Nông dân Gia Lai tiết kiệm hàng tá chi phí sản xuất nhờ làm phân bón kiểu này

Kỳ Phú Thứ bảy, ngày 27/05/2023 09:19 AM (GMT+7)
Tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), nhiều nông dân đã có biết tận dụng các phế phẩm để làm men vi sinh và phân bón hữu cơ. Cách làm này đã góp phần giảm chi phí sản xuất và hướng tới nền nông nghiệp sạch, bền vững.
Bình luận 0

Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi để phát triển nhiều loại cây công nghiệp như cây hồ tiêu, cà phê. Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, nhiều nông dân thường lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên sau một thời gian dài làm đất đai bị bạc màu khiến cây trồng bị hư hại, đặc biệt là chết nhanh chết chậm.

Trước tình cảnh đó, nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi sang hướng sản xuất hữu cơ, bỏ công tự làm phân bón để hạ chi phí đầu vào, giữ vệ sinh môi trường, tạo ra nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe của chính người nông dân và người tiêu dùng.

Nông dân Gia Lai tiết kiệm hàng tá chi phí sản xuất nhờ làm phân bón kiểu này - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Tấn Lục kiểm tra thùng men vi sinh đã ủ trước khi bón cho cây trồng. Ảnh: H.L

Đến thăm vườn cây trồng của gia đình ông Nguyễn Tấn Lục (trú tại thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), chúng tôi thật sự bất ngờ khi nhiều loại cây như hồ tiêu, cà phê và cây ăn trái phát triển xanh tốt.

Chia sẻ với PV, ông Lục cho hay, hiện nay toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình được canh tác hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Theo ông Lục, cơ duyên khiến ông thay đổi suy nghĩ và phương thức canh tác đến từ năm 2016 khi đi tham gia lớp tập huấn về sản xuất men vi sinh làm phân bón hữu cơ do các cấp hội trên địa bàn huyện Chư Sê tổ chức kết hợp học hỏi, tìm tòi trên sách báo, mạng Internet.

Nông dân Gia Lai tiết kiệm hàng tá chi phí sản xuất nhờ làm phân bón kiểu này - Ảnh 2.

Men vi sinh hữu cơ được ủ trong vòng 7 ngày là có thể sử dụng được. Ảnh: H.L

Sau đó, ông Lục bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất men vi sinh bản địa (IMO) để làm phân bón hữu cơ.

"Để sản xuất ra men vi sinh IMO, tôi đã tận dụng các loại trái cây có sẵn trong vườn như đu đủ, chuối, bưởi non...rồi hòa cùng với gỉ mật mía, men tiêu hóa, men rượu, sữa chua, cám gạo, đạm cá. Tất cả nguyên liệu trộn đều, ủ trong thùng phuy có nắp đậy. Quy trình này được tôi khép kín trong thùng ủ trong vòng 7 ngày", ông Lục giải thích.

Sau khi ủ thành công men vi sinh, ông Lục pha một 1 lít với 100 lít nước rồi sau đó bón cho cây trồng.

"Hiện tại, gia đình tôi đang có 2 ha đất. Trên diện tích này, tôi trồng 3 loại cây xen canh với nhau gồm: 1,6 ha hồ tiêu, 1 ha cà phê, 200 cây sầu riêng, 200 cây chanh dây. Vườn cây của gia đình cho thu hoạch quanh năm. Trong đó, tháng 9 sẽ thu hoạch sầu riêng, tháng 11-12 thu hoạch cà phê và tháng 3 thu hoạch hồ tiêu. Mỗi năm, gia đình thu về gần 400 triệu đồng sau khi trừ đi các chi phí. Nhờ tự làm phân bón hữu cơ mà tôi đã tiết kiệm được 70% chi phí so với dùng phân bón và thuốc hóa học và đất đai màu mỡ, cây đạt năng suất hơn.", ông Lục nói.

Nông dân Gia Lai tiết kiệm hàng tá chi phí sản xuất nhờ làm phân bón kiểu này - Ảnh 3.

Chị Hương tưới phân bón hữu cơ cho vườn cà phê. Ảnh: H.L

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thảo (trú tại thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) cũng đã sử dụng men vi sinh bản địa (IMO) để phục vụ hơn 2 ha cây trồng của gia đình như cà phê, sầu riêng, bơ, mít. Cũng nhờ sử dụng phân bón được ủ từ IMO, cây trái trong vườn của chị Thảo tươi tốt, chất lượng mà không phải lo lắng khi có thời điểm giá phân bón tăng cao.

"Hơn 5 năm qua, gia đình tôi đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng nhờ tự làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Tuy nhiên, phân bón làm từ IMO sẽ hạn chế hơn so với sử dụng các loại phân bón hóa học là khi sản xuất sạch cây trồng phát triển chậm hơn nhưng vườn cây sẽ có lợi về lâu về dài. Ngoài ra, nó còn giúp cho đất tơi xốp, ít sâu bệnh, cây phát triển, cho quả to và đều", chị Thảo chia sẻ.

Nông dân Gia Lai tiết kiệm hàng tá chi phí sản xuất nhờ làm phân bón kiểu này - Ảnh 4.

Vườn chanh dây của ông Lục cho trái xanh tốt và phát triển mỗi năm sau khi sử dụng phân bón hữu cơ. Ảnh: H.L

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Hữu Tỵ - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê cho biết, thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã quan tâm đến phát triển nông nghiệp hữu cơ. Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức tập huấn tới người dân sử dụng chế phẩm sinh học để ủ tạo ra phân bón nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và bà con nông dân tham gia sản xuất. Cách làm này đã giảm tối đa chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chủ động nguồn đầu tư hàng năm; tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn.

"Thời gian tới, hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi tập quán, nhận thức từ sản xuất nông nghiệp vô cơ sang nông nghiệp hữu cơ để giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng", ông Tỵ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem