Nông dân sáng chế máy nông nghiệp-mảnh ghép hoàn hảo của “Nông dân Việt Nam xuất sắc”

Tố Tố Thứ bảy, ngày 08/10/2022 06:00 AM (GMT+7)
Đa phần không được học qua trường lớp, không được đào tạo về sáng chế, có người còn không đọc được bản vẽ kỹ thuật, nhưng điểm chung ở họ là tinh thần học hỏi, đam mê sáng tạo và khát khao làm chủ khoa học kỹ thuật.
Bình luận 0

Máy chế biến thức ăn được sáng tạo từ ý tưởng của…máy xay sinh tố

Lấy ý tưởng từ máy xay sinh tố của Nhật ngày xưa, ông Đinh Văn Giang xã Sông Khoai, huyện Quảng Yên (Quảng Ninh) đã tỉ mỉ nghiên cứu, cải tiến, chế tạo ra máy chế biến thức ăn đa năng công nghệ xanh, đó là câu chuyện từ những năm 1995.

Nhà sáng chế nông dân: Mảnh ghép hoàn hảo của “Nông dân Việt Nam xuất sắc” - Ảnh 1.

Cơ sở sản xuất máy nông nghiệp của anh Đỗ Văn Giang

Hơn 20 năm kể từ ngày manh nha đó đến nay, ông Giang đã có trên 20 sản phẩm với nhiều loại kích cỡ giúp bà con sử dụng, phù hợp từ chăn nuôi nhỏ lẻ đến quy mô trang trại lớn. Một cái máy chế biến thức ăn chăn nuôi nhỏ nhất có giá dưới 7 triệu đồng nhưng giúp nhà nông giải phóng được rất nhiều công đoạn trong tăng gia chăn nuôi và sản xuất.

Những sản phẩm của ông được bà con truyền tai nhau  đón nhận sử dụng rộng rãi và đều rất hài lòng. Tiếp tục phát huy khả năng của mình, sáng chế và sản xuất gần chục loại máy móc khác như máy đào ao hút bùn, chế biến thực phẩm (giò, chả, chả mực…), máy ép viên, máy trộn thực phẩm, máy nghiền đá lạnh, máy đóng gạch…

Tính đến nay nhiều sản phẩm từ cơ sở sản xuất máy Trí Đạt của ông đã tiến xa sang thị trường quốc tế như Mỹ, Nga, Canada, Lào, Campuchia. Ông "Vua sáng chế nhà nông"  cũng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen "Đã có thành tích trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc". 

Đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tặng anh Đinh Văn Giang bằng khen: "Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào  Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Cũng trong năm này, Ông được trao bằng độc quyền sáng chế cho sản phẩm Thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi đa năng.

Với những thành tích của mình, ông Giang vinh dự được trao tặng danh hiệu NDVNXS năm 2018.

Máy thu hoạch mía của anh nông dân mới học hết lớp 5

Phi Anh Đệ, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) là NDXS 2017, Phi Anh Đệ chỉ mới học hết lớp 5 đã phải bỏ học theo gia đình đi lập nghiệp. Năm 2000 anh vào TP. Hồ Chí Minh học nghề cơ khí sau đó quay về xã Sơn Nguyên lập gia đình và mở tiệm cơ khí nhỏ để kiếm sống.

Nhà sáng chế nông dân: Mảnh ghép hoàn hảo của “Nông dân Việt Nam xuất sắc” - Ảnh 3.

Ngày đầu ra mắt, máy thu hoạch mía của anh Đệ hoạt động hiệu quả trên đồng ruộng.. Ảnh Trình Kế

Đặc biệt, xã Sơn Nguyên nơi anh sống là vùng nguyên liệu mía trọng điểm của tỉnh Phú Yên với hơn 1.900 ha mía. Do vậy, xưởng cơ khí của anh Đệ cũng sản xuất, chế biến chủ yếu là những dụng cụ chuyên cho sản xuất mía. Dần dần, anh Đệ bắt đầu mày mò, nghiên cứu chế tạo ra những loại máy móc làm thay sức người trồng mía.

Ban đầu là cải tiến chiếc cày đất truyền thống thô sơ, sau đó chế tạo thành máy cày ngầm bỏ phân mía, máy xới cỏ mía, máy phun thuốc cỏ mía và máy băm rác mía sau thu hoạch. Mỗi loại máy do anh Đệ chế tạo ra được người trồng mía chấp nhận và sử dụng rất hiệu quả.

Từ những thành công ấy, anh Đệ ấp ủ sáng chế ra loại máy thu hoạch mía hiện đại. Với lòng say mê, kiên trì tìm tòi, sáng tạo suốt 10 năm ròng, đến đầu tháng 10/2017, nông dân Phi Anh Đệ đã chính thức cho ra đời chiếc máy thu hoạch mía, có giá trị một tỷ đồng. Theo anh Đệ, giá này chỉ bằng khoảng 20% giá thành so với một số máy do các nước sản xuất. Không chỉ vậy, máy do anh Đệ chế tạo rất tinh gọn, hoạt động liên hoàn ở những chân ruộng thấp, diện tích nhỏ, rất phù hợp với cánh đồng mía ở Việt Nam hiện nay.

Tinh thần say mê sáng tạo và thành công của anh Đệ đã góp phần đáng kể vào việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sồng người nông dân. Ghi nhận những thành đó, anh Đệ được bầu chọn là một trong 63 nông dân việt Nam xuất sắc 2017 của cả nước.

Ông Tư Hùng và những sáng chế vì nông dân

Nhà sáng chế nông dân: Mảnh ghép hoàn hảo của “Nông dân Việt Nam xuất sắc” - Ảnh 4.

Khách hàng kiểm tra và nhận bàn giao máy nông nghiệp do doanh nghiệp Tư Hùng chế tạo tại (ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tư Hùng (ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) không thể nhớ hết đã có bao chiếc máy phục vụ sản xuất nông nghiệp ra đời từ xưởng cơ khí của mình.

Những sản phẩm của ông cũng tham dự và đạt không biết bao nhiêu giải sáng tạo khoa học kỹ thuật khắp trong và ngoài tỉnh. "Có lẽ chúng ra đời từ nhu cầu trực tiếp của nông dân trên đồng ruộng", ông Hùng giải thích đơn giản.

Hầu hết máy cơ khí của ông đều ra đời từ gợi ý hoặc nhu cầu bức thiết trên đồng ruộng. Ông kể có lần, 1 giám đốc nông nghiệp muốn đào rãnh để lắp ống nước, triển khai hệ thống tưới tự động cho toàn vùng nguyên liệu mía của nhà máy. Nhưng đất khô cằn, công lao động lại cao nên người này đã tìm đến ông tìm phương án.

Do chưa có mô hình thực tế nên lúc thực hiện ông Hùng gặp không ít khó khăn, không thể tính chính xác các thông số công suất để cài đặt hộp truyền động. Yêu cầu đào rãnh trên đất bề ngang 2 tất, mà sâu tới 6 tấc khiến nhiều lần hộp số bị gãy bể. Đến khi chỉnh sửa thành công và đưa giàn máy thực nghiệm trên đồng, ai cũng phải trầm trồ vì đường cắt rãnh sâu và thẳng đều tăm tắp.

Ông Hùng giải thích, ngày trước người dân đào rãnh thủ công, đường rãnh không được sâu, khiến máy cày chạy trên ruộng dễ cán vỡ. Sau thành công này, nhiều người bắc chước công nghệ, rồi hệ thống tưới kiểu đó phát triển khắp huyện Tân Châu và tỉnh Tây Ninh.

Ông Hùng tâm sự, cơ khí nông nghiệp là cần thiết để tái cơ cấu nông nghiệp, tiến tới nâng cao năng suất, giảm sức lao động thủ công. Vấn đề cần đặt ra cho ngành cơ khí tỉnh Tây Ninh hiện nay là tìm hướng phát triển và thị trường tiêu thụ cho các doanh nghiệp cơ khí trong tỉnh. Muốn đạt được mục tiêu đó phải có chính sách ưu đãi về tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị ngành cơ khí đầu tư mở rộng quy mô, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất.

Năm 2020, ông Phạm Văn Hùng, được Hội đồng chung khảo bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc", đại diện cho tỉnh Tây Ninh.

Kỹ sư chân đất làm giàu cho cả xóm, thôn

Học hết tiểu học do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nghỉ học về nhà, Dương Quốc Thái ở Hậu Mỹ Bắc B (Cái Bè – Tiền Giang) theo cha đi suốt lúa thuê, chăn vịt lo mưu sinh cho gia đình. Năm 1994, anh được gia đình cho đi học nghề sửa máy nổ để có cái nghề lo gia đình, vợ con sau này.

Nhà sáng chế nông dân: Mảnh ghép hoàn hảo của “Nông dân Việt Nam xuất sắc” - Ảnh 2.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 Dương Quốc Thái (xã Hậu Mỹ Bắc B, Cái Bè, Tiền Giang) đi học làm máy kéo ở Hàn Quốc. Ảnh: Trần Đáng

Sau thời gian học nghề sửa máy nổ anh ra mở tiệm sửa. Và đến 2008, anh chuyển hẳn sang chế tạo nông cụ.

Theo anh Thái, ngay trong quá trình học nghề sửa máy nổ, rã động cơ, anh đã biết nguyên lý hoạt động của máy. Sửa càng nhiều máy anh càng thấm những cấu tạo của máy nổ để chuẩn bị cho việc sáng chế nông cụ sau này.

Lại thêm, trong quá trình học sửa chữa máy, anh nhận thấy nhiều sản phẩm, máy móc nông, ngư, cơ ngoại nhập thường giá đắt đỏ, đôi khi hoạt động lại không phù hợp với đặc điểm đồng ruộng địa phương. Ngoài ra, nông dân đa phần nghèo nên không đủ khả năng đầu tư cơ giới hóa đồng ruộng trong thời kỳ sản xuất mới.

Đánh giá về các nông cụ sáng chế của mình, anh Thái cho rằng, về mặt kinh tế, các sản phẩm này xuất phát từ nhu cầu của sản xuất thực tế. Các sản phẩm này giúp nông dân giảm ngày công lao động, giảm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành so với những nông cụ ngoại nhập đắt tiền.

Về mặt xã hội, các sản phẩm này đáp ứng được nhu cầu của nông dân, chỉ cần đầu tư chi phí vừa phải đã có những máy móc, thiết bị đơn giản nhưng phục vụ rất hiệu quả trong sản xuất. Các sản phẩm này mang tính cộng đồng cao, được nông dân chấp nhận sử dụng.

Hiện, các sản phẩm nông cụ sáng chế của anh Thái không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Điều đáng quý của "kỹ sư chân đất" này là không chỉ tự làm giàu, mà còn chia sẻ phần lợi nhuận giúp phát triển cộng đồng ở vùng đất Thiên hộ này.

Anh Thái cho biết, hàng năm cơ sở của anh giải quyết việc làm cho hơn 42 lao động có việc làm thường xuyên, với thu nhập ổn định 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm cho 20 - 25 lao động thời vụ với số tiền 300.000 đồng/người/ngày.

Hàng năm, cơ sở của anh Thái còn hỗ trợ 30 - 50 hộ nghèo về vốn, cây giống, con giống không tính lãi; hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vận hành máy đắp bờ, máy xới. Kết quả nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo, kinh tế ổn định và thu nhập cao.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem