Sức sống mới trên "quê hương 5 tấn"

Thứ tư, ngày 01/02/2012 15:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau hơn 2 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã được khoác lên chiếc “áo mới” thật tươi đẹp, giàu sức sống.
Bình luận 0

Hối hả, rộn ràng như ngày hội

Chúng tôi về Kiến Xương vào những ngày đầu năm mới Nhâm Thìn, khi bà con nơi đây đã bắt tay lao động sản xuất mùa vụ. Bên cạnh đó, người dân cũng đang cùng nhau mở rộng và bê tông hóa cho những con đường làng vốn quanh co, nhỏ bé trước đây; có nơi thì xây nhà văn hóa, chợ; nơi khác bà con lại đang hò nhau đào đất, xây bờ, kiên cố hóa kênh mương nội đồng... trong tiếng cười, nói rôm rả.

img
Người dân đang góp công sức mở rộng đường giao thông ở xã Thanh Tân.

Chỉ tay về phía con đường vừa được đổ bê tông phẳng lì, ông Bùi Minh Đức ở thôn An Cơ Đông (xã Thanh Tân) phấn khởi nói: “Đoạn đường này dài 1,5km, vừa khánh thành hơn 1 tháng nay. Trước là đường nửa gạch, nửa đất, lắm ổ gà, ổ trâu nên chúng tôi đi lại vất vả lắm. Giờ đường được đổ bê tông sạch sẽ, rộng rãi, đi lại thuận tiện nên mặc dù một số hộ mất đất, vườn, nhưng đẹp làng, đẹp xóm nên ai cũng vui”.

Niềm vui vì có đường đẹp, rộng, kênh mương thuận tiện cho việc tưới tiêu cũng hiện diện ở bà Bùi Thị Riêm (thôn An Cơ Đông). Bà cho hay: “Nhà tôi có 7 sào ruộng, nhưng có tới 6 thửa, giờ dồn lại còn 2 thửa. Nhờ ruộng rộng, đường to đưa máy móc vào sản xuất... mà mỗi vụ gia đình tôi tiết kiệm được 80.000 đồng tiền cày bừa và 180.000 đồng tiền thuê gặt so với trước”.

Là một trong 8 xã điểm nông thôn mới (NTM) của tỉnh Thái Bình, Thanh Tân có nhiều điều kiện để hoàn thành sớm 19 tiêu chí. Đến nay xã đã đạt 14 tiêu chí, còn 5 tiêu chí chưa đạt là: Thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa nông thôn, thu nhập bình quân đầu người, cơ cấu lao động và tỷ lệ hộ nghèo. Có 2 tiêu chí sắp hoàn thành là thủy lợi và tỷ lệ hộ nghèo.

Nói về kinh nghiệm của xã, ông Bùi Mạnh Hà- Chủ tịch UBND cho biết: “Xác định sản xuất nông nghiệp đi đôi với chuyển dịch cơ cấu lao động, dạy nghề, nên chúng tôi rất chú trọng đến việc xây dựng đường giao thông, làm giao thông nội đồng và dồn điền đổi thửa. Trước, mỗi hộ thường có từ 5 – 7 thửa, giờ chỉ còn 1,8 thửa/hộ. Hiện chúng tôi đã hoàn thành 4km đường nội đồng và 6km kênh mương cấp 1. Điều kiện sản xuất thuận lợi nên năng suất lúa liên tục tăng. Ngoài ra xã còn xây mới một trường mầm non, 12 phòng học tiểu học, hoàn thiện hệ thống nhà văn hóa”.

Đánh thức sức mạnh nhân dân

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Trọng Nghĩa- Trưởng phòng NNPTNT huyện Kiến Xương cho hay: “Kiến Xương có một xã điểm xây dựng NTM của tỉnh là Thanh Tân, ngoài ra còn có 9 xã điểm của huyện. Khi mới khảo sát quy hoạch, nhiều xã mới đạt 3- 6 tiêu chí, nhưng đến nay nhiều xã đã đạt 9-14 tiêu chí, trong đó các tiêu chí nổi bật như nhà văn hóa, đường giao thông, kênh mương nội đồng, dồn điền đổi thửa... đang mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Có thể nói, ở Kiến Xương, “bộ mặt” NTM hiện đại, khang trang đang ngày càng rõ nét”.

Ông Nguyễn Mạnh Lưu- Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương giãi bày: “Một trong những bí quyết giúp Kiến Xương sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng là chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, chuyên sâu về giao thông, thủy lợi, họ nắm rất rõ thực trạng hệ thống thủy lợi, thổ nhưỡng ở đây”. Tuy nhiên, theo ông Lưu, quan trọng nhất vẫn là huy động được sức mạnh, sự đóng góp từ nhân dân, mình Nhà nước không thể làm được NTM.

img Tại các xã điểm, ý thức và trách nhiệm của của nhân dân về xây dựng NTM đã được nâng cao. Bà con nhiệt tình ủng hộ, góp công, sức, tiền của để triển khai quy hoạch NTM, thực hiện dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung... img

Đến nay, Kiến Xương đã huy động được hàng tỷ đồng từ người dân và các doanh nghiệp đóng góp xây dựng NTM cùng hơn 10ha đất làm đường, giao thông nội đồng, nhà văn hóa. Trong số đó, đã xuất hiện nhiều gương điển hình đóng góp hàng trăm triệu đồng và hàng trăm mét vuông đất để xây dựng NTM. Chỉ tính riêng xã Thanh Tân, nhân dân đã tự nguyện hiến 2.160m2 đất, bê tông hóa 11 ngõ xóm với diện tích 4.000m2, kinh phí hơn 400 triệu đồng (trong đó con em đi làm ăn xa góp 150 triệu đồng).

Bà Nguyễn Thị Hội ở thôn An Cơ Bắc hiến 100m2 đất vườn để mở rộng đường, ông Bùi Văn Chiến ở thôn An Cơ Bắc ủng hộ 50 triệu đồng xây đường, nghĩa trang... Gặp chúng tôi, bà Hội vui vẻ nói: “Nếu ai cũng giữ đất thì làm sao mở đường to, thẳng được. Nếu mỗi hộ chịu thiệt một tý, đổi lại mình được nhiều thứ: Đường đẹp, ngõ đẹp, thôn làng đẹp”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem