Nậm Pồ: Thêm một “mùa gieo chữ” với nhiều khó khăn thử thách

Vinh Duy Thứ hai, ngày 05/09/2022 12:55 PM (GMT+7)
Sáng 5/9, hơn 21.000 học sinh của huyện Nậm Pồ (Điện Biên) đã khai giảng năm học mới dù nhiều lớp học vẫn là nhà tạm, cơ sở vật chất thiếu thốn...
Bình luận 0

Lãnh đạo huyện Nậm Pồ "vác rổ rá" đi xin tài trợ

Chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: "Mặc dù được đầu tư xây dựng, nhưng hiện nay cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học. Huyện còn nhiều phòng lớp học tại các điểm bản là nhà tạm hoặc bán kiên cố. Nhiều trường, phòng ở nội trú cho học sinh chưa được kiên cố, ảnh hưởng không nhỏ đến việc ăn ở, học tập của học sinh".

Nậm Pồ: Thêm một “mùa gieo chữ” với nhiều khó khăn thử thách - Ảnh 1.

Thư kêu gọi ủng hộ Chương trình "Nước cho em" của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nậm Pồ. Ảnh: Vinh Duy

Đứng trước những khó khăn của một huyện nghèo, làm sao cho trường lớp được khang trang, học sinh được đến trường vui vẻ. Lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện không ngại "vác rổ rá" đi xin khắp nơi. Mong sao các nhà từ thiện ủng hộ Nậm Pồ, từ quyển vở viết, đến bộ quần áo, chăn màn, hay xa xỉ hơn là những phòng lớp học được xây dựng mới.

Chia sẻ với chúng tôi trong một lần vào huyện công tác, ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy tâm sự: "Giáo dục Nậm Pồ còn khó khăn lắm, mình đi công tác xuống các trường học, thấy cảnh giáo viên, học sinh chỗ ăn, chỗ ở còn tạm bợ, mình rất buồn. Nhưng lực bất tòng tâm, nguồn kinh phí nhà nước đầu tư có hạn, chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì thế chỉ còn cách kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ ngành giáo dục huyện".

Nậm Pồ: Thêm một “mùa gieo chữ” với nhiều khó khăn thử thách - Ảnh 2.

Nhà báo Lưu Quang Định (bên trái) - Tổng Biên tập Báo NTNN/Điện tử Dân Việt gắn biển tại điểm Trường mầm non Na Cô Sa 3 do báo ủng hộ xây dựng. Ảnh: Vinh Duy

Không chỉ có lãnh đạo huyện đi xin cho ngành giáo dục mà trong huyện, cán bộ công nhân viên chức đã tận dụng mọi mối quan hệ để đặt vấn đề với các nhà hảo tâm ủng hộ cho huyện. Có thể kể đến những cán bộ không ngại "xấu hổ" đi xin khắp nơi như chị Trần Thị Yến (Hội Chữ thập đỏ huyện), anh Bùi Văn Ần (Phòng Giáo dục huyện). Nhiều điểm trường được xây dựng mới đề có công của chị Yến, anh Ần. Nói như ông Nguyễn Xuân Thuận – Phó Chủ tịch UBND huyện thì anh Ần, chị Yến có nhiều đóng góp, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ cho ngành giáo dục Nậm Pồ.

Cũng theo ông Lê Khánh Hòa thì hiện nay toàn huyện có 23/43 trường học là trường dân tộc bán trú và nội trú với trên 13.000 học sinh ở nội trú. Tất cả số học sinh trên đều là con em dân tộc thiểu số, nên việc duy trì nơi ở ăn uống sinh hoạt tại trường cho các cháu gặp nhiều khó khăn. Cái khó nhất hiện nay của Nậm Pồ chính là nước sinh hoạt cho học sinh. Nhiều trường học do có số lượng học sinh bán trú, nội trú đông (từ 800 – 1.000 học sinh) nên dẫn đến tình trạng thiếu nước khá nghiêm trọng. Nhất là vào mùa khô, nhiều trường học sinh phải ra các khe suối, chờ cả tiếng để hứng từng chậu nước tắm giặt. Như vậy vừa không đảm bảo an toàn và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như chất lượng học tập của học sinh.

Nậm Pồ: Thêm một “mùa gieo chữ” với nhiều khó khăn thử thách - Ảnh 3.

Từ năm 2019 - 2021, Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đã kêu gọi xây dựng tại huyện Nậm Pồ 4 phòng học tại các điểm bản. Ảnh: Vinh Duy

Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, nhà ở bán trú cho học sinh cũng còn nhiều nhà là bán kiên cố. Để giải quyết tình trạng này trong thời gian ngắn là không thể, vì tiềm lực kinh tế của huyện không có. "Với một huyện nghèo, thu ngân sách chưa đến 10 tỷ/năm thì lấy đâu ra nguồn lực để đầu tư cho giáo dục. Chúng tôi cũng rất lo, vì tại một số trường, mấy chục cháu ở trong nhà lắp ghép. Mùa hè nóng bức, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các cháu. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là một số nhà làm bằng khung thép, nếu có sự cố về điện sẽ ảnh hưởng đến tính mạng học sinh" ông Ngô Xuân Chiến chia sẻ thêm.

Tiếp sức cho Nậm Pồ

Để chung tay, chia sẻ những khó khăn cho Nậm Pồ, thời gian qua nhiều nhà hảo tâm đã chung tay, hỗ trợ cho Nậm Pồ. Điểm trưởng ở các bản đã được xây dựng mới, hoặc được hỗ trợ làm bán kiên cố để giúp thầy cô, phụ huynh yên tâm khi cho con em đến trường.

"Mỗi khi có thông tin một nhà hảo tâm nào hỗ trợ huyện là chúng tôi bớt một gánh lo. Vì chỉ vài tháng nữa một điểm trường sẽ được xây dựng mới, thầy và trò sẽ được học trong lớp học khang trang. Không phải chịu cảnh mưa thì cả thầy và trò đứng vào một góc lớp tránh mưa, nắng thì học sinh phải kéo bàn tránh nắng", ông Ngô Xuân Chiến tâm sự.

Nậm Pồ: Thêm một “mùa gieo chữ” với nhiều khó khăn thử thách - Ảnh 4.

Nha khoa Sài Gòn - HN đã tổ chức khám, chữa răng cho hơn 1.000 học sinh trên địa bàn huyện Nậm Pồ. Ảnh: Vinh Duy

Trong những năm qua các tổ chức đơn vị đã ủng hộ Nậm Pồ nhiều trường lớp học, đồ dùng học tập, sách vở, quần áo… Như Báo Nông thôn Ngày Nay/Điện tử Dân việt đã ủng hộ huyện Nậm pồ xây dựng 4 điểm trường, tặng giếng nước cho 2 điểm trường; phối hợp với Nha khoa Sài Gòn tổ chức khám, chữa răng miễn phí cho hàng nghìn học sinh trên địa bàn huyện Nậm Pồ.

Tháng 5 vừa qua, huyện Nậm Pồ lại đón niềm vui mới khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tổ chức khánh thành, trao tặng công trình Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học–trung học cơ sở Vàng Đán. Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học–trung học cơ sở Vàng Đán được khởi công xây dựng từ ngày 18/9/2020, gồm các hạng mục: Nhà lớp học 2 tầng với 10 phòng học; nhà hiệu bộ 2 tầng; 2 nhà nội trú học sinh; nhà bếp, cùng các hạng mục công trình phụ khác. Công trình được xây dựng khang trang và đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất.

Một "mùa gieo chữ" mới lại bắt đầu trên mảnh đất biên viễn dù còn nhiều khó khăn, thách thức. Mong mỏi lớn nhất của ngành giáo dục Nậm Pồ lúc này là các nhà hảo tâm ủng hộ Chương trình "Nước cho em" tại các trường học trên địa bàn. Chương trình do Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nậm Pồ kêu gọi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem