TP.HCM: Siêu thị, cửa hàng tiện lợi "cháy" bánh mì, đồ ăn mang về

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 10/07/2021 20:00 PM (GMT+7)
Siêu thị, cửa hàng tiện lợi được giao “gánh” phục vụ thức ăn chế biến sẵn khi TP.HCM dừng dịch vụ giao thức ăn mang đi. Hôm nay, nhiều nơi hết sạch bánh mì, cơm trộn, đồ ăn mang về… các loại.
Bình luận 0

"Cháy" bánh mì, đồ ăn mang về

Trong ngày thứ hai TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, tạm ngưng dịch vụ bán thức ăn mang về, nhiều người đã tranh thủ đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi gần nhà để mua thức ăn chế biến sẵn. Nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi và siêu thị tại TP.HCM đã "cháy" hàng sớm, điều gần như rất hiếm thấy từ trước đến nay.

Tại một cửa hàng Circle K trên đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh), trưa nay, có 3 khách vào tìm mua cơm cũng như các loại mì chế biến sẵn nhưng kệ hàng trống không. Không tìm được món hàng ưng ý, nhiều người phải mua tạm mì gói. Một nhân viên cũng lắc đầu không biết khi nào hàng về.

Siêu thị, cửa hàng tiện lợi "cháy" bánh mì, đồ ăn mang về - Ảnh 1.

Quầy bánh mì ở một siêu thị tại quận Gò Vấp trống trơn trưa 10/7, hết bánh mì sandwich, bánh mì baguette người bán hẹn 13h mới có lại. Ảnh: Hồng Phúc.

Cách đó không xa, cũng trên đường, quầy thức ăn chế biến sẵn như mì Ý, cơm nắm, bánh mì kẹp, thậm chí trái cây cắt sẵn… của cửa hàng Mini Stop cũng không còn nhiều. Anh Hòa gọi điện về nhà báo bánh mì kẹp thịt mà bạn gái muốn ăn đã hết. "Tôi không nghĩ hết nhanh vậy luôn, mọi hôm nhiều lắm. Thôi mua tạm một cái bánh ngọt để ăn trưa", anh nói.

Khảo sát trên nền tảng Grab, Baemin có kết nối với các cửa hàng tiện lợi như Circle K, Mini Stop, Familymart, GS25… cũng cho thấy, trong khi sữa hộp, mì gói các loại còn rất nhiều thì các món ăn chế biến sẵn như cơm trộn, miến trộn, cơm nắm, sandwich… các loại đều hết sạch. 

Nhiều người cho biết, một số món ăn chế biến sẵn vẫn còn nhưng khi đặt, tài xế đến nơi gọi về báo hết hàng nên phải hủy đơn.

Không chỉ cửa hàng tiện lợi, thức ăn chế biến sẵn tại một siêu thị lớn ở quận Gò Vấp cũng không còn nhiều. Trong khi gà rán, heo quay và các món ăn Hàn Quốc còn khá đầy quầy thì khu vực thức ăn Việt Nam chỉ còn lại gà kho gừng, canh chua, rau xào, vài món chay… với số lượng trong khay khá ít. 

Nhiều người đứng chờ gọi món nhưng nhân viên báo hết cơm trắng giữa chừng, khoảng nửa tiếng sau quay lại.

Tại quầy bánh mì, nhiều kệ trống không, nhiều người tìm mua bánh mì sandwich nhưng đã hết sạch. Bánh mì baguette cũng không còn, kệ để bảng thông báo phải đến 13h mới có lại, sản xuất mỗi lần 90 ổ, mỗi khách được mua 1 ổ mỗi lần. Bên trong, các nhân viên liên tục làm bánh để bổ sung lên quầy kệ.

Đang tăng cường cho quầy thức ăn chế biến sẵn

Trao đổi với Dân Việt chiều 10/7, đại diện một doanh nghiệp bán lẻ lớn tại TP.HCM cho biết, thức ăn chế biến sẵn vẫn là thế mạnh của doanh nghiệp và đang bán tốt. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán lẻ đang tập trung cao độ cung ứng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu các loại mỗi ngày nên "gánh" thêm việc tăng cường thức ăn chế biến sẵn khiến doanh nghiệp chưa chuẩn bị kịp. Nhưng vị này khẳng định doanh nghiệp vẫn đang tích cực tăng cường nguồn thực phẩm chế biến sẵn để phục vụ nhu cầu của người dân, song song với việc đảm bảo cung ứng thực phẩm cũng như hàng hóa thiết yếu.

Trước sức mua tăng ở kênh trực tiếp lẫn online, theo các doanh nghiệp, khi tình hình người dân mua sắm ổn định trở lại, họ sẽ có nhiều thời gian tập trung hơn cho việc bán thức ăn chế biến sẵn cũng như giao hàng về tận nhà.

img
img

Hai cửa hàng Mini Stop trên nền tảng Grab đã hết nhiều loại thức ăn chế biến sẵn phổ biến. Ảnh chụp màn hình.

Ngày 9/7, UBND TP.HCM có văn bản bản yêu cầu Sở Công Thương đề nghị các hệ thống phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi như Saigon Co.op, Satra, MM Mega Market, Bách Hóa Xanh, VinMart, Family Mart, Vissan... tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn để phục vụ nhu cầu của người dân.

Lãnh đạo TP cho rằng khi TP thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 9/7, siết chặt các biện pháp phòng dịch, tạm dừng dịch vụ ăn uống mang về trong 15 ngày khiến một bộ phận người dân gặp khó khăn.

Do đó, các hệ thống phân phối cần tăng cường cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, kết hợp hệ thống giao hàng online, các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu.

UBND phường, xã, thị trấn chủ động nắm bắt các khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để hỗ trợ kịp thời. Cụ thể, hướng dẫn người dân có thể đến mua thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc đặt hàng thông qua các ứng dụng công nghệ.

Sở Công Thương TP.HCM cũng đã đề nghị các hệ thống phân phối bán lẻ có phương pháp phối hợp với các hệ thống giao hàng online, các hình thức phân phối trực tiếp đến tận tay người dân khi có yêu cầu, đảm bảo công việc giao nhận thực hiện quy trình, quy định phòng, chống dịch bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem