Khai giảng ở vùng tâm chấn động đất Kon Tum: Học sinh sẵn sàng ứng phó, tìm nơi ẩn nấp

Hoàng Lộc Thứ hai, ngày 05/09/2022 11:51 AM (GMT+7)
Tại vùng tâm chấn động đất ở huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), học sinh mặc trang phục truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số, mang chiêng trống đi dự lễ khai giảng. Các em vẫn chưa hết lo lắng, bàng hoàng sau hàng loạt trận động đất diễn ra.
Bình luận 0

Hòa chung không khí chào mừng năm học mới 2022- 2023 trong cả nước, sáng 5/9, học sinh các cấp học, bậc học tại tỉnh Kon Tum đến trường dự lễ khai giảng năm học mới.

Ghi nhận của chúng tôi, tại Trường PTDTBT THCS xã Đăk Tăng (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), ngay từ 5h sáng, các em học sinh ở bán trú tại trường đã dậy sớm hơn để quét dọn sân trường và ăn sáng.

Kon Tum: Học sinh vùng tâm chấn động đất mặc trang phục truyền thống, đêm chiêng trống đi khai giảng - Ảnh 1.

Các em học sinh xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) trong trang phục truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số và mang theo chiêng, trống đi dự lễ khai giảng. Ảnh: H.L

Gần 7h sáng, các em học tập trung đầy đủ trước sân trường để chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng.

Trên con đường dẫn vào cổng trường, các em học sinh mặc trang phục truyền thống của đồng bào thiểu số và mang theo chiêng trống. Tiếng trống hoà cùng tiếng chiêng làm cho không khí của lễ khai giảng càng thêm náo nhiệt.

Năm học 2022 - 2023, Trường PTDTBT THCS xã Đăk Tăng có khoảng 120 em học sinh, trong đó có 82 em là ở bán trú tại trường. 

Kon Tum: Học sinh vùng tâm chấn động đất mặc trang phục truyền thống, đêm chiêng trống đi khai giảng - Ảnh 2.

Buổi lễ khai giảng tại Trường PTDTBT THCS xã Đăk Tăng. Ảnh: H.L

Xã Đăk Tăng là một trong nhiều địa phương của huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) nằm trong vùng tâm chấn của động đất. Thời gian qua, các trận động đất tại đây diễn ra ngày càng nhiều cả về tần suất lẫn độ lớn khiến người dân nói chung và các thầy cô, các em học sinh hoang mang, lo lắng.

Cô Nguyễn Thị Tú, giáo viên Trường PTDTBT THCS xã Đăk Tăng tâm sự, gần 2 năm qua, trên địa bàn xã liên tục xảy ra nhiều trận động đất. Khi nghe tiếng động đất, cô trò đều kêu lớn và không biết phản ứng như thế nào.

"Vừa qua, chính quyền địa phương cũng đã tập huấn, hướng dẫn giáo viên, người dân trên địa bàn biết cách ứng phó với động đất và tôi cũng đã truyền đạt lại với học sinh. Hy vong, thời gian tới cơ quan chức năng cung cấp thêm nhiều thông tin và tập huấn kỹ để cô trò biết cách ứng phó, tạm trú ẩn khi xảy ra các trận động đất mạnh", cô Tú nói.

Kon Tum: Học sinh vùng tâm chấn động đất mặc trang phục truyền thống, đêm chiêng trống đi khai giảng - Ảnh 3.

Thời gian vừa qua, huyện Kon Plông hứng chịu nhiều trận động đất khiến các em học sinh lo lắng. Ảnh: H.L

Em A Diệm, học sinh lớp 9 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở xã Đăk Tăng cho hay, hôm nay em rất phấn khởi và háo hức khi dự lễ khai giảng. Năm nay được đón khai giảng cùng bạn bè và thầy cô giáo, em thấy rất vui.

Cũng theo em Diệm, mỗi khi nghe tiếng động đất, bản thân em rất lo sợ, hoang mang. Sau khi tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa, em đã được thầy cô hướng dẫn về cách ứng phó với động đất.

"Cô giáo đã hướng dẫn cho chúng em khi ngủ mà cảm thấy động đất phải lập tức leo xuống giường tìm nơi ẩn nấp và xa các vật trên cao, tủ đứng đề phòng nhà bị sập hoặc đồ đạc rơi xuống gây thương tích. Khi động đất xảy ra mà em ở một mình thì không được trú ẩn ở chỗ tạm bợ, phải chạy đến khu vực trống, tránh xa cây cối và trụ điện. Trong trường hợp động đất mạnh, nếu chúng em bị mắc kẹt, phải la lớn để nhờ sự giúp đỡ của giáo viên", em Diệm chia sẻ.

Kon Tum: Học sinh vùng tâm chấn động đất mặc trang phục truyền thống, đêm chiêng trống đi khai giảng - Ảnh 4.

Các em học sinh cần được tập huấn về kỹ năng ứng phó với động đất nhiều hơn. Ảnh: H.L

Ông Nguyễn Minh Cường, - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) cho hay, dựa theo hướng dẫn của từ chính quyền và các ngành chức năng từ tỉnh đến huyện, ngành giáo dục huyện chỉ đạo các trường học chủ động hướng dẫn cho học sinh những kỹ năng ứng phó khi gặp động đất trước ngày khai giảng năm học mới. Bên cạnh đó, khi giảng dạy, các giáo viên sẽ lồng ghép kiến thức để tuyên truyền cho học sinh.  

Năm học 2022- 2023, Kon Tum có tổng cộng 166.080 học sinh, trong đó có 96.006 em dân tộc thiểu số, xếp thành 5.797 lớp. Đến nay, tỉnh Kon Tum có 361 trường mầm non và phổ thông, cụ thể 134 trường mầm non (trong đó có 111 trường mầm non công lập và 23 trường mầm non ngoài công lập), 91 trường tiểu học, 56 trường tiểu học và trung học cơ sở, 54 trường trung học cơ sở và 26 trường THPT.

Để đảm bảo điều kiện cho thầy – trò trong năm học mới, ngành giáo dục đã chủ động sắp xếp, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch bổ sung, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 80 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem