Đề nghị làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã?

Bình Minh Thứ ba, ngày 01/11/2022 19:52 PM (GMT+7)
Chiều 1/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần thiết phải sửa đổi luật này để phù hợp với thực tế, góp phần phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả.
Bình luận 0

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi luật này để phù hợp với thực tế, góp phần phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả theo đúng tinh thần các nghị quyết của Đảng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, nhiều kiến nghị đã được Ban soạn thảo tiếp thu, giải quyết được nhiều tồn tại, vướng mắc của Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó thay đổi được thành viên hợp tác xã. Cùng với đó, thành viên liên kết trong hợp tác xã có thể góp vốn hoặc không góp vốn, mà chỉ phải trả phí liên kết, như vậy tạo điều kiện cho thành viên được linh hoạt hơn. 

Ngoài ra, dự thảo luật cũng tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã quy mô nhỏ, phù hợp với đơn vị kinh tế hoạt động trong điều kiện kinh tế thị trường; thay đổi về chính sách hỗ trợ, đi kèm với điều kiện để được thụ hưởng chính sách, giúp hợp tác xã hoạt động tốt được hưởng nhiều chính sách hơn...

Đề nghị làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đề nghị giữ nguyên tên gọi “Luật Hợp tác xã” thay vì đề xuất đổi tên thành “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác” theo đề nghị của Chính phủ. Ảnh: Tiến Thành

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, đây là luật lớn, liên quan nhiều đối tượng, do đó, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu đề nghị giữ nguyên tên gọi “Luật Hợp tác xã” thay vì đề xuất đổi tên thành “Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác” theo đề nghị của Chính phủ. 

Đối với quy định về góp vốn của thành viên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ thêm bởi nội dung dự thảo chưa rõ là áp dụng cho một thành viên chính thức hay một nhóm thành viên chính thức. Ngoài ra, đại biểu đề nghị cho viên chức được tham gia điều hành hợp tác xã để tạo sự khác biệt giữa doanh nghiệp và hợp tác xã.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, cần nhất quán trong quan điểm giữ nguyên tên gọi luật như trước đây là Luật Hợp tác xã, bởi dự án luật không thay đổi về phạm vi điều chỉnh, hợp tác xã vẫn là đối tượng chủ đạo trong luật. 

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng cho rằng, quy định tại dự thảo luật hiện nay chưa đủ rõ ràng và còn sự chồng chéo giữa chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Hợp tác xã và Liên hiệp Hợp tác xã; các chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Hợp tác xã chưa bảo đảm tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và quản trị hợp tác xã.

Đề nghị làm rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã? - Ảnh 2.

Chiều 1/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Về Quỹ Hỗ trợ hợp tác xã, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần phân tích rõ nguồn hình thành, cơ chế hoạt động, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Quy định rõ trường hợp hoạt động cho vay nếu thất thoát, mất khả năng thanh toán thì ai chịu trách nhiệm?

Còn đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) đề nghị làm rõ nguồn hình thành và cơ chế vận hành, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý quỹ ở Trung ương và cấp tỉnh. Nếu không làm rõ cơ chế sẽ dẫn đến sự chồng chéo với các thiết chế tài chính khác, gây lãng phí. Đối với quy định về Liên đoàn hợp tác xã, đại biểu cho rằng, nên cân nhắc thí điểm trước sau đó mới xem xét việc luật hóa vì mô hình này vừa có tư cách pháp nhân như một tổ chức kinh tế song lại có mô hình như một tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Đại biểu Trần Thị Hồng An (Đoàn Quảng Ngãi) nêu rõ, theo báo cáo tổng kết 1 năm thi hành luật, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 56 Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, trong đó có 1 quỹ cấp Trung ương và 55 quỹ địa phương. Với mục đích của quỹ là hỗ trợ, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển, việc thành lập Quỹ là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định về nguồn tài chính hình thành Quỹ, cơ chế vận hành, quản lý Quỹ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem