Tôm hùm giá 2,2 triệu đồng/kg, xuất khẩu tăng 30 lần, vì sao Việt Nam vẫn chưa có cơ sở chế biến tôm hùm?

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 15/09/2023 09:44 AM (GMT+7)
Kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên tôm hùm được giá, lên mức 2,2 triệu đồng/kg, tuy nhiên theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, tôm hùm giống vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Bình luận 0

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tại khu vực Nam Trung Bộ, tôm hùm là loại thủy sản đem lại nguồn thu trung bình từ 1.500 đến hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm.

Thống kê của VASEP, kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm 2022.

"Nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên tôm hùm được giá, lên mức 2,2 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, mức giá này lại luôn bấp bênh, bởi sản lượng tôm hùm hàng năm không ổn định", VASEP đánh giá.

Trao đổi với Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, mặc dù đem lại giá trị xuất khẩu lớn, nhưng đến thời điểm này, tôm hùm vẫn chỉ xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch và chưa có cơ sở chế biến.

Hiện nay, tôm hùm hiện chỉ xuất khẩu tươi bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 75 - 90%, phần còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa. Tôm hùm chưa được chế biến thành các sản phẩm có giá trị gia tăng, nên không khai thác được tối đa giá trị sản phẩm.

"Chúng ta phải có quy trình xuyên suốt từ khâu giống, thức ăn, chăm sóc quản lý, phòng trừ dịch bệnh và cuối cùng là phải truy xuất được nguồn gốc để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng", Tiến sĩ Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III, nhận định.

Tôm hùm giá 2,2 triệu đồng/kg, xuất khẩu gấp 30 lần, vì sao Việt Nam vẫn chưa có cơ sở chế biến tôm hùm? - Ảnh 1.

Thương lái thu mua tôm hùm của người dân đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Báo Khánh Hòa

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho hay, Việt Nam chưa sản xuất được tôm hùm giống nên chủ yếu đánh bắt từi giống tự nhiên và chủ yếu nhập khẩu. Theo ông Dũng, nhập khẩu cũng "lắt léo" qua các đường tiểu ngạch. 

"Indonesia đã cấm xuất khẩu tôm hùm giống, tuy nhiên ngư dân vận chuyển sang Singapore, rồi từ đây về Việt Nam, qua nhiều tầng nấc khác nhau. Vậy ai chứng nhận cho con giống của tôm hùm?", ông Dũng nói.

"Nếu Việt Nam không có chứng nhận xuất xứ về con giống thì đừng nói đến chuyện xuất khẩu bài bản", ông Dũng khẳng định. Để làm được điều này, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, chúng ta phải bắt đầu từ khâu sản xuất giống, trại nuôi phải có chứng nhận quốc tế, mã số, đăng ký, kiểm tra thường niên. Tiếp đó, các cơ sở thu gom (khâu trung gian), nhà máy chế biến cũng phải được chứng nhận.

Ông Dũng cũng đưa ra thực trạng, Việt Nam có 860 nhà máy chế biến nhưng chưa có một nhà máy nào chuyên về chế biến tôm hùm và có hàng nghìn trại giống nhưng chưa có trại nào được chứng nhận quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Sang, một người nuôi tôm hùm bông ở thị trấn Vạn Giã (Khánh Hòa) cho biết, khoảng 1 tháng nay, nhiều bà con đã thu hoạch xong lứa tôm hùm nhưng hỏi khắp nơi chẳng ai có con giống.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa Võ Khắc Én cho hay, tôm hùm là đối tượng nuôi chủ lực của địa phương. Hiện toàn tỉnh có hơn 64.000 ô lồng nuôi tôm hùm, sản lượng 1.300 tấn. Do chưa chủ động sản xuất giống tôm hùm nên nguồn giống cung cấp cho người nuôi chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên, đáp ứng khoảng 15 -20% nhu cầu, còn lại 85% sản lượng tôm giống là nhập khẩu từ các nước lân cận.

Theo bà Trần Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa cho biết, nguồn tôm hùm giống nhập khẩu từ các nước về Việt Nam bị gián đoạn vì tôm hùm giống do một số công ty nhập khẩu về trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị phát hiện nhiễm virus gây bệnh.

Cụ thể, từ ngày 21-30/6, qua giám sát, cách ly kiểm dịch tôm hùm giống nhập khẩu của Chi cục Thú y vùng IV (Cục Thú y) phát hiện có 5 lô hàng của 3 công ty nhập khẩu gần 1,4 triệu con tôm hùm giống từ Malaysia nhiễm virus gây bệnh đốm trắng.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc ngăn chặn nhập lậu, buôn bán, vận chuyển tôm hùm giống.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thời gian gần đây tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép tôm hùm giống từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường bộ và đường hàng không diễn ra khá phổ biến, phức tạp tại các sân bay quốc tế (Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất) và qua một số địa phương có chung biên giới với Campuchia.

"Tôm hùm giống vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam dẫn đến nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh đốm trắng và bệnh sữa, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành nuôi tôm Việt Nam", Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay.

Ngành thủy sản đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ không tăng nóng diện tích nuôi tôm hùm, duy trì sản lượng 3.000 tấn/năm, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu phải đạt 200 triệu USD/năm, tức tăng gần gấp đôi so với hiện tại. Vì vậy, triển khai hiệu quả những giải pháp phát triển chuỗi tôm hùm bền vững là điểm mấu chốt để thực hiện được mục tiêu này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem