TP.HCM: 148 chợ đóng cửa, nhiều quận không còn chợ nào, giải quyết ra sao?

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 11/07/2021 14:53 PM (GMT+7)
148 chợ tại TP.HCM đang tạm đóng cửa, chiếm gần 2/3 tổng số chợ tại TP. Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM yêu cầu các quận huyện cần tạm dừng chợ truyền thống để phòng dịch thì phải khảo sát địa điểm để tạo nơi bán thay thế.
Bình luận 0

Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, tính đến ngày 9/7, toàn TP có 148/234 chợ truyền thống đã tạm ngưng hoạt động, 3/3 chợ đầu mối tạm đóng cửa, 6/106 siêu thị, 94/2.626 cửa hàng tiện lợi cũng phải ngưng kinh doanh để phòng dịch.

Nhiều quận không còn chợ nào

Ba chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền là nơi cung ứng khoảng 70% nguồn thực phẩm các loại cho TP.HCM. Hàng hóa từ ba chợ đầu mối sẽ được cung ứng về các chợ truyền thống tại TP để bán cho người dân. Việc đóng cửa 148 chợ truyền thống và ba chợ đầu mối, chiếm gần 2/3 tổng số chợ đang hoạt động đã ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, hàng thiết yếu.

TP.HCM: 148 chợ đóng cửa, nhiều quận không còn chợ nào, giải quyết ra sao? - Ảnh 1.

148 chợ tại TP.HCM đã đóng cửa. Trong ảnh: Chợ Đa Kao (quận 1) tạm ngưng hoạt động từ ngày 10/7. Ảnh: Hồng Phúc.

Đáng chú ý, nhiều quận như quận 3, 7, Bình Tân, Tân Phú… đều không còn chợ nào hoạt động. Các quận còn lại cũng chỉ còn vài chợ mở bán. Những ngày qua, nhiều người lao động phổ thông cho biết họ gặp khó khăn khi mua thực phẩm. Chợ đóng cửa, chợ tự phát ngưng hoạt động, nguồn thực phẩm hiện nay chủ yếu nằm ở hệ thống cửa hàng, siêu thị.

Giải quyết vấn đề này ngay từ các chợ đầu mối, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định hiện nguồn hàng từ các tỉnh vẫn về, nhưng không tập kết ở chợ đầu mối nữa mà đưa trực tiếp về chợ truyền thống và các điểm bán lẻ trong TP. Thương nhân trao đổi, mua bán qua điện thoại.

Ngày 8/7, ngày đầu tiên cả ba chợ đầu mối đều đóng cửa, tổng lượng thịt gia súc, thủy hải sản, rau củ quả về TP.HCM khoảng 2.100 tấn thông qua tập kết xung quanh chợ, kênh điện thoại, giao hàng trực tiếp. Sang 9/7, tổng lượng hàng về TP tăng hơn 32%, đạt 2.791 tấn. Trong đó, thịt gia súc đạt 1.086,6 tấn, tăng 262%; thủy hải sản: 278,5 tấn, tăng 457%; rau củ quả 1.426 tấn. 

Theo kế hoạch được UBND TP.HCM, những ngày tới, lượng rau củ quả, thực phẩm tươi sống trung bình một ngày đêm về khoảng 4.000 - 5.000 tấn.

Còn tại chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - ông Nguyễn Nguyên Phương, cho biết các quận huyện đang rà soát, các chợ đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch sẽ mở lại trong thời gian sớm nhất. Chợ chưa đáp ứng tiêu chuẩn phòng, chống dịch thì thông tin để Sở cùng khắc phục.

Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân tại một số khu vực thiếu hệ thống phân phối mà chợ truyền thống dừng hoạt động, TP yêu cầu địa phương tổ chức lực lượng tình nguyện viên của Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên hỗ trợ "đi chợ thay" theo phương thức đội tình nguyện là đầu mối kết nối giữa bên cung ứng hàng hóa với người dân có nhu cầu.

Lãnh đạo Sở Công Thương cũng nói thêm, trong trường hợp địa phương cần tạm dừng chợ truyền thống để phòng dịch thì phải khảo sát địa điểm để tạo điểm bán hàng thay thế. Đồng thời, cung cấp thông tin kịp thời cho người dân nắm rõ về địa điểm phân phối hàng hóa.

Sẽ phạt nơi nào tăng giá bất chấp

Hai ngày trở lại đây, chị Ngọc Hòa bất ngờ khi chợ Đa Kao (quận 1) tạm ngưng hoạt động, các sạp đều bị căng dây. Từ khi chợ Tân Định gần đó đóng, chị Hòa và nhiều người trong khu vực chủ yếu mua hàng tại chợ Đa Kao. 

"Vài hôm trước, giá rau xanh như bầu bí, dưa leo đã cao, nay chợ đóng, mấy sạp có mặt bằng kinh doanh bán đắt quá, 40.000 - 50.000 đồng/kg thì sao ăn nổi", chị thở dài.

TP.HCM: 148 chợ đóng cửa, nhiều quận không còn chợ nào, giải quyết ra sao? - Ảnh 3.

Các quận huyện cần tạm dừng chợ truyền thống để phòng dịch thì phải khảo sát địa điểm để tạo nơi bán hàng thay thế. Ảnh: Hồng Phúc.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng xác nhận một số mặt hàng tại chợ truyền thống vài ngày qua tăng giá. Theo ông, giá tăng do nhiều yếu tố tác động. Nhu cầu mua gom và dự trữ tăng cao, sức mua lớn trong một thời điểm làm tiểu thương đẩy giá hàng hóa dẫn đến việc gía cả tăng cao ở một số thời điểm và khu vực.

Ngoài ra, hầu hết các tiểu thương bán hàng qua điện thoại nên giá tăng do điều chỉnh giá xăng, điều chỉnh phương thức giao hàng từ xe lớn chuyển sang xe nhỏ, khó khăn trong vận chuyển, các địa phương tăng cường kiểm soát dịch làm gia tăng chi phí xét nghiệm, chi phí thời gian… dẫn đến chi phí trên một sản phẩm tăng lên.

Tuy nhiên, vài ngày qua, tình hình hàng hóa đã có phần ổn định trở lại, sức mua giảm mạnh so với vài ngày trước giãn cách xã hội. "Sở đã yêu cầu Thanh tra tiến hành kiểm tra rà soát và xử phạt những trường hợp lợi dụng tình thế khó khăn để nâng giá bán", ông Phương cho biết.

Trong khi kênh bán lẻ truyền thống tạm dừng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại, chủ lực là các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh… Đồng thời, gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng, kích hoạt chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo cung ứng đủ hàng và đúng giá cho người dân.

Vài ngày qua, sức mua tại các kênh siêu thị, cửa hàng thực phẩm cũng đã giảm mạnh. Trong ngày, hàng hóa luôn dồi dào trên quầy kệ. Các siêu thị cũng cam kết tăng lượng hàng gấp nhiều lần, tăng thời gian phục vụ, thậm chí mở cửa đến nửa đêm để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem