Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 12:03 AM (GMT+7)

Áp lực tăng lãi suất tiền gửi

2022-06-16 13:00:00

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng thêm lãi suất cơ bản USD phần nào tạo sức ép lên lãi suất VND.

Áp lực tăng lãi suất tiền gửi - Ảnh 1.

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã được các ngân hàng tăng thêm 0,3-0,5%

Đồng thời, trong bối cảnh cầu tín dụng tăng cao, cân hàng cũng chuẩn bị thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn tăng cuối năm.

Lãi suất đầu vào chịu áp lực tăng

Để kiểm soát lạm phát Mỹ đang tăng cao, Fed đã tiếp tục thắt chặt tiền tệ khi tăng thêm 0,5% lãi suất cơ bản USD và cho biết sẽ còn thêm nhiều lần tăng trong thời gian tới cho đến khi kìm được lạm phát. Đối với lãi suất VND, các chuyên gia đánh giá, việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ có tác động, nhưng trước mắt có thể không nhiều, vì cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã dự báo được việc này.

TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) cho rằng, việc Fed tăng lãi suất USD trước mắt chưa tạo sức ép lên tỷ giá và lãi suất VND, nhưng về dài hạn, nếu Fed tiếp tục các đợt tăng lãi suất, cũng sẽ ảnh hưởng nhất định lên lãi suất VND. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục yêu cầu ngân hàng thương mại giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng, nhất là doanh nghiệp hồi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch. Vì thế, dù xu hướng lãi suất tiết kiệm tăng, song mức tăng của các ngân hàng chưa nhiều khi lãi suất cho vay khó có thể tăng trong bối cảnh này.

Chuyên gia tài chính, TS. Huỳnh Trung Minh cho rằng, việc Fed tăng thêm 0,5% lãi suất ít nhiều tác động lên lãi suất VND. Vả lại, trước nhu cầu tín dụng tăng trong 5 tháng đầu năm 2022 (con số được NHNN đưa ra là tăng hơn 8%) và dự báo cải thiện trong các quý còn lại, thì đòi hỏi trước hết đối với các ngân hàng là phải có kế hoạch chuẩn bị tốt thanh khoản ngay từ lúc này. Và như vậy, cuộc đua lãi suất huy động sẽ vẫn tiếp diễn.

Thực tế cho thấy, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã được các ngân hàng tăng thêm 0,3-0,5%. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm thời gian qua đã giảm xuống mức thấp, nên khó tránh việc tăng trở lại trong năm nay. Lãi suất tiết kiệm có chiều hướng gia tăng tác động lên chi phí của ngân hàng, nhất là khi nhu cầu tín dụng và đầu tư tăng lên, nhưng trước áp lực lạm phát trong nước, thì lãi suất tiền gửi khó giảm xuống.

Đồng thời, việc tăng lãi suất USD của Fed sẽ làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên khiến chi phí vay vốn mới và nghĩa vụ trả nợ bằng USD của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI) sẽ tăng lên đáng kể. Thêm vào đó, lãi suất cao ở Mỹ sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Về chính sách tiền tệ, các chuyên gia nhận định, NHNN cũng như ngân hàng trung ương các nước mới nổi ở châu Á chưa chịu áp lực tăng lãi suất ngay sau khi Fed nâng lãi suất USD. Đó chủ yếu là do lạm phát ở các nền kinh tế này còn đang ở mức thấp, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa đến mức tăng vọt, cho phép ngân hàng trung ương các nước này có chính sách thích ứng từ từ.

Không thể chủ quan với lạm phát

TS. Huỳnh Trung Minh đưa ra nhận định, lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát ở mức thấp 3,5-4%, nên người gửi tiền tiết kiệm với mức lãi suất 5-6,5% cho kỳ hạn dài vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Còn đối với kỳ hạn ngắn 5 tháng trở xuống, các ngân hàng chỉ áp dụng mức lãi suất 3-3,9%/năm. Nhưng cũng không nên chủ quan với lạm phát năm nay, nhất là đối với lạm phát nhập khẩu. Vì thế, các nhà băng đã phải tăng lãi suất để hút tiền nhàn rỗi. 

Theo chuyên gia kinh tế - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực, lạm phát Việt Nam đang gia tăng, NHNN đang rơi vào thế khó. Vừa qua, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng hiện NIM (biên lãi ròng) của ngân hàng đang giảm, năm trước khoảng 3,3%, năm nay còn khoảng 2,9%.


Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong cả năm, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho hay, NHNN điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì thế, TS. Lực cho rằng, lãi suất huy động có khả năng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, do áp lực lạm phát và người dân vẫn muốn chuyển dịch kênh đầu tư. Các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để thu hút dòng tiền gửi từ dân cư và kể cả doanh nghiệp. Điều này phần nào tạo áp lực lên lãi suất đầu vào cũng như lãi suất cho vay. Tuy nhiên, về ngắn hạn, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ khó tăng mạnh sau dịch bệnh.

Trong khi đó, TS. Trần Du Lịch nêu quan điểm, lạm phát 5-6% không đáng lo bằng kinh tế suy thoái. Nếu kinh tế Việt Nam chống lạm phát bằng cách siết tín dụng, nâng lãi suất…, thì nhập khẩu lạm phát vẫn gây lạm phát, vì kinh tế không tăng trưởng. Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng trở lại khi đã giảm sâu trước đó.

Những tuần qua, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi trở lại, trong khi lãi suất thị trường liên ngân hàng cũng duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước. Vì thế, theo các chuyên gia, kịch bản tốt nhất hiện nay đối với Việt Nam là duy trì lãi suất hiện tại, không để gia tăng theo lãi suất cơ bản USD của Fed, thực hiện nhanh gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp để phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Mặc dù không kỳ vọng NHNN cắt giảm thêm các lãi suất chính sách chủ chốt, nhưng giới chuyên gia cho rằng, NHNN sẽ không nâng lãi suất điều hành trong vòng 3-6 tháng tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. NHNN sẽ hỗ trợ thị trường thông qua hoạt động thị trường mở như: bơm thanh khoản VND; mua vào ngoại hối hay nâng trần tín dụng cho ngân hàng thương mại để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Vân Linh