7 bài học kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

Trần Văn Rón - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương Thứ tư, ngày 07/02/2024 09:50 AM (GMT+7)
Nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ, phương hướng trọng tâm của cả nhiệm kỳ: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Bình luận 0

Xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm

Trong các nhiệm kỳ gần đây, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã góp phần từng bước kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”, “tư duy nhiệm kỳ”, tha hóa quyền lực trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, góp phần xây dựng hệ thống Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

7 bài học kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng- Ảnh 1.

Một kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Đại hội XIII của Đảng cũng nhận định: “Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng được tăng cường, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Hoạt động kiểm tra, giám sát của cấp ủy, UBKT các cấp được đẩy mạnh, đạt kết quả khá toàn diện, nhất là ở cấp Trung ương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kỷ cương, kỷ luật của Đảng được siết chặt hơn, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa sai phạm đối với tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên” (2).

Để đạt được những yêu cầu đặt ra đối với công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp đã quan tâm xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Trên cơ sở đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, các cơ quan Nhà nước đã chú trọng thể chế hóa thành các quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các quy định pháp luật chuyên ngành nhằm tạo lập hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; đồng thời làm cơ sở xem xét, đánh giá, kết luận xác định và xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân vi phạm.

Đồng thời, hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng được tăng cường, đổi mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Nội dung kiểm tra, giám sát của cấp ủy các cấp được đổi mới theo hướng bao quát, toàn diện hơn, tiếp tục theo phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”.

Tập trung vào kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận, chương trình công tác của cấp trên và của cấp mình; việc thực hiện quy chế làm việc của tổ chức đảng, công tác cán bộ, lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, quy chế dân chủ ở cơ sở; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp; bảo đảm quốc phòng, an ninh; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; việc kê khai tài sản, thu nhập, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp;

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý…

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, UBKT các cấp đã tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và các nhiệm vụ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy giao với khối lượng công việc rất lớn, chất lượng, hiệu quả không ngừng được nâng lên.

Nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên được UBKT các cấp chủ động thực hiện, xác định là nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện hiệu quả. Bên cạnh những vụ việc được dư luận quan tâm cần xử lý kịp thời thì nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp tiếp tục được kiểm tra, xử lý dứt điểm, như các vụ việc ở Lào Cai, Thanh Hóa, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Bộ Công Thương,…

Bên cạnh đó, UBKT Trung ương đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

UBKT Trung ương đã kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm liên quan đến Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát...

Song song với việc trực tiếp kiểm tra, UBKT Trung ương đã yêu cầu và trực tiếp chỉ đạo 83 đoàn kiểm tra do ban thường vụ, UBKT các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương thành lập để kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên có liên quan đến các gói thầu do Công ty cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC) và các công ty thuộc hệ sinh thái AIC thực hiện. Đây là một nét mới trong hoạt động của UBKT Trung ương, bước đầu đạt được những hiệu quả tích cực và sẽ tiếp tục được nhân rộng trong năm 2024.

Qua kiểm tra, xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm đã giúp việc nhận diện ngày càng rõ hơn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Từ đó tạo được niềm tin của nhân dân, cán bộ, đảng viên đối với Đảng và tạo được sự đồng thuận trong xã hội; đánh tan các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Chẳng hạn như việc xem xét kỷ luật ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đó, nhận thức của nhiều tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên, trong đó nhiều tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát đã rất cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận vi phạm, khuyết điểm, chủ động khắc phục kịp thời hậu quả gây ra; ổn định tình hình, đoàn kết nội bộ được tăng cường, và xây dựng, củng cố tổ chức, đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tốt hơn.

Việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được thể hiện rõ nét qua việc tăng thẩm quyền cho UBKT các cấp.

Các nội dung về tăng thẩm quyền, nhiệm vụ khác cho UBKT các cấp đến đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng được đưa vào cụ thể trong các quy định của Đảng: Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng, trong đó có giao thêm trách nhiệm, thẩm quyền cho UBKT các cấp, cụ thể: Quy định UBKT cấp trên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng;

Bổ sung nhiệm vụ tham mưu giúp cấp ủy và thực hiện nhiệm vụ cấp ủy giao trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với quan điểm kỷ luật đảng phải đi trước một bước trong xử lý đảng viên để mở đường cho các cơ quan tố tụng của Nhà nước; bổ sung thẩm quyền của UBKT trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát được “yêu cầu, kiến nghị tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thu hồi các văn bản trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”;

Bổ sung thẩm quyền cho UBKT các cấp: “...quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tổ chức đảng trực thuộc cấp ủy cấp dưới trực tiếp”; giao nhiệm vụ, thẩm quyền thi hành kỷ luật, giải quyết khiếu nại và các nhiệm vụ khác cho UBKT đảng ủy cơ sở, đó là: “UBKT đảng ủy cơ sở quyết định hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong đảng bộ (kể cả cấp ủy viên chi bộ, cấp ủy viên đảng ủy bộ phận)”; Đưa nội dung giám sát của UBKT các cấp đối với đảng viên về: “Tư tưởng, chính trị, giữ gìn đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương thực hiện theo các quy định của Đảng” để nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...

Trước đó, ngày 18/6/2019, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 195-QĐ/TW về chỉ đạo của UBKT cấp trên đối với UBKT cấp dưới trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, trong đó quy định cụ thể về nguyên tắc, các nhiệm vụ UBKT cấp trên chỉ đạo UBKT cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. UBKT được quyết định tạm đình chỉ các chức vụ trong Đảng, đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy của cấp ủy viên cấp dưới theo thẩm quyền xử lý kỷ luật, nếu thấy đảng viên, cấp ủy viên đó có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, cản trở, gây khó khăn, trở ngại cho việc kiểm tra...

Công tác kiểm tra ngày càng được quan tâm và đổi mới với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa UBKT các cấp với các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát hiện, xử lý và công khai kết quả xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Ban Bí thư đã ban hành mới và sửa đổi các quy chế phối hợp giữa UBKT Trung ương với các tổ chức đảng, cơ quan Trung ương có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng giữa UBKT cấp mình với các tổ chức đảng, cơ quan liên quan…

Việc xây dựng, ban hành và thực hiện các quy chế phối hợp đã tăng cường các tổ chức đảng, cơ quan có liên quan; qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các cuộc kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng, những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, trong đó có những việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng.

Một nội dung quan trọng giúp đổi mới và nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là việc đổi mới công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, sử dụng và chính sách cán bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, năm 2023, Ban Bí thư đã bàn hành Quy định số 110-QĐ/TW, ngày 06/7/2023 về luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng.

Quy định này cho phép luân chuyển cán bộ kiểm tra từ Trung ương đến cấp huyện, từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên hoặc luân chuyển cùng cấp; góp phần tạo điều kiện để đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác kiểm tra.

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; tập trung nghiên cứu đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát của Đảng và hợp tác quốc tế về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều đề tài, đề án sau khi hoàn thành làm căn cứ để tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương chỉ đạo xem xét, xây dựng và ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hoàn thiện phương pháp, quy trình công tác kiểm tra, giám sát...

Bài học kinh nghiệm qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng

Qua thực tiễn và kết quả, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã đạt được trong thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; kịp thời bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh nội dung, đối tuợng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tế.

Cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT và đội ngũ cán bộ kiểm tra phải thường xuyên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát sự chuyển biến, phát triển của tình hình, nhất là những cơ chế, chính sách mới, những vấn đề thực tiễn đặt ra để vận dụng vào việc kiểm tra, giám sát, kết luận, xem xét và xử lý kỷ luật.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; phải chú trọng xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản và chỉ đạo thực hiện có hiệu lực, hiệu quả về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật, thường xuyên, trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng phải bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy phục vụ thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

Ba là, phải quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả”; phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với mọi tổ chức đảng và đảng viên, ở tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành và không có vùng cấm; phải được tiến hành công khai dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ, đúng nguyên tắc, đúng phương pháp công tác Đảng; phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra với công tác giám sát theo phương châm: “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”; phải thực hiện toàn diện và đồng bộ các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng.

Bốn là, phải biết huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy chế phối hợp giữa UBKT với các tổ chức đảng có liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; bảo đảm nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng.

Năm là, cần phải tích cực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, qua đó cấp ủy và UBKT các cấp tích cực đề xuất, kiến nghị với Đảng và Nhà nước bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách, quy chế, quy định cho phù hợp với yêu cầu, điều kiện mới, nhất là về công tác xây dựng Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên.

Sáu là, phát huy mục đích, hiệu quả, ý nghĩa của công tác kiểm tra, giám sát, phải xác định những vấn đề, lĩnh vực yếu nhất, gây bức xúc trong nhân dân để tiến hành kiểm tra, giám sát; nhằm từ một số việc mà được nhiều việc, từ một số người mà có tác dụng đối với nhiều người, lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, “chống” là nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt. Cấp trên gương mẫu thực hiện kiểm tra trước để tạo sự thúc đẩy, lan tỏa, cho cấp dưới nâng cao nhận thức, ý thức tự giác trong chấp hành thực hiện.

Bảy là, thường xuyên chăm lo xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ UBKT và cơ quan UBKT các cấp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ kiểm tra không những phải có năng lực, trình độ, chuyên môn giỏi, mà trước hết phải có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, có dũng khí đấu tranh, công tâm, khách quan, chính trực, biết đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lên trên hết, trước hết.

Tiêu đề do Dân Việt đặt


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem