Siết chặt kỷ luật, xử lý nghiêm các sai phạm để Đảng ngày càng trong sạch

Q. Nguyễn Thứ năm, ngày 18/05/2023 08:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an cho biết, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bình luận 0

Trải qua quá trình thành lập và phát triển, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta xác định là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, liên tục, xuyên suốt các thời kỳ cách mạng. 

Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả". Trong đó, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng củng cố hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Con đường gập ghềnh, đụng chạm lợi ích

Trao đổi với Dân Việt, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an cho biết, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Siết chặt kỷ luật, xử lý nghiêm các sai phạm để Đảng ngày càng trong sạch - Ảnh 1.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an. Ảnh: T.L

Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, không có một vụ tham nhũng nào sau một đêm… mà bao giờ cũng là một hành vi, một chuỗi hành vi của một tập thể, một nhóm lợi ích kéo dài một thời gian, dài nhiều năm, thậm chí là chục năm. 

Vì thế, Đảng đã nêu cao việc chống tiêu cực, tham nhũng, tức là phải ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng. Nếu những hành vi tiêu cực được phát hiện và phòng, chống được thì sẽ không dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Khi kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý sớm thì chắc chắn họ sẽ trở thành những con người tốt và tiếp tục có hiệu quả. Đây là tư tưởng nhân văn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đến.

Trong năm qua, hàng loạt vụ tham nhũng lớn đã được phanh phui, xử lý. Điển hình như các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; các vụ án vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, TP.HCM...

Chúng ta đã nghiêm túc xử lý hàng loạt cán bộ, trong đó có cả cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, kể cả Ủy viên Trung ương, Bí thư tỉnh ủy, tướng lĩnh… Điều này nói lên quyết tâm chính trị của Đại hội XIII đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chuyển thành hiện thực, thể hiện bằng hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Chính điều này làm cho cán bộ, đảng viên tin tưởng vào Đảng hơn, khối đại đoàn kết trong nhân dân được củng cố tốt hơn.

"Với tinh thần này, tôi tin rằng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng chỉnh đốn Đảng của chúng ta chắc chắn có kết quả ngày một tốt hơn, Đảng sẽ ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn.

Tất nhiên con đường đi còn nhiều khó khăn, gập ghềnh chứ không đơn giản. Bởi vì cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thực chất là cuộc đấu tranh về nội bộ, đụng chạm đến lợi ích của bao nhiêu cán bộ cho nên cực kỳ phức tạp và khó khăn", Thiếu tướng Lê Văn Cương nhấn mạnh.

Siết chặt kỷ luật, xử lý nghiêm các sai phạm để Đảng ngày càng trong sạch - Ảnh 3.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam ra hầu tòa hồi tháng 8/2022. Ảnh: TTXVN

Ưu tiên "phòng ngừa" trong công tác cán bộ

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), việc rất nhiều cán bộ cấp cao bị xử kỷ luật, hình sự thời gian qua cho thấy cần phải xem xét lại việc lựa chọn, sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược sao cho trúng và đúng. 

Theo ông Phúc, đụng đến vấn đề con người là vấn đề rất khó khăn, tuy nhiên lựa chọn cán bộ sao cho trúng, cho đúng chính là cái gốc giúp Đảng vững mạnh để đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo.

Có thể vào thời điểm quy hoạch, lựa chọn thì cán bộ đó tốt; nhưng khi có chức vụ, quyền lực thì bị tha hóa. Cũng có khả năng chúng ta chưa hiểu hết cán bộ, cán bộ lại cố tình giấu giếm khuyết điểm, vi phạm cho nên lựa chọn không chính xác. Cũng có khả năng tiêu cực trong công tác cán bộ mà chúng ta gọi là "chạy chức, chạy quyền". 

Để ngăn chặn những khả năng xấu này, siết chặt kỷ luật Đảng, xử lý nghiêm các sai phạm "không có ngoại lệ, không có vùng cấm" là điều cần thiết. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định "rất đau lòng nhưng buộc phải xử lý", "chặt một cành cây để cứu cả cái cây".

Chúng ta xử lý nghiêm nhưng đồng thời cũng nhân văn, có ý nghĩa giáo dục chứ không cốt xử lý cho nặng, như Bác Hồ nói là "đối với người có khuyết điểm như đối với thuồng luồng, hổ mang, đòi đuổi họ ra khỏi Đảng ngay". 

"Vừa qua, nhiều cán bộ giữ chức vụ cao khi có khuyết điểm hoặc tự thấy trách nhiệm chính trị của mình đã xin nghỉ, thôi chức vụ. Đó cũng là một nét mới, tôi cho là tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì xét đến cùng, trong công tác cán bộ, xây dựng và phòng ngừa vẫn là chính. Cán bộ không được chăm lo, không tự tu dưỡng, rèn luyện thì việc xử lý vi phạm có mạnh đến đâu cũng không xuể được", PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu rõ: Từ năm 2012-2022, các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái; 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, 29 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem