Bài viết của Tổng Bí thư và điều đặc biệt về đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc

PVCT Thứ sáu, ngày 02/02/2024 10:06 AM (GMT+7)
Trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu 5 bài học kinh nghiệm về việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc được rút ra tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khoá XIII của Đảng.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2024), Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết với tiêu đề "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng". Đây là bài viết rất quan trọng, nhằm khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tạo tiền đề vững chắc để đất nước tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Bài viết của Tổng Bí thư và điều đặc biệt về đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự khai mạc kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ 5 . Ảnh QH

Trong bài viết bên cạnh nhiều nội lớn, Tổng Bí thư yêu cầu cần tiếp tục quán triệt, vận dụng thật tốt một số bài học kinh nghiệm về việc đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc được rút ra tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII:

Một là, Phải luôn luôn nắm vững và nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc và chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước. Thực hiện thật tốt các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; đoàn kết thống nhất; kiên định, nhất quán, giữ vững nguyên tắc trước những vấn đề khó khăn, thách thức mới. Đối với những vấn đề lớn, khó, phức tạp, hệ trọng, cấp bách, nhạy cảm, chưa có tiền lệ, còn có nhiều ý kiến khác nhau, thì cần phải đưa ra họp bàn, thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn; cân nhắc cẩn trọng, kỹ lưỡng để có những quyết định kịp thời, đúng đắn và phù hợp với tình hình.

Hai là, Phải bám sát Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xây dựng và thực hiện cho bằng được chương trình công tác hằng năm, hằng quý, hằng tháng, hằng tuần theo đúng kế hoạch; đồng thời nhạy bén, linh hoạt, kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào chương trình công tác những công việc hệ trọng, phức tạp, mới phát sinh trên các lĩnh vực để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả toàn diện mọi hoạt động trong đời sống xã hội. Cần tiếp tục phát huy điểm mới trong nhiệm kỳ XIII, đó là: Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị cán bộ toàn quốc (trực tiếp, trực tuyến) để triển khai, quán triệt nhanh, đồng bộ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị toàn diện ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn, theo cả chiều dọc và chiều ngang; thống nhất từ Trung ương đến địa phương và giữa các địa phương trong các vùng, miền.

Định kỳ hằng tháng hoặc khi cần thiết, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đều họp để nắm bắt toàn diện, cụ thể, thực chất tình hình; trao đổi, bàn bạc, thống nhất quan điểm, chủ trương, định hướng chỉ đạo những vấn đề lớn, hệ trọng, cấp bách của Đảng, của Đất nước; đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả công việc đã đề ra. Sau mỗi cuộc họp đều ban hành kết luận chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm thực hiện đối với từng vấn đề; góp phần quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhất quán, thống nhất, kịp thời, chặt chẽ, đồng bộ, thông suốt, đặc biệt là trong bối cảnh phải phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và xử lý các tình huống phức tạp vừa qua; khắc phục những sự chồng lấn, trùng lắp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; tạo sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong các đồng chí lãnh đạo chủ chốt; tạo sự lan tỏa đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và cả hệ thống chính trị.

Ba là, Tập trung ưu tiên ban hành đồng bộ và có chất lượng hệ thống pháp luật, các quy định, quy chế, quy trình công tác để thực hiện nghiêm túc, thống nhất trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân theo đúng tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt".

Bốn là, Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải chấp hành nghiêm túc các quy chế, chế độ công tác; hoạt động trên cơ sở Quy chế làm việc, Chương trình công tác toàn khóa và hằng năm. Chuẩn bị kỹ nội dung, chương trình các cuộc họp; sắp xếp nội dung một cách khoa học, bài bản; thời gian tương đối hợp lý; mỗi phiên họp giải quyết được nhiều vấn đề; phát huy trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, thảo luận dân chủ, cẩn trọng, kỹ lưỡng; văn bản hóa nhanh, kịp thời các kết luận của phiên họp.

Việc phân công, phân cấp trong giải quyết công việc giữa Bộ Chính trị và Ban Bí thư, giữa tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cá nhân các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phụ trách từng lĩnh vực và quan hệ lãnh đạo giữa Bộ Chính trị, Ban Bí thư với các Đảng đoàn, Ban cán sự đảng, cấp ủy trực thuộc Trung ương cũng phải rõ ràng, cụ thể. Bộ Chính trị, Ban Bí thư giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền; báo cáo kịp thời, đầy đủ với Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề quan trọng trước khi quyết định và những công việc Bộ Chính trị đã giải quyết giữa hai kỳ hội nghị Trung ương.

Năm là, Từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phát huy cao độ tinh thần nêu gương, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng; nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự phê bình và phê bình; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tự giác nhận trách nhiệm chính trị lĩnh vực mình phụ trách; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và các biểu hiện tiêu cực khác; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ; tư tưởng, chính trị vững vàng, quan điểm đúng đắn; gương mẫu về đạo đức, lối sống trong công tác, trong cuộc sống của bản thân, gia đình và người thân. Hết sức tránh tình trạng "Chân mình còn lấm bê bê; Lại cầm bó đuốc đi rê chân người!".

Theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cần phân biệt bài học có tính chất lý luận tổng kết chung của toàn Đảng về phương thức lãnh đạo, vấn đề này Đảng cũng tổng kết 5 bài học, còn 5 bài học trong bài viết của Tổng Bí thư là bài học về sự lãnh đạo của Đảng trong hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, chủ yếu đi vào phương thức lãnh đạo, phong cách làm việc, quyết sách của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để giải quyết những vấn đề thực tiễn của đất nước. Ý nghĩa sâu sắc về 5 bài học trong bài viết mà Tổng Bí thư đã nêu đó là tổng kết kịp thời về phương thức lãnh đạo, phong cách và lề lối làm việc.

"Trong toàn bộ vấn đề xây dựng Đảng, có xây dựng Đảng về chính trị, xây dựng Đảng về tư tưởng lý luận; xây dựng Đảng về đạo đức; xây dựng Đảng về tổ chức cán bộ nhưng còn vấn đề rất quan trọng nữa là phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng. 5 bài học của Tổng Bí thư nêu trong bài viết là tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn với việc thực hiện phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện hiện nay. Điều đó thể hiện tính hiệu quả, tính thiết thực trong thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng thời nâng cao hơn nữa vị thế của Đảng trong xã hội, tạo thêm niềm tin của nhân dân, của toàn Đảng đối với các chủ trương, quyết sách lớn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư", PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem