12 AM (GMT+7)
Bất động sản gặp khó, nhà đầu tư săn đón dự án hoàn thiện pháp lý
2023-02-26 15:28:00
Khi dòng tiền đầu tư trở nên khó khăn hơn, các nhà đầu tư sẽ cực kỳ thận trọng để giải quyết bài toán ở thực hoặc sinh lời an toàn. Vì vậy, các dự án hoàn thiện pháp lý sẽ là lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư để tránh rủi ro.
Nhà đầu tư bất động sản chọn "ăn chắc mặc bền"
Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn vì thiếu hụt dòng tiền, những đợt sóng bất động sản "mì ăn liền" đã qua khi cơn sốt đất đã trầm lắng, các nhà đầu tư dần quay về với những bất động sản dạng "ăn chắc mặc bền".
Các chuyên gia đánh giá, dự án nhà ở được đánh giá là an toàn khi sở hữu pháp lý vững chắc, có tiềm năng về thanh khoản và lợi nhuận. Tuy nhiên, những năm qua, thị trường bất động sản lại rất ít dự án đầy đủ pháp lý được tung ra thị trường.
Ông Phạm Hùng (50 tuổi, một nhà đầu tư bất động sản có thâm niên nhiều năm) chia sẻ trước đây thị trường còn dễ, tôi hay lướt sóng căn hộ theo kiểu bỏ tiền xuống cọc chờ một vài tháng sau thì bán chênh lệch thu lời. Tuy nhiên, 3 năm nay thị trường chững lại vì dịch bệnh và kinh tế khó khăn khiến việc đầu tư không còn dễ dàng như trước.
"Sau khi nếm trái đắng vì xuống tiền mua 2 dự án tại TP.HCM không đầy đủ pháp lý khiến dự án bị "chôn chân" hơn 2 năm trời, chủ đầu tư thì không trả lại tiền đã khiến tôi thay đổi hoàn toàn khái niệm đầu tư. Hiện tại, tôi chỉ ưu tiên các dự án đầy đủ pháp lý, xây dựng đúng tiến độ và có khả năng ra được sổ hồng theo đúng cam kết của chủ đầu tư thì mới xuống tiền", ông Hùng chia sẻ.
Đồng quan điểm, chị Vũ Lê (kinh doanh bất động sản) cho hay khi đầu tư bất động sản phải bỏ vào số tiền không nhỏ vì thế chị luôn tìm hiểu kỹ dự án trước khi quyết định mua. Bạn bè của chị có rất nhiều người dở khóc dở cười vì trót xuống tiền đầu tư các dự án không đầy đủ pháp lý vì vậy chị phải chọn lọc rất kỹ càng.
Cần gỡ điểm nghẽn pháp lý để kích cầu bất động sản
Thực tế, dù các chủ đầu rất muốn hoàn thiện đầy đủ thì vì lý do "chủ quan" lẫn "khách quan" khiến vấn đề pháp lý vẫn là điều "nan giải" với nhiều doanh nghiệp. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Tính riêng địa bàn TP.HCM, hàng trăm dự án nhà ở của nhiều đơn vị bị chậm tiến độ, đắp chiếu nhiều năm vì vướng pháp lý. Trong đó, không hiếm các dự án đã bàn giao, người dân vào ở nhiều năm nhưng không thể cấp sổ hồng cũng vì vướng mắc pháp lý.
Chuyên gia Đinh Thế hiển cho biết vấn đề pháp lý được đánh giá là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường bất động sản TP.HCM mất đi sức hút đối với các nhà đầu tư. Hiện nay, vướng mắc pháp lý liên quan đến việc triển khai các dự án bất động sản tạm chia thành hai loại: vướng mắc các văn bản pháp luật của trung ương và địa phương (phải sửa đổi, bổ sung) và vướng thực thi pháp luật.
Ách tắc phổ biến đối với các dự án bất động sản là dù đã hoàn thành phần móng, tầng hầm song còn vướng ở khâu xin thủ tục xác nhận đủ điều kiện được bán. Loại vướng mắc này thường do dự án dù đủ điều kiện cấp giấy xác nhận được bán nhưng nguồn gốc chuyển nhượng đất trước đó liên quan đất công nên các cơ quan chức năng dừng lại rà soát; hoặc trường hợp khác là do cơ quan thẩm quyền cho rằng doanh nghiệp chưa đóng hay mới chỉ đóng một phần tiền sử dụng đất.
Ông Lê Hoàng Châu nhận định việc sớm tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về thể chế pháp luật sẽ tháo gỡ ách tắc cho nhiều dự án bất động sản, nhà ở, giúp làm tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở cho thị trường. Từ đó, xử lý tình trạng khan hiếm nhà ở, mất cân đối cung - cầu nhà ở dẫn đến giá nhà tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Đáp ứng nhu cầu tạo lập nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của số đông người có thu nhập trung bình... Từ đó, việc tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý có thể thúc đẩy thanh khoản thị trường phát triển trong bối cảnh lượng giao dịch bất động sản sụt giảm kỉ lục trong thời gian đó.