Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 12:02 AM (GMT+7)
4 lĩnh vực sẽ tạo động lực tăng trưởng tín dụng
2023-07-22 13:00:00
Với nhận định nhóm khách hàng đầu tư công, xuất nhập khẩu, bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tập trung xây dựng các chính sách phát triển khách hàng theo các phân khúc ngành.
Những bất ổn từ tình hình chính trị trên thế giới và biến động chung của kinh tế trong nước thời gian qua đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Thu nhập của phần lớn người dân giảm sút, cộng với tâm lý thận trọng, đã dẫn đến nhu cầu chi tiêu, mua sắm, đầu tư của nhóm khách hàng cá nhân ở mức thấp, khiến nhu cầu tín dụng chững lại.
"Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận, vẫn có các phân khúc khách hàng tiềm năng, có thu nhập, cũng như hoạt động kinh doanh ổn định. Điển hình như nhu cầu vay sản xuất, kinh doanh nhỏ dành cho các hộ kinh doanh buôn bán, sản xuất, các hộ kinh doanh hàng hóa cơ bản, thiết yếu, hay nhu cầu vay mua nhà để ở, hoặc tích lũy tài sản trong bối cảnh giá tài sản được đưa về mặt bằng hợp lý. Nhiệm vụ của OCB là nhận diện đúng đối tượng khách hàng và cung cấp đúng sản phẩm khách hàng cần, với trải nghiệm thuận tiện nhất", ông Trương Đình Long, Phó Tổng giám đốc OCB cho biết.
Đặc biệt, với nhận định nhóm khách hàng đầu tư công, xuất nhập khẩu, bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng tín dụng, thời gian qua, OCB tập trung xây dựng các chính sách phát triển khách hàng theo các phân khúc ngành, như thương mại tiêu dùng nhanh, logistics, nhà thầu thi công sửa chữa đường bộ và các công trình giao thông…
Ông Trương Đình Long nêu các chiến lược để OCB tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, OCB chú trọng vào việc mở rộng quy mô khách hàng tín dụng trong các phân khúc mục tiêu:
Tập trung vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nhằm tăng trưởng và mở rộng nhanh quy mô khách hàng tín dụng. Đây là phân khúc tiềm năng nhất, đa dạng khách hàng và nhu cầu vốn lớn. Thực tế, phân khúc khách hàng nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 95% số lượng khách hàng trên thị trường và liên tục mở rộng về mặt số lượng khách hàng mới.
Đối với phân khúc khách hàng quy mô vừa, OCB tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng ổn định và mang lại doanh thu lớn nhất trong các lĩnh vực kinh doanh, như thi công xây lắp và vật liệu xây dựng, thương mại tiêu dùng nhanh, logistics, công nghệ-viễn thông và lĩnh vực cung cấp tiện ích cơ bản, như điện, nước sinh hoạt, nước thải, môi trường, năng lượng.
Ưu tiên cấp tín dụng dựa trên các phân khúc khách hàng có tiềm năng và nhu cầu giao dịch nhiều, nhằm cân đối giữa việc cấp tín dụng và dòng tiền mang lại, vừa đảm bảo an toàn trong tín dụng, vừa đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh. Ngoài ra, OCB cũng sẽ cung cấp các giải pháp thanh toán kết hợp tín dụng nhằm cung cấp đầy đủ các tiện ích tối ưu trong hoạt động kinh doanh của khách hàng.
Đối với khách hàng doanh nghiệp lớn, OCB chọn lựa việc đồng hành, gắn kết và hỗ trợ vốn vay cho khách hàng theo chủ trương của Chính phủ.
Cụ thể, OCB xây dựng các chương trình lãi suất cho vay/phí tín dụng ưu đãi, kích cầu tín dụng, nhất là tín dụng ngắn hạn của nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu, như đầu tư công, xuất nhập khẩu, bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng. Xây dựng chuyên đề cải tiến tinh gọn quy trình và thủ tục cấp tín dụng, giảm thời gian xử lý và tối ưu trải nghiệm của khách hàng.
Triển khai các gói giải pháp, sản phẩm bổ trợ cho khách hàng, như giải pháp thanh toán trọn gói có hàm lượng công nghệ cao, giải pháp dịch vụ ngân hàng đầu tư, tư vấn, cấu trúc tài chính, bên cạnh giao dịch vay vốn truyền thống. Đẩy mạnh hoạt động nền tảng công nghệ số hóa vào các sản phẩm, dịch vụ cho vay, mang đến sự tiện lợi, tối đa hóa được lợi ích cho khách hàng, cung cấp đầy đủ các thông tin để khách hàng có những lựa chọn tốt nhất.
Hỗ trợ doanh nghiệp logistics vay vốn nhanh với lãi suất chỉ từ 7,99%/năm
Logistics là một trong những nhóm ngành trọng tâm mà OCB luôn ưu tiên hỗ trợ, đồng hành trong chiến lược dài hạn nói chung và năm 2023 nói riêng. Chính vì thế, mới đây, ngân hàng đã có chương trình cấp tín dụng nhanh "SME Express Loan" dành cho doanh nghiệp SME hoạt động trong lĩnh vực logistics với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,99%/năm cho các khoản vay ngắn hạn và từ 10,49%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
Không chỉ có lãi suất ưu đãi, mà thời gian phê duyệt cho gói tín dụng này cũng rất nhanh: Trong vòng 48 giờ, doanh nghiệp sẽ nhận được thông báo cấp tín dụng từ ngân hàng, và tỉ lệ tài trợ lên đến 100% giá trị tài sản bảo đảm.
Cùng với lãi suất ưu đãi nói trên, từ nay đến hết năm 2023, OCB tiếp tục miễn 100% phí chuyển tiền nước ngoài và xử lý chứng từ nhờ thu; giảm đến 50% phí dịch vụ thư tín dụng (phát hành, thanh toán, chấp nhận trả chậm) và phí phát hành bảo lãnh nước ngoài. Đặc biệt, khách hàng còn được hưởng ưu đãi tỷ giá đến 75 điểm (USD) và 120 điểm (ngoại tệ khác) so với giá niêm yết của OCB.
Ngoài việc cung cấp nguồn vốn tốt, OCB còn cung cấp các giải pháp, dịch vụ thanh toán số giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả trong công tác vận hành. Cụ thể, với OCB ProPay - sản phẩm này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp logistics nâng cao hiệu quả quản lý dòng tiền bằng việc thanh toán điện tử song phương với Kho bạc Nhà nước, thu chi hộ, nộp thuế điện tử với Tổng cụ Thuế, kết nối ERP… tất cả chỉ cần thông qua dịch vụ ngân hàng số dành cho doanh nghiệp (OCB OMNI Corp).
Những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên. Mặc dù vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, vì vậy, ngân hàng có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cũng như hình thành cơ cấu vốn tối ưu cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics.
Với việc ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 7,99%/năm, cùng nhiều chương trình ưu đãi đặc biệt dành riêng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics từ OCB đã cho thấy sự đồng hành mạnh mẽ của ngân hàng này nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung trong việc cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nỗ lực vì mục tiêu thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước.