Nông dân Hà Tĩnh khấm khá nhờ mô hình nuôi cá, trồng cây ăn quả, vốn đầu tư thì vay ở ngân hàng này

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 31/05/2022 11:07 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm vay vốn chương trình hộ nghèo, hiện nay, gia đình chị Toàn đang dư nợ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) 45 triệu đồng.
Bình luận 0

"Lãi suất ưu đãi, thời gian vay vốn khá dài nên gia đình yên tâm khi tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Hiện nay, ngoài chăn nuôi bò thịt là lĩnh vực chủ lực, gia đình còn trồng cây ăn quả, nuôi cá, đem về nguồn thu khá"- đó là chia sẻ của chị Phạm Thị Toàn ở xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh.

Linh hoạt thủ tục vay, lãi suất ưu đãi

Sau nhiều năm vay vốn chương trình hộ nghèo, hiện nay, gia đình chị Toàn đang dư nợ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thạch Hà 45 triệu đồng.

Hội viên khấm khá nhờ có vốn trồng cây, nuôi cá - Ảnh 1.

Nông dân huyện miền núi Hương Sơn, Hà Tĩnh vay vốn Ngân hàng CSXH đầu tư trồng cam. Ảnh: H.S

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Tĩnh đến cuối tháng 4/2022 là 5.440 tỷ đồng với trên 103.000 khách hàng. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân Hà Tĩnh lớn nhất so với các hội đoàn thể ,với dư nợ đến nay đạt trên 1.954 tỷ đồng (chiếm gần 36% trong tổng dư nợ).

Chị Toàn chia sẻ: "Lãi suất vay ưu đãi, thời gian vay vốn khá dài nên gia đình yên tâm khi tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH. Ngoài ra, trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19 vừa qua, chúng tôi được Ngân hàng CSXH giảm lãi suất cho vay. Hiện nay, ngoài chăn nuôi bò thịt là lĩnh vực chủ lực, gia đình còn trồng cây ăn quả, nuôi cá, đem về nguồn thu khá".

Gia đình chị Đậu Thị Hồng Minh (ở thôn Tân Quang, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ) từng là một trong những hộ nghèo của xã. Năm 2015, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để phát triển kinh tế vườn đồi kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Chị Minh cho biết: Trước đây, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, nhưng được sự giúp đỡ của Ngân hàng CSXH, gia đình có nguồn vốn để phát triển kinh tế như chăn nuôi bò, trồng rừng. Sau gần 5 năm, gia đình đã thoát khỏi đói nghèo, có điều kiện để nuôi con cái ăn học. Đến nay, gia đình đã trả hết nợ cho ngân hàng.

Cùng với chị Minh, trên địa bàn xã Đức Lạng có hàng trăm hộ nông dân được Ngân hàng CSXH tiếp sức. Ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Lạng cho biết: Đến nay, dư nợ vốn vay của Ngân hàng CSXH do Hội Nông dân xã quản lý là trên 11 tỷ đồng, cho 245 hội viên vay vốn. Từ khi các gia đình hội viên tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đã phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế, các hộ sử dụng đồng vốn đúng mục đích.

Dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân nhiều nhất

Tại xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh, anh Trần Văn Hiệp cũng được vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển mô hình nuôi bò thịt. Anh Hiệp phấn khởi chia sẻ: "Chúng tôi đã gắn bó với Ngân hàng CSXH từ những ngày đầu thành lập mô hình chăn nuôi. 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm mà tôi vừa tiếp cận đã tạo thêm nguồn lực để phát triển quy mô đàn nuôi. Hiện nay, gia đình sở hữu 5 con bò sinh sản, 14 con bò thịt, mang về nguồn thu trên 300 triệu đồng mỗi năm".

Theo số liệu từ Ngân hàng CSXH tỉnh, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Tĩnh đến cuối tháng 4/2022 là 5.440 tỷ đồng với trên 103.000 khách hàng. Trong đó, dư nợ ủy thác qua Hội Nông dân Hà Tĩnh lớn nhất so với các hội đoàn thể với dư nợ đến nay đạt trên 1.954 tỷ đồng (chiếm gần 36% trong tổng dư nợ). Nguồn vốn từ nhiều chương trình tín dụng đã giúp hàng nghìn hội viên, nông dân có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất - kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Ông Phạm Anh Đức - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh cho biết: Huyện Kỳ Anh là địa phương có dư nợ chính sách ủy thác qua Hội Nông dân lớn nhất tỉnh với 222 tỷ đồng (chiếm 34,6% tổng dư nợ) với trên 4.200 khách hàng còn dư nợ.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh đã ký ủy thác với 14 tổ chức Hội Nông dân cấp xã và ủy nhiệm qua 113 tổ tiết kiệm và vay vốn. "Nhờ quy trình thẩm định, cho vay đảm bảo công khai, đúng đối tượng gắn với việc kiểm tra, giám sát thường xuyên nên hội viên, nông dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, nhiều hộ vượt khó, thoát nghèo, vươn lên làm giàu"- ông Đức thông tin. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem