Theo Văn phòng Thông báo và Ðiểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), trong năm 2023, thị trường EU có hơn 100 thông báo, dự thảo lấy ý kiến về các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật phục vụ cho việc kiểm soát nông sản, thực phẩm khi nhập khẩu vào thị trường này.
Năm 2024, EU thực hiện nhiều quy định liên quan kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); Quy định chống phá rừng (EUDR) … trong đó, CBAM là công cụ mang tính bước ngoặt của EU nhằm chống rò rỉ carbon.
Ngoài ra, EU cũng ban hành quy định mới về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật áp dụng đối với một số nông sản; đặc biệt, chương trình "Từ nông trại đến bàn ăn" dự kiến đưa ra quy định về chống rác thải thực vật.
Những điều này cho thấy, EU đang ngày càng đặt ra nhiều quy định hơn về kinh tế xanh, sạch, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải cập nhật thông tin, nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội để các doanh nghiệp, nhà sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực nông sản khai thác tiềm năng và cơ hội xuất khẩu sang thị trường khó tính này.
Nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu, vào cuối tháng 02/2024, Văn phòng SPS Việt Nam và Trung tâm đổi mới Tentamus (Tập đoàn Tentamus, Ðức) đã ký biên bản hợp tác triển khai hệ thống phần mềm thông báo các nội dung và quy định liên quan vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) từ các thành viên WTO.
Theo đó, Tentamus cung cấp hệ thống phần mềm giúp chuyển thông tin đến doanh nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả và có hệ thống.
Có bảy nhóm sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu đi EU sẽ được Văn phòng SPS Việt Nam và Tentamus ưu tiên hỗ trợ, gồm: Gạo, tiêu, điều, chanh dây, mật ong, rau quả và thủy sản. Ðây là cách để nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam, giúp tăng thêm uy tín, góp phần xây dựng thương hiệu tại châu Âu, nhất là với các hệ thống bán lẻ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đang tập trung mọi nguồn lực nâng cao năng lực chuỗi sản xuất - chế biến và xuất khẩu.
Trong bối cảnh xuất khẩu sang EU gặp nhiều khó khăn do sức mua tại một số thị trường truyền thống giảm, các doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng phạm vi xuất khẩu, theo hướng quan tâm hơn đến các thị trường mới, ít khai thác mà nhiều tiềm năng như khu vực thị trường Bắc Âu; đồng thời tận dụng tối đa hiệu quả từ Hiệp định EVFTA, đặc biệt là tại thời điểm EVFTA đã bước vào năm thứ tư thực thi. Việc cắt giảm thuế đã tạo ra cơ hội khác biệt lớn tại thị trường EU giữa Việt Nam và đối thủ cạnh tranh ở nhiều nước châu Á.
Được biết, EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản mỗi năm, trong đó khoảng 4% từ Việt Nam. Mặc dù, thị trường EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành hàng nông sản Việt, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng 15% tổng giá trị nông sản cả nước, tuy nhiên với 4% thị phần, cho thấy giá trị và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU.
Với thế mạnh là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, cũng là đất nước được biết đến nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi bật, hàng Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm những mặt hàng đang là thế mạnh đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU, từ đó là nền tảng để tăng tổng sản lượng hàng nông sản, và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu.
Giữa năm 2023, Ủy ban Châu Âu đã thông qua Quy định chống phá rừng (EUDR). EUDR được ban hành nhằm cấm nhập khẩu các sản phẩm và hàng hóa gây mất rừng, suy thoái rừng kể từ sau ngày 31.12.2020. Trong đó, cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ là những ngành hàng chủ lực của nước ta bị ảnh hưởng bởi quy định này. EUDR được áp dụng từ tháng 1/2025, riêng đối với các doanh nghiệp nhỏ sẽ áp dụng bắt đầu từ tháng 6/2025.